Aa

Buồn cười, nhưng cười không nổi thưa các Bộ trưởng

Thứ Ba, 19/03/2019 - 13:18

Thỏ không được ăn cà rốt, vớt rác phải xin phép... hay như trước đó “mất bằng lái xe phải thi lại” những câu chuyện kiểu “chỉ có ở Việt Nam” này quả thật rất buồn cười. Nhưng dân thì lại cười không nổi khi nó chính là biểu hiện của những tư duy quản lý rất ấu trĩ.

“Đề xuất quy định mất bằng lái xe phải thi lại rất buồn cười, khiến dư luận ồn ào không đáng” - bình luận của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Nhưng rõ ràng đó không phải là quy định duy nhất... buồn cười.

Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chẳng hạn. Có người nói đó là những quy định rất... ngớ ngẩn. Bởi cái sai của nó, không chỉ nằm ở việc Thông tư liệt kê thiếu nhiều loại thức ăn chăn nuôi, mà nằm ở tư duy làm luật của Bộ Nông nghiệp, đó là luôn đi theo hướng ban hành danh mục cho phép, chứ không phải là danh mục cấm. “Sai về tư duy tiếp cận như vậy sẽ dẫn đến thiếu sót trong danh mục thôi. Vì Nhà nước làm sao có thể bao quát toàn bộ xã hội”- bình luận của một cán bộ pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Và khả năng rất cao là văn bản này sẽ bị “tuýt còi” khi hôm nay Bộ Tư pháp chính thức “làm việc” liên quan đến quy định buồn cười này.

Chúng ta có một ví dụ “đẻ luật” khác: Quy định sinh viên sư phạm sẽ bị buộc thôi học nếu bán dâm đến lần thứ 4.

Hay, vừa hôm qua, câu chuyện những tình nguyện viên tuổi trẻ, nhiệt tình muốn vớt rác trên sông cũng bị buộc dừng lại vì chưa... xin phép. Mở ngoặc một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM chiều qua xác nhận, rằng “chưa có quy trình cụ thể về vấn đề (xin phép vớt rác) này”. Song ông trao đổi với Tuổi trẻ, ông lại mở ngoặc thêm: Sở sẽ họp bàn để có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cho việc vớt rác trên sông, rạch.

Một trong những nguyên tắc của pháp luật là công dân được phép làm những gì mà nhà nước không cấm. Song những ví dụ nêu ở trên cho thấy đang rất có vấn đề về tư duy quản lý. Vấn đề ở chỗ trong khi không thể bao quát hết thì “Nhà nước” lại đang ban hành các danh mục... cho phép, trong khi trong việc thực thi thì lại cấm cả những thứ chưa hoặc không có danh mục, quy phạm cấm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói thế này: “Theo nguyên lý thường cái mới phá hủy cái cũ nên phải có cách tiếp cận mới... Logic bình thường cái gì không quản được thì cấm, logic mới là cái gì không quản được thì không quản”. Đây là tư duy rất tiến bộ nếu xét trong thực tiễn ban hành và thực thi pháp luật. Và tư duy này sẽ phải thành chủ đạo của một Chính phủ kiến tạo.

Bởi lẽ việc “thổi còi” một quy định, một cách hành luật sẽ chẳng mấy ý nghĩa nếu nó vẫn là một tư duy của một tư lệnh, nếu nó còn là cách vận dụng luật của chính quyền.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top