Đô thị nén là gì?
Dân số không ngừng tăng mỗi ngày trong khi diện tích đất không nới rộng khiến áp lực nhà ở tại các đô thị ngày càng lớn. Mặt khác, cuộc sống hiện đại đòi hỏi những giá trị cao và bền vững về nhà ở, tiện ích gắn với nhà ở. Đô thị nén ra đời để đáp ứng nhu cầu đó và cũng là đáp án duy nhất giải bài toán đô thị tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Để hiểu rõ nhất về hình thái đô thị nén, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới. Ông cho rằng, đô thị nén còn có tên gọi khác là mô hình đô thị tập trung hay đô thị mật độ xây dựng cao, đô thị chức năng sử dụng hỗn hợp… là một trong những hình thái sử dụng hiệu quả năng lượng của phát triển đô thị, giảm khoảng cách đi lại và phát huy tối đa các phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện không sử dụng năng lượng. Hình thái đô thị nén là xu thế của thế giới bởi vì tài nguyên đất có hạn.
Hình mẫu lý tưởng của đô thị nén được nhiều nghiên cứu đề cập đến là nơi các tòa nhà cao tầng đa chức năng đã được áp dụng thành tiêu chuẩn. Nhà cao tầng đã có những đóng góp quan trọng cho một đô thị nén với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao, khoảng cách đi lại ngắn, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả… Đô thị nén chủ yếu tập trung phát triển đô thị theo chiều dọc. Nhà cao tầng của một đô thị nén có thể tính đến con số hàng ngàn, phần lớn chiều cao hơn 150m.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên nhận định: “Đô thị nén sẽ giảm diện tích đất sử dụng, phát triển theo công năng chiều cao, nhiều chức năng tích hợp trong một công trình chính sẽ hỗ trợ được cho nhau, tính chất của công trình sẽ phong phú hơn. Đó là xu thế của các công trình không chỉ đơn chức năng mà là đa chức năng. Mô hình đô thị tập trung có tính hiệu quả cao, thuận tiện cho người dân với các tầng đa chức năng cho nhiều đối tượng sử dụng, giảm tắc nghẽn giao thông,.. Theo tổng kết, phương pháp quy hoạch đô thị theo chiều dọc là một trong những hình thái đô thị hiệu quả năng lượng nhất trên thế giới”.
Một số nghiên cứu khoa học cũng đã khẳng định, trên thế giới có một số đô thị nén được đánh giá hiệu quả năng lượng như Hồng Koong, Curtiba (Brazin). Cụ thể, ở đô thị nén Hồng Kông việc sử dụng đa chức năng không gian ở Hồng Kông trong và ngoài công trình đã được áp dụng thành tiêu chuẩn. Đây là một trong những yếu tố của đô thị nén với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao, khoảng cách đi lại ngắn, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Tại Hồng Kông chủ yếu tập trung phát triển đô thị theo chiều dọc, số nhà cao tầng có thể tính đến con số hàng ngàn và phần lớn chiều cao hơn 200m.
Tương tự, thành phố Curtiba (Brazin) được xem là thành phố thân thiện với môi trường trên thế giới. Thiết kế đô thị đã chuyển đổi từ mạng lưới giao thông vòng tròn đồng tâm sang mặt bằng giao thông đô thị phát triển theo các tuyến. Bên cạnh đó là đất hỗn hợp mật độ cao xây dựng cao dọc theo các trục cấu trúc đô thị, đầu tư cở hạ tầng cho giao thông công cộng. Kết quả đã giúp thành phố giảm được 30% năng lượng tiêu thụ cho giao thông. Sự cân bằng giữa mật độ thấp và mật độ cao trong đô thị đã tạo ra nhiều khoảng trống để bố trí không gian xanh kết hợp những chức năng công cộng.
Minh oan cho đô thị nén
Bùng nổ dân số và đô thị mở rộng một cách tự phát đang là bài toán nan giải cho các đô thị Việt Nam trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh đô thị hóa với tốc độ nhanh, đồng nghĩa là mật độ xây dựng tăng, diện tích đất nông nghiệp sẽ bị giảm, vậy thì giải pháp nào để sử dụng đất đô thị tiết kiệm hơn nữa? Vấn đề “vun” và “dãn” dân có vẻ như là hình ảnh của hai mô hình phát triển không gian đô thị là “đô thị nén” và “đô thị dàn trải”. Lựa chọn mô hình phát triển đô thị nén hay phát triển chiều ngang vẫn là câu chuyện tranh luận của giới kiến trúc và quy hoạch.
