Vì sao cần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn?
Kinh tế tuần hoàn là thuật ngữ đã xuất hiện từ thế kỷ XX và được thế giới quan tâm, chú trọng nhiều hơn trong thời gian gần đây, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm bộc lộc rõ sự yếu kém trong năng lực tự cung tự cấp khi có thảm họa xảy ra tại nhiều quốc gia. Động lực để Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính (kinh tế thẳng) sang kinh tế tuần hoàn bắt nguồn từ tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhu cầu nguyên liệu nhưng nguồn tài nguyên lại giảm, căng thẳng địa chính trị cũng như những vấn đề kinh tế - xã hội khác.
Tại Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” được tổ chức vào ngày 12/06/2023 tại Hà Nội, bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhận định, cho đến nay đã có rất nhiều định nghĩa và cách tiếp cận khác nhau về kinh tế tuần hoàn, không chỉ đơn thuần xoay quanh “3R” (reuse - tái sử dụng, reduce - giảm sử dụng, recycle - tái chế).
Theo CIEM, trên cơ sở thống nhất các khái niệm kinh điển và khái niệm được đề cập trong các văn bản pháp lý tại Việt Nam về kinh tế tuần hoàn thì mô hình kinh tế tuần hoàn cần làm rõ ba khía cạnh.
Thứ nhất là sự nhìn nhận và quan điểm về đầu vào, đầu ra của liên kết sản xuất và dịch vụ.
Thứ hai là vai trò của đổi mới sáng tạo bởi nếu mô hình kinh tế tuần hoàn chỉ tập trung vào tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng sản phẩm một cách lâu dài nhất có thể thì động lực cho doanh nghiệp và sản xuất tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ ba là tạo động lực cho doanh nghiệp (bao gồm lợi nhuận và giá trị gia tăng) và cho người lao động (bao gồm năng suất và thu nhập).
Ông Nguyễn Anh Dương cũng nhấn mạnh, khi nói đến kinh tế tuần hoàn, nếu chúng ta chỉ tập trung vào khía cạnh môi trường, tức là các mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, thì mới chỉ là chủ trương. Bên cạnh đó, sẽ phát sinh vấn đề khi không tạo được động lực cho doanh nghiệp, người lao động nếu họ muốn thích ứng và chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn, bởi nó không xuất phát từ lợi ích thiết thân của họ.
Do đó, trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, cần cân bằng giữa khía cạnh kinh tế và khía cạnh môi trường. Theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, khía cạnh kinh tế được thể hiện ở chỗ, kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông), và hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm: Tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất; hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động; sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được; thúc đẩy tiêu dùng bền vững; giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Như vậy, dưới góc độ vi mô, mỗi doanh nghiệp khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị bền vững thì đều cần phải đáp ứng khía cạnh kinh tế của mô hình này. Nghĩa là, họ cần rất nhiều nguồn lực về tài chính, nhân lực, chất xám, khoa học công nghệ, chuyển đổi số… để có thể vận hành sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện.
Thúc đẩy tài chính xanh cho doanh nghiệp theo cách tiếp cận toàn diện
Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh là chi phí lớn, khiến giá thành sản phẩm tăng, từ đó khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá với những đối thủ khác trong thị trường.
Về cơ bản, khi tiến hành chuyển đổi chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm toàn bộ chu trình sản xuất, phân phối, tiếp thị, tiêu dùng và xử lý rác thải sang chuỗi giá trị bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều nguồn lực về tài chính và con người để thiết kế chu trình, phát triển công nghệ xanh, tối ưu hóa nguyên, nhiên liệu đầu vào, xây dựng thương hiệu, giáo dục khách hàng về sản phẩm bền vững…
Do đó, chi phí để doanh nghiệp có thể đi vào vận hành và sản xuất theo mô hình bền vững là rất lớn, đặc biệt là chi phí về công nghệ. Nếu không có sự hỗ trợ về vốn từ các chủ thể khác trong xã hội, doanh nghiệp sẽ phải đẩy chi phí này một phần về phía khách hàng, tức là phải tăng giá sản phẩm, từ đó mất đi khả năng cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp khác trong cùng thị trường.
