Aa

Bước đột phá mới của doanh nhân Đặng Thành Tâm trong lĩnh vực BĐS nhà ở

Thứ Năm, 08/06/2017 - 20:01

Nổi danh với các dự án bất động sản công nghiệp, nhưng năm 2017 đánh dấu bước chuyển hướng mới của doanh nhân Đặng Thành Tâm khi ông đặt mục tiêu một nửa lợi nhuận của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) sẽ đến từ mảng bất động sản nhà ở tại những thị trường “tỉnh lẻ”.

Từng đứng trên bờ vực phá sản, trong 4 năm qua KBC đã liên tục có lãi nhờ sự khởi sắc của mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp. Giờ là lúc ông Đặng Thành Tâm vạch ra chiến lược mới để thúc đẩy con thuyền KBC hướng về phía trước.

Đột phá

“Hiện nay thị trường bất động sản nhà ở bắt đầu sôi động. Năm 2017, KBC sẽ có bước đột phá vào thị trường nhà ở, đất ở, do KBC có một quỹ đất ở rất lớn”, đó là một trong những thông điệp lớn nhất mà ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của KBC gửi tới các nhà đầu tư tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức hồi tháng Tư vừa qua. Ông Tâm cho biết để tạo ra bước đột phá đó, KBC sẽ thành lập bộ phận chuyên nghiệp để xây dựng các khu đô thị.

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân hoạt động sôi nổi nhất trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và chưa từng đầu tư vào dự án bất động sản nhà ở nào, thông điệp trên của ông Tâm quả là có gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư. Vì nếu nhìn vào các bản báo cáo tài chính mấy năm gần đây, bất động sản công nghiệp chính là mảng kinh doanh cốt lõi giúp KBC thoát khỏi bờ vực phá sản và liên tục có lãi trong suốt 4 năm qua.

Nhớ lại thời điểm năm 2012, có lẽ nhiều cổ đông đã từng nghĩ rằng, khoản đầu tư của mình vào KBC có thể sẽ mất trắng khi công ty này lỗ tới 482,9 tỷ đồng. Tình hình tồi tệ tới mức ông Tâm sau đó có kể lại rằng, ông đã từng có ý định tự tử để thoát khỏi những khoản nợ với các ngân hàng. Nhưng đến năm 2015 công ty đã ghi nhận khoản doanh thu 1.753 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 602 tỷ đồng, sang năm 2016 các con số này tương ứng là 2.018 tỷ đồng và 711 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đạt được đều đến từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp, với hàng chục khu công nghiệp mà KBC là chủ đầu tư hoặc góp vốn.

Tuy nhiên, trong lần trả lời báo chí gần đây, ông Tâm cho biết, ông đã đặt mục tiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở của KBC chiếm trên 50% tổng lợi nhuận, “dự kiến khoảng 500 tỷ đồng và tăng trưởng 30% mỗi năm.” Điều đó có nghĩa vị doanh nhân đã từng là đại biểu Quốc hội này đã xác định bất động sản nhà ở sẽ là con gà mới đẻ trứng vàng của KBC trong những năm tới.

Nếu xét về viễn cảnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, dù cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có đổ vỡ, thì kinh doanh bất động sản công nghiệp sẽ vẫn là lĩnh vực hái ra tiền của KBC. Vì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn vẫn coi Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn để đầu tư sản xuất, do những lợi thế về thị trường, điều kiện địa lý và chi phí nhân công rẻ.

Khu công nghiệp Tràng Duệ của ông Đặng Thành Tâm hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Khu công nghiệp Tràng Duệ của ông Đặng Thành Tâm hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Khu công nghiệp Tràng Duệ của ông Đặng Thành Tâm hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Dù vậy, với KBC có lẽ ông Tâm và các lãnh đạo khác đã nhìn thấy điểm tới hạn của phân khúc này do phần lớn các khu công nghiệp hiện tại đã được lấp gần đầy, trong khi việc tìm quỹ đất để phát triển thêm các khu công nghiệp mới không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Trong bối cảnh đó, tìm thêm một hướng đi mới như bất động sản nhà ở cho KBC để tăng dư địa phát triển là điều cần phải làm.

