“Ăn theo” thông tin quy hoạch, giá nhà phố Chùa Bộc bật tăng
Từ xưa đến nay, Phố Chùa Bộc luôn là một trong những con phố sầm uất, nhộn nhịp, được giới trẻ mệnh danh là “thiên đường thời trang” của Thủ đô. Đây còn là khu vực gần nhiều trường đại học và có mật độ dân cư cao, vì vậy, các cửa hàng mặt phố khu vực này luôn có giá mức bán cao và cho thuê tốt.
Vốn đã thuộc dạng “đất vàng” của Hà Nội nay lại đắt hơn nhờ thông tin giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án theo quy hoạch. Cụ thể, mới đây, UBND TP. Hà Nội có quyết định về việc phê duyệt giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc - Thái Hà theo quy hoạch tại góc phần tư (1/4) nút giao từ Học viện Ngân hàng đến cổng Trường Đại học Công đoàn, quận Đống Đa.
Theo UBND TP. Hà Nội, giá đất được quy định cụ thể tại vị trí 4 trên phố Chùa Bộc được dùng làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc - Thái Hà là 47.148.780 đồng/m2.
Trước thông tin này, giá nhà đất tại khu vực Chùa Bộc bật tăng dựng đứng. Thậm chí nhiều nơi xấp xỉ khu phố cổ - vốn được xem là “đất vàng” của Thủ đô.
Theo khảo sát của PV Reatimes tại các trang mua bán bất động sản, lượng rao tin bán nhà phố Chùa Bộc những ngày gần đây tăng mạnh, với mức giá chào bán trung bình khoảng 120 - 350 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những căn lên đến 600 triệu đồng/m2.
Đơn cử như căn nhà được rao bán trên trang Batdongsan.com có diện tích 49,2m2 với giá 29 tỷ đồng, tương đương 601,7 triệu đồng/m2. Thông tin căn nhà này mô tả có mặt tiền siêu to, lên tới 3,78m, vị trí đắc địa, khu vực dân trí cao, nội thất bên trong thiết kế đẹp, hài hòa và tầng 1 đang được cho thuê làm cửa hàng thời trang.
Hay như nhà phố có mặt tiền rộng 5m2, thông thoáng ô tô qua lại, diện tích 48m2 ở Chùa Bộc đang được rao bán 11,2 tỷ đồng, đồng, tương đương 233,3 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, giá nhà tại khu vực này đang “bùng nổ” không ngừng bất chấp dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước “cơn sốt” này.
Giá nhà tăng cao, nhà đầu tư càng phải thận trọng
Thực trạng “ăn theo” thông tin quy hoạch để nâng giá bán hình thành các đợt “sốt đất”, “sốt nhà” đã quá phổ biến với thị trường bất động sản trong nhiều năm gần đây. Không ít nhà đầu tư nhờ đón sóng tốt từ các chính sách xây dựng hạ tầng mà trúng đậm, lãi lớn. Tuy nhiên, cũng không ít người mất trắng do nhiều dự án hạ tầng từ khi khởi công đến lúc hoàn thành lại không tạo giá trị cao như tung tin ban đầu.
Bởi thực tế thời gian chuẩn bị dự án rất lâu, đến khi chính thức thì mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được “cơn sốt” trước đó cộng hết vào. Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư bị om vốn, thậm chí lỗ lớn. Đặc biệt, với loại bất động sản này chỉ dành cho những người có nhu cầu thực và nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc Công ty Bất Động Sản EZ Việt Nam cho rằng, muốn “ôm đất” ăn theo hạ tầng, đặc biệt là khu vực trung tâm TP. Hà Nội thì nguồn lực của nhà đầu tư phải rất lớn và xác định đầu tư lâu dài.
Các dự án mở đường thường có độ trễ do công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá khó khăn. Dễ thấy nhất là tuyến đường Vũ Trọng Phụng chỉ hơn 400m nhưng đã triển khai hơn 3 năm nay chưa xong. Đường vẫn ngổn ngang, ùn tắc, cứ mưa là ngập và người đi qua phải chịu cảnh bụi bặm vì công trình dở dang.
Mặt khác, ông Toản cũng cho biết, hiện mức tăng thực của nhà đất trung tâm thành phố không còn tỷ lệ cao như trước đây, do đó, nếu chỉ muốn lướt sóng theo thông tin mở rộng đường, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng. Chỉ những người có nhu cầu thực và nguồn tiền nhàn rỗi mới có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng. Do đầu tư dạng này phải là dài hạn, khi không nắm được thông tin thì người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhìn nhận, nếu muốn "ăn theo" hạ tầng thì các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ thời hạn triển khai dự án, những yếu tố có thể cộng vào giá, kể cả mức tăng kỳ vọng để biết mức giá đó còn hấp dẫn và có giá trị lâu dài trong tương lai hay không. Đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế, tiềm lực của địa phương đó có thể phát triển kinh tế, đô thị, thị trường bất động sản được hay không rồi mới quyết định xuống tiền.
Bởi không phải bất cứ dự án hạ tầng nào cũng có thể giúp thị trường bất động sản phát triển, nhất là đối với các địa phương không có tiềm năng. Nhiều nơi hạ tầng thênh thang nhưng thực tế không phát triển được đô thị do không có tiềm lực để đầu tư.
Đặc biệt, đang trong thời kỳ giãn cách xã hội do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, việc đầu tư “lướt sóng” nhằm ăn ngay rất dễ gặp nhiều rủi ro, mạo hiểm. Thị trường bất động sản nói chung và tình hình kinh tế - xã hội nói riêng đang còn nhiều biến động với nhiều kịch bản khác nhau.