“Bước sóng“ và những trái tim nhân ái

“Bước sóng“ và những trái tim nhân ái

Thứ Năm, 16/09/2021 - 06:00

“Sóng và máy tính cho em” là khúc “giao mùa” giữa thời Covid-19 nghiệt ngã. Covid-19 rồi sẽ qua, thế giới nói chung và đất nước mình sẽ bình yên. Nhưng “sóng” yêu thương con người sẽ lan tỏa, “bước sóng” những trái tim gần nhau, trên hành trình hạnh phúc.

* * *

Tôi muốn trải cảm xúc bằng câu chuyện của mình. Sáng ngày 5/9, tôi ra Trường PTTH Quang Trung, ngay đầu đường Láng (Hà Nội) tham gia test Covid-19. Sân trường vắng lặng, sân trường rêu xanh trầm mặc. Những năm trước, ngày này rộn rã lễ khai giảng. Tiếng cười rổn rang của bầy em thơ thời “áo trắng” khi bắt đầu năm học mới, cùng vòng tay thầy, cô, bè bạn. Năm nay không. 26/63 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội khai giảng trực tuyến.

Chỗ tôi ngồi chờ đến lượt thử test, chắc năm xưa là nơi cô cậu học trò nào đó, mắt bên phải nhìn cô chủ nhiệm, mắt bên trái trìu mến bạn gái. Chỗ cán bộ, nhân viên CDC Hà Nội đang tác nghiệp, năm trước là sân khấu, các bạn múa hát trước khi vào phần Lễ, chờ tiếng trống khai trường. Covid-19 đã lấy đi nhiều, nhiều lắm, trong đó có tiếng cười con trẻ.

Trời lắc rắc mưa. Sấm gõ xa xôi. Thêm buồn. Tôi bật smartphone gõ trực tiếp lên Facebook bài thơ “Tự thức”, trong bài có khổ:

không tiếng cười

bầu trời vênh vao tiếng sấm

khoảng sân trường mênh mông vắng lặng

đâu tiếng cười con thơ

Gần như chỉ sau mấy giây cập nhật trên trang cá nhân, chú em tôi là giáo viên ở thị xã Buôn Hồ (Đắc Lắc) bình luận: “Trong em, trực tuyến được mấy phút là đứng hình”. Đúng là nỗi buồn mang tên “sóng”.

Tối hôm ấy tôi lướt qua báo chí online, Facebook. Tràn ngập hình ảnh lễ khai giảng, lần đầu xảy ra. Nhiều em bé trước màn hình vi tính, smartphone của bố mẹ, cổ vẫn đeo khăn quàng đỏ, nghiêm trang chào cờ. Và nữa, ở một ngôi trường dân lập, thể theo yêu cầu của học sinh. Nhà trường kê bục cho cô giáo Phó Hiệu trưởng khai giảng năm học mới. Chỉ mình cô. Phía trước là khoảng trống đầy câu hỏi. Những bức ảnh về ngày khai giảng “đặc biệt” gây xúc động.

Có lẽ những hình ảnh ấy găm vào trí nhớ, dẫu quá bộn bề công việc quốc gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng gọi điện thoại cho ông giữa đêm. “...vào lúc 0h15’ ngày 7/9/2021, Thủ tướng Chính phủ nói với tôi về ý tưởng của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, vừa là học trực tuyến vừa là xây dựng xã hội số. Khi Covid-19 ập đến và giãn cách xã hội thì các em là những người đầu tiên phải ở nhà, phải học trực tuyến. Nhưng hàng triệu em không có máy tính. Vào lúc 9h sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ TT&TT xây dựng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu như một lời tự sự vào tối 12/9 khi diễn ra Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" tại Trụ sở Chính phủ, với sự hiện diện của Thủ tướng.

“Sóng” yêu thương con người sẽ lan tỏa, “bước sóng” những trái tim gần nhau... (Ảnh sưu tầm)

Mọi chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, vì cuộc sống. Vì Covid-19 nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội, trẻ em cũng là đối tượng chịu bao thiệt thòi, dễ sang chấn tâm lý. Nghỉ hè trẻ em nông thôn còn có thể ra ngõ, ra vườn bắt chuồn chuồn, đuổi bướm nhưng trẻ em thành phố đi đâu? Chỉ thu mình trong các bức tường chật chội... và, bây giờ là năm học trực tuyến. Có phải đâu cũng có máy tính đâu?

