Trong bối cảnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt, nhạy bén của UBND tỉnh và nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh nhà đã vượt qua khó khăn đạt nhiều thành tựu quan trọng và tạo đà để bứt phá trong những năm tiếp theo.
Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp về an ninh, biến đổi khí hậu, sau đại dịch Covid-19 kinh tế tiếp tục khó khăn, tổng cầu giảm và nền kinh tế trong nước bị tác động ảnh hưởng cùng với những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới (dự kiến tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ tăng khoảng 5 – 5,5% so với mục tiêu tăng 6,5%) cũng đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự điều hành linh hoạt, nhạy bén của UBND tỉnh, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau vẫn đạt và vượt kế hoạch 20/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 02 chỉ tiêu gần đạt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,78% (kế hoạch từ 7% trở lên); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69,8% (kế hoạch 67,5%); tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 24.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu chiếm 0,8% (theo chuẩn nghèo mới), đạt 100%;…
Về sản xuất, Cà Mau tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững; phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng đối tượng và phương thức nuôi. Nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm tiếp tục là thế mạnh, điểm sáng của tỉnh Cà Mau. Vẫn là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng tôm nuôi dẫn đầu trong cả nước. Năm 2023, tỉnh Cà Mau sản lượng tôm ước đạt 243.000 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kì. Tôm Cà Mau đến nay đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước cấp các loại chứng nhận quốc tế trên tổng diện tích 19.590 ha. Theo đó, xuất khẩu con tôm có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu chung của tỉnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỉ USD.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Châu Công Bằng cho biết: “Năm 2022, tình hình phát triển tôm nuôi trong tỉnh Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi nhanh về cơ cấu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, giá thành sản phẩm đầu ra những tháng cuối năm tương đối ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong năm qua nghề nuôi tôm ở Cà Mau vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, dự báo thời gian tới ngành thủy sản sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp thời chủ động tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, cần có sự vào cuộc đồng bộ, với nhiều giải pháp phù hợp của các ngành chức năng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao; tình hình tôm nuôi ở Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... hồi phục chậm, đây là cơ hội tốt cho tôm Cà Mau dễ tìm đầu ra và tăng sản lượng, mở rộng thị trường để xuất khẩu”.
Đặc biệt, trong tháng cuối năm 2023, tỉnh Cà Mau tổ chức thành công Festival tôm Cà Mau và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Qua đó, đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo động lực cho ngành tôm phát triển, đáp ứng những kì vọng về một sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài thành công trên lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, thêm một năm nữa, tỉnh Cà Mau vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong thu ngân sách, ước đạt 5.380 tỉ đồng, vượt 11,3% kế hoạch. Trong đó, có 10/18 nguồn thu đạt và vượt dự toán. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Bé cho biết: “Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây có thể nói là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, nhằm tạo tiền đề nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu cho ngân sách địa phương. Để tiếp tục đạt được những mục tiêu sắp tới, ngành Thuế tăng cường quản lý, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế. Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư”.
Tỉnh Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu điện năng lượng tái tạo.
Năm 2023, lĩnh vực du lịch tỉnh Cà Mau có nhiều khởi sắc, tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch được nâng lên. Trong năm đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao, nhất là các hoạt động thuộc chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023”, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước tham gia. Tổng lượt khách du lịch ước tính trong năm đạt khoảng gần 2 triệu lượt người, tăng 18% so cùng kì, vượt 13,5% kế hoạch. Tổng thu du lịch đạt 2.900 tỉ đồng, tăng 20% so cùng kì, vượt 8,6% kế hoạch. Anh Trần Đức Chinh, du khách đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tôi đã đến Cà Mau được 3 lần, mỗi lần trở lại đều ấn tượng về sự đổi mới, phát triển của tỉnh Cà Mau, nhất là lĩnh vực du lịch”.
Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh cùng quyết liệt thực hiện chuyển đổi số.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trần Công Khanh cho biết: “Năm 2024, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 7% trở lên; cơ cấu kinh tế: Ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 30,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 31,7%; dịch vụ chiếm 33,7%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm 3,8%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 26.800 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.250 triệu USD; thu ngân sách đạt 5.336 tỉ đồng; chi ngân sách đạt 12.580 tỉ đồng,… Cùng nhiều dự án đầu tư trọng điểm như cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Bệnh viện đa khoa 1.200 giường, cầu Gành Hào, trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Cà Mau…; các công trình khởi công mới (nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau); các dự án điện gió được được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đi vào vận hành thương mại. Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra cần tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; tập trung phát triển kinh tế biển, thủy sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, hướng đến tăng trưởng xanh gắn với xây dựng đô thị thông minh, nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng công nghệ số và các nhiệm vụ trọng tâm khác”.
Từ thành công trong năm 2023, hy vọng đây là cơ hội tạo đà để tỉnh Cà Mau bứt phá trong những năm tiếp theo. Qua đó, nhằm thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) của tỉnh. Năm 2024, tỉnh Cà Mau có nhiều thời cơ thuận lợi để phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mới đây, tỉnh vừa công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nhiều công trình, dự án liên tỉnh, liên vùng, tạo kết nối trong khu vực được hình thành, là động lực quan trọng để một Cà Mau năng động tiếp tục tăng tốc trên con đường hội nhập.