Tây Nguyên được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” về phát triển kinh tế, vùng địa lý sinh thái núi – cao nguyên phía Tây Trường Sơn Nam của đất nước, trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk được định hướng trở thành trung tâm Tây Nguyên đang từng ngày đổi mới và khẳng định vị thế của một vùng đất giàu tiềm năng.
Tiềm năng và nhu cầu hội nhập lớn
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 sẽ có 117 đô thị trên cơ sở nâng cấp từ 89 đô thị, xây dựng mới 28 đô thị.
Trong kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa lịch sử, vị trí trung tâm vùng, tam giác phát triển Đông Dương.
Theo đó, Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắc Lắk và Tây Nguyên; phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, logistics, thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê, xây dựng hình ảnh "Thành phố cà phê của thế giới".
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cũng được đặc biệt ưu tiên thông qua hoạt động đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án mang tính động lực, trọng tâm như: Vành đai phía Đông, vành đai phía Tây 2, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29, xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, dự án đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa, phát triển cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế…
Sở hữu vị trí, tiềm năng, lợi thế vượt trội trong khu vực, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thị trường bất động sản Buôn Ma Thuột đang đứng trước những thời cơ lớn để phát triển bùng nổ, đặc biệt là phân khúc tầm trung – cao cấp để đón đầu xu hướng.
Biến lợi thế thành cơ hội
Thực tế cho thấy, đến nay, tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng được đánh giá là đã tích cực trong xây dựng và phát triển, kinh tế tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng gấp 2 lần so với năm 2010; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, trong đó dịch vụ phát triển nhanh.
Cùng với việc trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các “ông lớn” như Capital House, Tập đoàn Trung Nguyên và nhiều doanh nghiệp địa phương với các dự án tổ hợp khu đô thị cao cấp, trung tâm thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí… đã cho thấy Buôn Ma Thuột bước đầu trở thành “sân chơi” hấp dẫn của giới địa ốc.
Theo chuyên gia kinh tế TS.Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc Gia, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn hiện không còn nhiều, sự quá tải hạ tầng xã hội ngày một trầm trọng hơn. Việc một số nhà phát triển BĐS mạnh dạn chuyển hướng về thị trường tỉnh chính là đón đầu được xu thế đô thị hóa của địa phương, đồng thời đây cũng sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
TS.Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, bất động sản Buôn Ma Thuột đang ở dạng tiềm năng, khan hiếm những dự án cao cấp, đồng bộ về quy hoạch. Ông cũng đánh giá cao các khu đô thị như EcoCity Premia của Tập đoàn Capital House khi tích hợp không gian sống hiện đại, cao cấp cùng với hệ thống dịch vụ và tiện ích đồng bộ như công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí, văn hóa… Với các dự án như vậy tại tỉnh lẻ chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh tốt và thành công, tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản.
Không nằm ngoài xu thế, các khu đô thị xanh, thông minh và nhân văn đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên của khách hàng và các nhà đầu tư, đặc biệt tại các thành phố trẻ đầy triển vọng như Buôn Ma Thuột.