Aa

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản và gam màu kỳ vọng 2021

Thứ Sáu, 19/02/2021 - 06:00

Năm 2020, không nhiều doanh nghiệp bất động sản - xây dựng báo kết quả kinh doanh khả quan. Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia năm 2021 vẫn có những nhân tố tạo kỳ vọng gam màu sáng.

DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG DẦN ĐẾN CHU KỲ BÃO HÒA

Thị trường xây dựng Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng, chuẩn bị bước vào thời kỳ tái cấu trúc với mức tăng dự đoán giảm về 6,8%/năm đến năm 2028. So với thế giới, mức tăng này còn cao so với con số trung bình ngành toàn cầu vào khoảng 3,4%/năm. Chưa kể, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong 1 - 2 năm tới.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons công bố quý IV/2020 đạt 3.232 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Ricons đạt 104 tỷ lãi ròng, cùng kỳ lãi gần 154 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, Ricons ghi nhận 7.955 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng 251 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 30% so với năm 2019.

Doanh nghiệp ngành xây dựng đa phần báo lợi nhuận giảm năm 2020

Riêng năm 2020, lợi nhuận Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đi đúng theo kế hoạch hoạch định sẵn với 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần, 463 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm hơn 30% so với năm 2019. Lên kế hoạch cho năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng).

Một ông lớn khác trong ngành xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình kết thúc năm 2020 đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu thuần, 70 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 40% và 83% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp này từ năm 2015.

Trước đó, Hoà Bình đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, HBC đã thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP LÃI KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG

Dù được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đã có một năm kinh doanh không được như kỳ vọng. Theo báo cáo, Tổng Công ty IDICO - CTCP (IDC), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Tổng Công ty Sonadezi, Sonadezi Long Thành đều giảm lợi nhuận 2 con số trong năm 2020.

Đơn cử như, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM) là một trong số những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất. Tổng quy mô các dự án do BCM quản lý lên đến 15.000ha. Ngoài ra, BCM còn sở hữu gần 1.000ha đất đô thị dự án tại TP. Bình Dương.

Năm qua, doanh thu từ kinh doanh dịch vụ bất động sản và các khoản thu khác của doanh nghiệp này đều giảm. Tính chung năm 2020, doanh thu của BCM đạt 7.921 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.148 tỷ đồng, giảm 14 - 18% so với năm 2019.

Năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) ghi nhận 624 tỷ đồng doanh thu, giảm 51% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019. Hiện, ITA hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp.

DOANH NGHIỆP BÁN HÀNG KÉM, TỒN KHO TĂNG

Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi cho biết, năm 2020, mảng môi giới mang về cho doanh nghiệp này gần 200 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2019. Luỹ kế cả năm, Danh Khôi lãi sau thuế 62 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2019.

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cho biết, doanh thu dịch vụ bất động sản năm 2020 ghi nhận 84 tỷ đồng, giảm 77% so với năm 2019. Luỹ kế cả năm, doanh thu thuần của TTC Land đạt 923 tỷ đồng, giảm 12%; lãi sau thuế 183 tỷ đồng, giảm 34%.

Công ty Cổ phần Bất động sản An Gia cho biết, doanh thu mảng môi giới năm 2020 chỉ ghi nhận 113 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2019. Tuy vậy, tổng doanh thu của An Gia năm qua tăng mạnh đến từ việc bàn giao căn hộ, ghi nhận 1.628 tỷ đồng. Lãi sau thuế 444 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.  

Lợi nhuận các doanh nghiệp phát triển và môi giới bất động sản báo doanh thu kém vì dịch bệnh

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, SSI Research cho rằng, dịch bệnh bùng phát trở lại có thể khiến các chủ đầu tư tạm hoãn mở bán và hoạt động môi giới bất động sản cũng ảm đạm. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Khi doanh thu lợi nhuận giảm, hàng tồn kho tại doanh nghiệp lại tăng lên.

Tại Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, hàng tồn kho cuối năm 2020 cũng tăng 16%, ghi nhận 9.308 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng giá trị tài sản. Hàng tồn kho của Phát Đạt tập trung ở các dự án The EverRich 2, Dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải, Dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, Dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương, Dự án Khu dân cư Làng nghề và Trung tâm xã Hàm Ninh.