Thực tế nhiều chuyên gia từng có quan điểm rằng, dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Đáng chú là Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. Việc mở rộng thành phố buộc chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính nằm ở nội đô. Có thể vì lý do này mà bao năm qua, kế hoạch phát triển đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn tiến hành chậm chạp, thậm chí coi rằng đó là "kế hoạch trên giấy".
Thực tế, các đô thị ở Việt Nam đã bắt đầu nén nhưng hiện tại chúng ta nén chưa thành công, còn bất cập là do câu chuyện hạ tầng giao thông chưa nén kịp theo mật độ xây dựng. Tôi cho rằng, xây dựng đô thị nén mà cuộc sống người dân trong đó vẫn thoải mái thì tại sao không nén?
KTS Lê Văn Lân
Mặt khác, so với cấu trúc dàn trải, rõ ràng đối với đô thị nén, dồn dân trên một diện tích đất nhỏ, nếu tổ chức dịch vụ đô thị tại chỗ tốt thì khoảng cách đi lại cũng như nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân ít hơn, hệ số sử dụng đất có thể gấp 5 lần. Nếu bố trí hệ thống hạ tầng đồng bộ trong một khu vực nhỏ phục vụ được nhiều người cũng làm tăng hiệu quả đầu tư cho hạ tầng đô thị. Chính vì vậy, trong thời gian qua xu hướng chung của thế giới là phát triển đô thị nén với các tòa nhà chọc trời, giao thông công cộng, đường cao tốc và đi bộ. Phải chăng cũng đã đến lúc các đô thị lớn của Việt Nam lựa chọn mô hình đô thị nén với cách xây dựng mô hình đồng bộ giữa kiến trúc và quy hoạch?
Chia sẻ với PV Reatimes, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu cũng cho hay: “Ở nước ngoài, các khu vực nén đã khai thác có hiệu quả không gian sử dụng đất hỗn hợp, chỉ cần xây dựng 5-7 tầng nhưng hợp khối, giữ được không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Đô thị nén vẫn có đủ cây xanh, hạn chế đi xe cơ giới. Đô thị nén ở nơi đất chật người đông như các siêu đô thị ở Việt Nam là cần thiết.
Tuy nhiên đô thị nén bị lạm dụng và hiểu sai “nén” tức là chồng tầng, hay siêu cao tầng, đi kèm với không có đủ công viên, không gian công cộng. Đáng chú ý, mật độ dân cư 100 - 300 người/ha như hiện nay là đã nén khá cao. Nếu nén quá cao thì chi phí đầu tư cho hạ tầng để giảm tắc nghẽn và ô nhiễm sẽ tăng nhanh hơn hiệu quả nó đem lại. Tất nhiên nén mức độ nào thì phải có nghiên cứu cụ thể hơn”.
Đồng quan điểm, KTS Lê Văn Lân cũng chỉ rõ: “Thực tế, các đô thị ở Việt Nam đã bắt đầu nén nhưng hiện tại chúng ta nén chưa thành công, còn bất cập là do câu chuyện hạ tầng giao thông chưa nén kịp theo mật độ xây dựng. Tôi cho rằng, xây dựng đô thị nén mà cuộc sống người dân trong đó vẫn thoải mái thì tại sao không nén để lấy đất phục vụ cho các công trình công cộng, công viên cây xanh, giao thông nhanh và thuận tiện hơn.
Đô thị nén cũng là xu thế chung của thế giới và ở Việt Nam, xây một tòa cao mấy chục tầng, một khu đô thị rất dễ. Vấn đề đặt ra là làm sao để khu nhà đó, khu đô thị đó hoạt động được đồng bộ, cư dân được sinh sống và làm việc một cách thoải mái và thuận tiện, không ảnh hưởng đến các tuyến đường và môi trường xung quanh. Đó là điều quan trọng nhất mà các cấp quản lý, chuyên gia, nhà quy hoạch, kiến trúc sư cần phải quan tâm”.