Aa

Bước tiến dài từ nút bấm điện tử của Thủ tướng

Thứ Tư, 13/03/2019 - 20:40

Các đại biểu dự sự kiện do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 12/3 đã được chứng kiến một quy trình khá đặc biệt được thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng máy tính bảng ký, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Chiều 12/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã dự lễ khai trương Trục Liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Đúng 15.00', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các vị khách quốc tế... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, các cán bộ, chuyên viên Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, bộ phận văn thư Văn phòng Chính phủ đã thực hiện quy trình trình ký, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng qua Trục liên thông.

Sau khi văn bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, văn thư Văn phòng Chính phủ thực hiện quy trình phát hành văn bản, ngay trước sự chứng kiến của các đại biểu trong buổi lễ được truyền hình trực tiếp, đại diện các địa phương, lãnh đạo tỉnh Nam Định, Sóc Trăng cho biết đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giao các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ.

Việc phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện trong Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành vào ngày 07/3/2019 vừa qua.

“Việc ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ. Đây là một cải cách hành chính lớn, trước hết là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, một động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại lễ khai trương Trục Liên thông.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành Trục Liên thông này còn thể hiện tư duy đổi mới trên nhiều khía cạnh khác. Trục Liên thông do Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT) đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến, Văn phòng Chính phủ vừa là đơn vị đặt hàng, vừa là đơn vị thuê lại chứ không phải chủ đầu tư. Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Và việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hệ thống điện tử ngay tại lễ khai trương Trục Liên thông đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Trên thực tế, dưới sự thôi thúc, tác động mạnh mẽ không ngừng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử là nhu cầu cấp thiết “không thể không làm” để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với nền hành chính nhà nước, việc xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt nền móng, cơ sở bước đầu để xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề trong câu chuyện này. Đơn cử, căn bệnh “giấy tờ” vẫn còn nặng, cán bộ, công chức nhìn chung chưa thực sự có chuyển biến trong phương thức, lề lối làm việc nhằm tận dụng thế mạnh công nghệ, nhất là chưa quán triệt tinh thần khai thác, sử dụng văn bản điện tử để nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc và chi phí hành chính.

Nhìn rộng hơn, so với thế giới, Việt Nam vẫn còn đi sau khá xa trong xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng, vận hành hệ thống liên thông văn bản quốc gia. Về Chính phủ điện tử, xếp hạng của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã triển khai liên thông văn bản điện tử từ đầu những năm 2000.

Trước tình hình này, năm 2018 và những tháng đầu của năm 2019, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, tích cực của các bộ, ngành, hệ thống thể chế, hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực cho vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia đã cơ bản được hình thành, bước đầu đi vào hoạt động, thử nghiệm thông suốt:

Thứ nhất, thể chế cho việc liên thông văn bản điện tử dần được hoàn thiện, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các giải pháp công nghệ của Trục liên thông văn bản quốc gia một cách bền vững.

Việc kết nối, liên thông phần mềm, thử nghiệm Trục liên thông văn bản quốc gia đã được diễn ra thuận lợi, an toàn và đạt kết quả tốt. Các phần mềm này đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước (trong vòng 01 tháng đầu năm nay có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử). 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cũng đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thường xuyên giám sát, đánh giá.

Về hiệu quả, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, kết quả kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa cơ quan nhà nước các cấp còn giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Đây cũng là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả tối ưu để giải quyết thực trạng “trăm hoa đua nở” về phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương vốn được rất nhiều nhà cung cấp triển khai trên các loại nền tảng kỹ thuật, công nghệ khác nhau.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử: “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Đây là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, “chính con người sẽ quyết định cái hiệu quả cùng với phương tiện, công cụ mà chúng ta đã triển khai hôm nay”.

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương và sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp để tạo chuyển biến thực sự về phương thức, về lề lối làm việc theo xu hướng mới, tiên tiến nhằm gỡ bỏ mọi rào cản cả vô hình và hữu hình từ chính những người làm việc tại cơ quan hành chính có tâm lý ngại thay đổi, do sợ phải minh bạch, công khai công việc”, Thủ tướng phát biểu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top