Đất nước Việt Nam, địa hình núi đồi, biển đảo. Chắc chắn nhiều người đã từng trải nghiệm trên các tuyến đường lên Tây Bắc, Việt Bắc, hay theo chiều dài dọc đường Hồ Chí Minh vắt vẻo Trường Sơn. Nhiều nơi sóng điện thoại không có, nhiều khi phải dùng sim nhiều nhà mạng khác nhau. Đấy gọi là “vùng lõm” tự nhiên, “vùng lõm” xã hội thì nhiều lắm. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, đấy là con số báo cáo. Về nghèo, sẽ có hộ “thoát nghèo”, bên cạnh hộ “tái nghèo”. Kinh tế thị trường đã và đang nới rộng khoảng cách giàu và nghèo. “Vùng lõm” về đời sống có nhiều nguyên nhân, tồn tại như quy luật. Vì thế, bất cứ quốc gia nào cũng phải có chiến lược và chính sách an sinh xã hội. Hệ thống an sinh cũng là một trong các “thước đo” của mọi đất nước thịnh vượng.

Phải có sóng, phải có Internet đến tất cả các hộ gia đình. Trẻ em nhà nghèo cũng phải có máy tính. Và nữa, giá cước phải phù hợp cho các em học trực tuyến. Đây chính là “ba trục” của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nó thêm ngời sáng lên bản chất nhân văn, “không ai bị bỏ lại phía sau” của một xã hội, trên lá cờ niềm tin có màu sắc nhân ái.

Chắc chắn đây không phải là việc riêng của ngành Giáo dục đào tạo, không phải riêng việc của Chính phủ. “Sóng và máy tính cho em” phải được kích hoạt, năng tỏa từ nguồn lực tổng thể của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay. Nó không chỉ có ý nghĩa trước mắt thời gian trẻ em phải học “trực tuyến”, xa hơn góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội số nay mai.

Sóng và máy tính cho em” bắt nhịp ngay với “từ trường” của sẻ chia. Ngay lập tức Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định tham gia ủng hộ 24.000 máy tính, tương đương số tiền 60 tỷ đồng. Ba ngày sau, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) quyết định ủng hộ 10 tỷ đồng. “Chúng tôi luôn nhận thức rõ và thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng vì một nước Việt Nam thịnh vượng. Trong đó, chúng tôi hiểu rằng đất nước có hùng mạnh hay không, có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, là nhờ một phần ở sự nghiệp trồng người. Chúng tôi hy vọng sự đóng góp của TPBank sẽ góp phần lấp đầy những khoảng cách và giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với những bài giảng của thầy cô giáo dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ. Lời nói nghĩa tình đi liền cùng hành động kịp thời.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”, câu ca dao xưa của tiền nhân để lại, không phải ngẫu nhiên thành bài hát ngân nga, đi cùng năm tháng. Nó như lời nhắn nhủ những người dân nước Việt hãy giữ vững truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Câu ca truyền đời quá khứ hiện tại và tương lai của đạo lý Việt...

Không ai có thể nghi ngờ ở tấm lòng ấy dành cho con trẻ. Chắc chắn hành động của một doanh nghiệp Nhà nước, một doanh nghiệp tư nhân vừa “song kiếm hợp bích” sẽ lan toả, cộng hưởng cùng “sóng”.

Năm 2000, Việt Nam cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc (LHQ). 8 mục tiêu phát triển mà Việt Nam đã ký cam kết với LHQ gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói; Phổ cập giáo dục tiểu học; Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Giảm tử vong ở trẻ em; Tăng cường sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm; Đảm bảo bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Trong 8 mục tiêu này, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3 mục tiêu là xóa bỏ tình trạng nghèo cực cùng, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ.

Tôi nhớ, tại buổi lễ công bố Lễ công bố “Kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam”, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam nhận xét, “rất ít quốc gia” đạt được kết quả như Việt Nam. Còn bao việc phải lo, chắc chắn sẽ lo được. Việt Nam đang phát triển, chưa giàu nhưng nhất quyết không nghèo nhân ái, bao dung.

Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”, câu ca dao xưa của tiền nhân để lại, không phải ngẫu nhiên thành bài hát ngân nga, đi cùng năm tháng. Nó như lời nhắn nhủ những người dân nước Việt hãy giữ vững truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Câu ca truyền đời quá khứ hiện tại và tương lai của đạo lý Việt.

Bất giác tôi nghĩ, “Sóng và máy tính cho em” là khúc “giao mùa” giữa thời Covid-19 nghiệt ngã. Covid-19 rồi sẽ qua, thế giới nói chung và đất nước mình sẽ bình yên. Nhưng “sóng” yêu thương con người sẽ lan tỏa, “bước sóng” những trái tim gần nhau, trên hành trình hạnh phúc./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top