Những năm gần đây, hồ Tây được biết đến là khu vực phát triển bất động sản (BĐS) bậc nhất thủ đô. Theo chuyên gia phong thủy, đất hồ Tây là nơi linh khí hội tụ, có môi trường sống tốt mang lại nhiều vượng khí.
Mặc dù tổng diện tích phân khu hồ Tây rất lớn nhưng tỷ lệ đất ở đô thị tại khu vực này theo quy hoạch lại rất hiếm, chỉ khoảng hơn 220ha, và một phần nhỏ diện tích dành cho các trụ sở, cơ quan…
Theo báo cáo của công ty Savills, hồ Tây cũng là khu vực thuộc nhóm BĐS đắt nhất Hà Nội chỉ sau khu vực hồ Hoàn Kiếm và đất Hồ Tây không ngừng tăng lên trong những năm trở lại đây. Ngay cả trong thời điểm thị trường BĐS chạm đáy, giá đất ở khắp nơi giảm mạnh nhưng đất hồ Tây vẫn giữ được “cơn sốt” thậm chí giá bán còn tiếp tục tăng. Điều này cũng hoàn toàn dể hiễu bởi khu vực đất hồ Tây không nhiều lại khó mua và ít người có nhu cầu bán. Hiện giá đất ở khu vực này dao động trong khoảng 300 – 600 triệu/m2, trong đó đắt nhất vẫn thuộc về đường Xuân Diệu, bán đảo Quảng An, khu vực gần hồ Trúc Bạch…
Sở hữu môi trường sống trong lành, cùng cảnh quan trời phú, hạ tầng khu vực Tây Hồ liên tục được đầu tư. Hơn nữa, khu vực này cũng là nơi có lượng người nước ngoài tập trung sinh sống đông nhất tại Hà Nội hiện nay. Do đó, bên cạnh nhu cầu sở hữu đất, nhu cầu cho thuê ở khu vực Hồ Tây cũng luôn luôn ở mức cao, nhất là các căn hộ cao cấp dành cho người nước ngoài.
Đặc biệt, khi cầu Nhật Tân chính thức thông xe vào tháng 1/2015, thị trường BĐS khu vực này đã được đánh dấu một cột mốc quan trọng, đất trong khu vực xung quanh khu vực Đông Anh và Tây Hồ hai bên cầu đều rục rịch tăng giá. Rất nhiều nhà đầu tư ôm hàng từ cơn sóng nhà đất năm 2010 – 2011 bắt đầu bung hàng.
Chưa dừng lại ở đó, BĐS Tây Hồ Tây tiếp tục đón sóng trong năm 2016 khi Hà Nội chính thức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.810ha trên tổng chiều dài tuyến đường khoảng 11,1km vào tháng 6/2016.
Theo quy hoạch, khu vực này sẽ hình thành một siêu tổ hợp công trình trung tâm tài chính thương mại làm điểm nhấn chủ đạo cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Trong đó đáng chú ý là khu vực tháp tài chính thương mại Phương Trạch có chiều cao lên tới 108 tầng và Công viên Kim Quy - “Disneyland” Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên tới 4.600 tỷ đồng.
Báo cáo thống kê của các đơn vị tư vấn BĐS cho thấy, biệt thự, căn hộ cao cấp Tây Hồ đặc biệt là khu vực Xuân Diệu, bán đảo Quảng An luôn đạt mức rất cao cả về tỷ lệ cho thuê và giá với tỷ lệ hấp thụ thường trên 85%. Một số dự án căn hộ dịch vụ cho thuê ở khu vực này có thể kể đến như Fraiser Suite, Elagant Suitues... có mức giá cho thuê 1 căn hộ từ 60 triệu đồng/1 tháng.
Điều đáng nói là, mặc dù nhu cầu mua và thuê BĐS cao cấp ở khu vực Tây Hồ luôn tăng cao, nhưng do quy hoạch phát triển của khu vực, nên trong nhiều năm qua gần như không có nguồn cung căn hộ đáng kể nào ở khu vực này được đưa ra thị trường. Điểm mặt những dự án đã được đưa vào sử dụng tại khu vực này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Ciputra, Vườn Đào,…được đưa vào sử dụng từ những năm 2002.
Tuy nhiên, sau một thời gian im vắng, thị trường BĐS khu vực này bỗng “thức giấc” vào năm 2016 với hàng loạt nguồn cung mới ồ ạt đổ bộ thị trường. Điển hình như dự án Vinhomes Metropolis Liễu Giai của ông lớn BĐS Vingroup. Được biết, dự án này thuộc phân khúc BĐS hạng sang với giá bán khoảng 70 triệu đồng/m2 và các căn hộ tại đây sẽ được bàn giao vào năm 2018.
Cũng cam kết bàn giao vào cuối năm 2018, Tập đoàn Sun Group bước vào cuộc chơi BĐS Tây Hồ với dự án Sun Grand City Thụy Khuê. Giá của các căn hộ tại đây cũng không kém cạnh Vinhomes Metropolis Liễu Giai với 65 – 70 triệu đồng/m2.
Nhiều ý kiến trong giới kinh doanh BĐS cho rằng, nhà đầu tư luôn đánh giá cao những dự án sát hồ tại Hà Nội bởi các dự án này ngoài sở hữu tầm nhìn đẹp còn được “trời ban” cho cảnh quan thiên nhiên hết sức trong lành, thơ mộng. Các chuyên gia nhận định, dù thị trường BĐS Hà Nội có nhiều biến động song BĐS khu vực Tây Hồ chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn riêng của nó.