Tại Bất động sản An Gia, tính đến cuối quý IV/2020, hàng tồn kho ghi nhận 5.734 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản của công ty. Hàng tồn kho của An Gia chủ yếu ở Dự án The Sóng, Dự án The Westgate, Dự án River Panorama 1, Panorama 2, Dự án Sky 89, Dự án Signial.

Hay tính đến hết năm 2020, tồn kho của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long tăng 40% so với năm trước đó, lên 6.028 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu nằm tại các dự án đang triển khai dở dang như Akari City (TP.HCM), Waterpoint (Long An) hay dự án Paragon Đại Phước, Dự án Vàm Cỏ Đông, Dự án Novia.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Hơn nữa, những số liệu tồn kho của doanh nghiệp niêm yết chưa phản ánh được hết con số thực của hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản trên cả nước, bởi hiện còn nhiều doanh nghiệp khác chưa niêm yết.

TĂNG LÃI NHỜ NGUỒN THU KHÁC

Tổng Công ty IDICO - CTCP (IDC) công bố lũy kế năm 2020 đạt doanh thu 4.561 tỷ đồng, giảm 7,5% và lợi nhuận sau thuế 426,9 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2019. Trong năm qua, nguồn thu lớn nhất của IDICO đến từ kinh doanh điện với 2.878 tỷ đồng, giảm 7,5% so với 2019. Ngoài ra, các nguồn thu xây lắp, kinh doanh bất động sản cũng sụt giảm. Lợi nhuận trong công ty liên kết năm qua cũng giảm 70% xuống còn 23,9 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) báo doanh thu và lợi nhuận quý IV/2020 tăng mạnh lần lượt đạt 81,7 tỷ đồng và 23,7 tỷ đồng. Trong đó ghi nhận khoản lợi nhuận khác tăng mạnh không được thuyết minh chi tiết. Luỹ kế cả năm 2020, doanh thu của Sonadezi Châu Đức đạt 433 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận đạt 186 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2019. 

Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) ghi nhận lãi trong năm 2020 chủ yếu từ lãi cho vay và các khoản lợi nhuận khác. Trong quý IV/2020, SIP ghi nhận doanh thu thuần 1.663 tỷ đồng, tăng 34% so với quý IV/2019, doanh thu hoạt động tài chính đạt 235 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận đạt 1.125 tỷ đồng, trong khi năm 2019 là 645 tỷ đồng.

GAM MÀU 2021 VẪN PHỤ THUỘC VÀO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

Báo cáo của SSI Research cho rằng năm 2020 đặt ra nhiều thách thức lớn cho năm 2021. Song khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ sớm thực hiện kế hoạch này trong năm 2021. Đã có một số doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn... Trong quý I/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C IP. Các khu công nghiệp có diện tích cho thuê còn lại lớn và mở rộng quỹ đất như SZC, IDC, BCM, KBC…Tuy nhiên, tác động tiêu cực lên ngành bất động sản là điều cần phải tính đến nếu dịch bệnh không được kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Đính
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2021 khi năng lực chủ đầu tư được cải tổ, tình hình tài chính doanh nghiệp tốt lên, các vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ cùng với việc chính quyền mới đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tốc độ các dự án, tạo ra một nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường trong năm 2021.

Trên sàn chứng khoán cũng vậy, SSI Research cho rằng, cổ phiếu của các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn, ở những vị trí chiến lược, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ có triển vọng trong năm 2021.

Chủ đầu tư được SSI Research đánh giá cao là Vinhomes (HOSE: VHM), Novaland (HOSE: NVL), Đất Xanh (HOSE: DXG), Nam Long (HOSE: NLG) và Nhà Khang Điền (HOSE: KDH).

 

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) nhận xét, với một số nhóm cổ phiếu, năm 2021 chỉ là giai đoạn mở đầu trong một chu kỳ tăng trưởng mới, phù hợp cho chiến lược mua và nắm giữ. 

Riêng đối với nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, hàng loạt luật mới có hiệu lực thi hành từ năm 2021 sẽ góp phần cởi trói khung pháp lý cho các dự án bất động sản, kết hợp với mặt bằng lãi suất thấp, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi kể từ quý III/2020. Các cổ phiếu đáng chú ý theo gợi ý của doanh nghiệp này bao gồm KDH, TDC, HDC, HDG, CTD, HTN, HBC.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top