Aa

Bức xúc, lo lắng “phủ kín” chung cư BMM

Thứ Tư, 23/08/2017 - 06:31

Không chỉ bàn giao nhà chưa đủ kiện an toàn PCCC cho cư dân, chủ đầu tư chung cư BMM (Hà Đông, Hà Nội) còn chiếm dụng diện tích chung, chây ì thanh toàn phí bảo trì, không bàn giao đầy đủ hồ sơ tòa nhà gây khó khăn cho quản lý, vận hành chung cư.

Tòa nhà chung cư BMM thuộc phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) do liên doanh Công ty TNHH sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) và Công ty CP Sông Đà 12 làm chủ đầu tư (CĐT). Chủ đầu tư chính thức bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 1/2014, nhưng hơn 3 năm qua, cư dân đã nhiều lần tố cáo CĐT với hàng loạt sai phạm trong việc bàn giao và quản lý tòa nhà.

Trước những bức xúc, lo lắng kéo dài, ngày 20/8/2017, hàng trăm cư dân chung cư BMM đã tập trung căn băng rôn, khẩu hiệu tố cáo sai phạm của chủ đầu tư. Đồng thời, cư dân chung cư này cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân.

Cư dân bức xúc tập trung tố cáo sai phạm của CĐT chung cư BMM. 

Coi thường tính mạng cư dân

Theo phản ánh cư dân và BQT tòa nhà chung cư BMM, Công ty BMM coi thường quyền lợi, tính mạng cư dân, có hành vi lừa đảo. Đơn cử như, Hợp đồng giữa khách hàng và CĐT đã quy định rõ các phần diện tích sở hữu chung bao gồm diện tích và hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, lối đi chung, lối thoát hiểm, nơi để xe của tòa nhà chung cư BMM (có bố trí một tầng hầm làm nơi để xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư…

Thế nhưng, hiện nay, CĐT đang chiếm dụng nhiều phần diện tích chung để cho thuê, trục lợi hàng tỷ đồng gây bức xúc trong cư dân. Tầng hầm gửi xe, hệ thống hạ tầng tiện ích bên ngoài, tiến hành kẻ vạch thu phí trông giữ xe trong nhiều năm qua... đang được chủ đầu tư quản lý.

Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, CĐT còn cố tình trì hoãn, chây ì không bàn giao 2% phí bảo trì khiến nhiều hạng mục tòa nhà bị hư hỏng không được sửa chữa, gây nguy hiểm, lo lắng cho người dân. CĐT còn không bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư để BQL vận hành theo quy định.

Trước sai phạm của CĐT, cư dân chung cư BMM bức xúc cho biết, do tình trạng tòa nhà đã đưa vào sử dụng gần 4 năm, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp và có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.

“Cư dân sinh sống tại toà nhà không có tiền thanh toán phí bảo trì thang máy nên Công ty Thysen từ chối bảo trì và tuyên bố không chịu bất cứ trách nhiệm gì về kinh tế và sinh mạng của cư dân nếu có vấn đề về thang máy”, một cư dân chia sẻ.

Theo phản ánh của cư dân chung cư BMM, đã có những sự cố về thang máy trong thời gian qua.

Nêu lý do Công ty Thysen từ chối bảo trì thang máy tòa nhà, cư dân trên cho biết: “Chúng tôi còn nợ Thysen khoảng 100 triệu đồng và không có khả năng thanh toán. Lý do cũng khá đơn giản vì chủ đầu tư đang chiếm dụng nhiều tỷ đồng tiền quỹ bảo trì của cư dân chung cư BMM”, một cư dân bức xúc.

Ngoài ra, cư dân cũng phản ánh, CĐT đã có hành vi chiếm đoạt tài sản lên tới hàng tỷ đồng của toàn thể các hộ dân bởi trong quá trình thương thảo ký kết hợp đồng mua bán, CĐT đã thu mỗi hộ dân 25 triệu đồng tiền đầu tư xây dựng hệ thống gas trung tâm.

Tuy nhiên đến nay, hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện và CĐT cũng không tiếp tục hoàn thiện nên để đảm bảo an toàn, đơn vị vận hành đã cắt gas, khiến cư dân gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo kết quả kiểm tra mới nhất của Phòng cảnh sát PC&CC số 9 (Cảnh sát PC&CC TP. Hà Nội), hàng loạt tồn tại, vi phạm tiếp tục được chỉ rõ hàng loạt các tồn tại, chưa đủ điều kiện nghiệm thu PCCC. Nghiêm trọng nhất, hệ thống báo cháy được trang bị trong tòa nhà chỉ có nút ấn báo cháy, không có đầu báo cháy.

Công ty BMM "phớt lờ" chỉ đạo

Theo đại diện BQT tòa nhà BMM, sau khi được thành lập và công nhận, BQT đã nhiều lần yêu cầu CĐT bàn giao phí bảo trì và các hồ sơ theo quy định để vận hành các hoạt động của tòa nhà. Tuy nhiên, CĐT luôn thiếu thiện chí làm việc, không trả lời các nội dung đã được đưa ra.

Ngày 10/2/2017, UBND phường Phúc La cũng đã tổ chức Hội nghị để thống nhất giải quyết các nội dung liên quan. Tại buổi làm việc trên, đại diện Công ty BMM tiếp tục cam kết thực hiện, hoàn thiện các nội dung cư dân và BQT kiến nghị trong tháng 2.

Tuy nhiên, sau nhiều lần cam kết hợp tác để giải quyết vấn đề, đại diện CĐT BMM vẫn “phớt lờ” ý kiến của cơ quan chức năng, chây ì bàn giao quỹ bảo trì và thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật. 

Nhiều diện tích chung của tòa nhà bị CĐT chiếm dụng.  

Ngày 14/4/2017, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo số 736/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng Hà Nội về một số tồn tại, vi phạm của CĐT tòa nhà chung cư BMM.

Tại văn bản này, UBND quận Hà Đông cũng đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo CĐT bàn giao phí bảo trì 2% cho BQT theo quy định; hoặc có biện pháp cưỡng chế nếu CĐT cố tình chây ì; đề nghị có chế tài xử lý CĐT bàn giao nhà khi chưa nghiệm thu PCCC...

Gần đây nhất, ngày 11/7/2017, Sở Xây dựng đã chủ trì cuộc họp giữa CĐT, BQT, UBND Quận, Phường... Nội dung thống nhất giữa các bên liên quan đến quỹ bảo trì, nêu rõ: “Hiện CĐT đã thu kinh phí bảo trì 2% của 161/282 căn hộ là 3,5 tỷ đồng. Đề nghị CĐT đôn đốc các hộ còn lại thu kinh phí bảo trì”.

Cũng theo chỉ đạo Sở Xây dựng tại biên bản trên, CĐT phải bàn giao trước cho BQT kinh phí tạm tính là 01 tỷ đồng trước ngày 31/7/2017. Tuy nhiên, tới nay, Công ty BMM vẫn không tiến hành bàn giao 2% phí bảo trì và các hồ sơ, tài liệu liên quan tới việc quản lý, vận hành tòa nhà chung cư BMM cho BQT.

Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở cần được tăng cường, nhất là những trường hợp như: Không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư; không tổ chức hoặc gây khó khăn trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở hay hành vi lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt... cũng cần được giám sát chặt chẽ.  

Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần chủ động giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành để khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên cơ quan trung ương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top