Mặc dù về lâu dài, việc đầu tư cho công nghệ xanh và chuyển đổi sang chuỗi giá trị bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí về nguyên nhiên liệu đầu vào, nhân công, rác thải… nhưng nếu như họ không thể vượt qua những khó khăn ngay từ bước đầu thì câu chuyện đường dài dường như không còn nhiều ý nghĩa.
Hơn hết, trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn đầu và chưa đạt được quy mô lớn, những doanh nghiệp tiên phong phát triển theo hướng xanh, bền vững sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là áp lực cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp đi theo mô hình kinh tế kiểu cũ.
Vì vậy, cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, có sự hỗ trợ đa chiều, đa dạng để doanh nghiệp mạnh dạn đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính, vay vốn, ưu đãi thuế và các chi phí khác.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã chỉ ra ba bài học cơ bản để phát triển tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp.
Thứ nhất, khi luật pháp đủ để doanh nghiệp phải tuân thủ thì cần thiết phải có các biện pháp tài chính có tác động tích cực đến giá trị của doanh nghiệp. Tính bền vững kinh doanh không mâu thuẫn với hoạt động của các nhà đầu tư và đây sẽ là động lực chính để triển khai tài chính xanh trong kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, nhu cầu đang ngày càng tăng đối với các công cụ tài trợ sáng tạo để hỗ trợ các dự án kinh tế tuần hoàn. Các phương thức cấp vốn truyền thống không phải lúc nào cũng phù hợp với các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, cần nghiên cứu các mô hình cấp vốn mới giúp tăng cường quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, các chuẩn mực tài chính và thể chế có ý nghĩa lớn đối với các loại hình kinh doanh tuần hoàn và các khuyến khích tài chính thông qua tài chính xanh, trợ cấp dự án. Bên cạnh đó, nhận thức của quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Cuối cùng, chi phí, giá trị thị trường và quy trình cũng phải được tính đến trong việc hiện thức hóa tiềm năng tối đa của kinh tế tuần hoàn.
Như vậy, các giải pháp về tài chính xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn phải tiếp cận toàn diện về đầu vào và đầu ra của dòng tiền, tức là doanh nghiệp nhận và sửu dụng tiền như thế nào, đồng thời minh bạch và hợp thức hóa quy trình. Cần phải đặt doanh nghiệp trong cách tiếp cận toàn diện về thể chế, vốn và tiêu chuẩn đánh giá để nhận được hỗ trợ về vốn cũng như những công cụ tài chính khác.
Trên cơ sở đó, các giải pháp khuyến nghị để tăng cường sự xuất hiện và vai trò của tài chính xanh trong dòng tiền của doanh nghiệp bao gồm: Một là, đặt kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh vào trọng tâm trong chiến lược xây dựng chính sách quản lý và tài khóa; Hai là, “xanh hóa” tài chính doanh nghiệp dựa trên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xác định trái phiếu xanh, đầu tư xanh và tín dụng xanh, cũng như xây dựng thị trường cho các sản phẩm xanh, giáo dục về tiêu dùng và lối sống xanh; Ba là, vạch ra lộ trình phát triển hệ thống tài chính xanh thông qua nghiên cứu thực tiễn và tham khảo bài học kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.
Tóm lại, việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và kiến tạo chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm dịch vụ là chiến lược và hành động cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững, đảm bảo ba khía cạnh an toàn cho môi trường, lợi ích kinh tế và đạo đức xã hội. Để làm được điều đó, cần đảm bảo mỗi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và được hỗ trợ về tài chính, kiến thức, công nghệ và chính sách pháp lý nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sản xuất và kinh doanh bền vững theo bộ tiêu chí đã được đặt ra./.