Cơ sở để ông Tâm tự tin vào thành công của KBC khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mới chính là quỹ đất lớn mà ông đã nhắc đến với các nhà đầu tư. Với bất cứ công ty phát triển bất động sản nào, sở hữu quỹ đất lớn luôn là tài sản quý giá nhất. Về vấn đề này, ông Tâm kể lại trong thông điệp gửi các nhà đầu tư rằng, một lãnh đạo rất cao cấp của một tập đoàn bất động sản bậc nhất tại Việt Nam đã phải thốt lên: “Không ngờ giá trị đất của KBC lớn quá, hơn chúng tôi tưởng rất nhiều!”

Vậy quỹ đất mà KBC đang có lớn như thế nào? Quỹ đất hiện nay KBC đang quản lý có quy mô lên tới 5.174ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 6% tổng diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và 1.063ha cho đất phát triển khu đô thị, dân cư. Quỹ đất dành cho khu công nghiệp của KBC thì phần lớn đã được lấp đầy, nhưng quỹ đất để phát triển khu đô thị, dân cư thì hầu như KBC vẫn bỏ trống.

 

Mỏ vàng ở tỉnh lẻ

Đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản nhà ở, một trong hai yếu tố quan trọng để thành công là quỹ đất và vị trí. Yếu tố thứ nhất thì KBC có rồi, nhưng xét về vị trí, hầu hết quỹ đất để phát triển khu đô thị và nhà ở mà KBC đang có lại nằm ở Bắc Ninh và Hải Phòng, hai địa phương không phải là thị trường bất động sản nhà ở lớn.

Dù vậy, theo quan điểm ông Tâm, đó không phải là vấn đề lớn. Sự nổi lên của Bắc Ninh và Hải Phòng trong thu hút FDI, với sự xuất hiện của các dự án từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Foxconn hay LG Electronics và Bridgestones đã biến Bắc Ninh và Hải Phòng thành những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Kéo theo đó là sự di dân tự nhiên của hàng trăm nghìn người về các địa phương đó để tìm kiếm việc làm, khiến nhu cầu nhà ở tăng lên.

“Ví dụ khu đô thị Phúc Ninh (Bắc Ninh) có 136,47ha, hiện giá nhà đất ở đây đang tăng rất tốt, đặc biệt Chính phủ vừa cho phép Bắc Ninh xây dựng đề án đệ trình Trung ương để nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh (theo GDP) cũng gấp tới 2-3 lần bình quân đầu người cả nước nên thị trường nhà đất đang rất tốt”, ông Tâm đưa ra ví dụ chứng minh rằng, bước chuyển hướng của KBC vào lĩnh vực bất động sản nhà ở là đúng.

Phối cảnh Khu đô thị Phúc Ninh của KBC.

Phối cảnh Khu đô thị Phúc Ninh của KBC.

Ông cũng cho biết hiện KBC đang phát triển một số dự án khu đô thị, khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở dân sinh cho lực lượng lao động ở các khu công nghiệp đã và đang phát triển. Thực tế thì KBC cũng đã gặt hái được thành quả đầu tiên từ việc chuyển hướng trên. Cụ thể, năm 2016, KBC ghi nhận 218,8 tỷ đồng từ một dự án nhà ở thu nhập thấp cho một tập đoàn trong khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

Báo cáo thường niên năm 2016 của KBC cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay các tập đoàn lớn đều có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, chuyên gia, cho nên trong năm nay KBC sẽ tiếp tục hoàn thành thủ tục để chuyển nhượng một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở cho một số tập đoàn ở Hải Phòng. “Vì vậy, với quỹ đất lên tới 1.063ha dành cho kế hoạch phát triển khu đô thị, KBC kỳ vọng sẽ có được nguồn thu lớn trong tương lai”, báo cáo thường niên của KBC nhận định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top