Aa

Vì sao phải sợ xây nhà cao tầng?

Thứ Sáu, 25/05/2018 - 06:01

"Là người làm kiến trúc, tôi cho rằng xây nhà cao tầng là tốt, không chỉ về ý nghĩa kinh tế xã hội mà các công trình kiến trúc cao tầng cũng khiến tôi thấy tinh thần phấn chấn, thấy tự hào về sự phát triển của đô thị, đó là minh chứng đúng nghĩa theo đồ án phát triển của đô thị" - KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định.

 

Nhà cao tầng - kiến trúc đỉnh cao của thời đại

Những năm gần đây, Hà Nội và TP.HCM đang chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành. Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 là 7,6 triệu người. Điều đáng nói là trong 5 năm trở lại đây, dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người, trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm. Tương tự, tại TP.HCM hiện có khoảng 7,8 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm Thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình. Bài toán giải quyết nhu cầu nhà ở trở nên cấp bách và sự ra đời của các chung cư cao tầng là điều tất yếu của quá trình đô thị hóa. 

Khách quan có thể nói rằng mặt tích cực của việc xây nhà cao tầng là giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất trung tâm đô thị. Nhà cao tầng đã bổ sung số lượng lớn diện tích ở, căn hộ, văn phòng, thậm chí là khách sạn từ cao cấp đến bình dân cho mỗi thành phố. Từ đó, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp khi được ở ngay trung tâm thành phố, tiếp cận gần với nơi làm việc, trường học, bệnh viện, tiện ích công cộng. Ngoài ra, nhà cao tầng cũng bổ sung những dịch vụ vui chơi giải trí và trung tâm mua sắm… góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

sự xuất hiện nhà cao tầng trong nội đô cũng được xem là điểm nhấn làm thay đổi hẳn bộ mặt và đời sống đô thị thành phố.

Sự xuất hiện nhà cao tầng trong nội đô cũng được xem là điểm nhấn làm thay đổi hẳn bộ mặt và đời sống đô thị thành phố. 

Chia sẻ với Reatimes, PGS. TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Định cư, nhận định: “Thực chất, sự phát triển lành mạnh của nhà cao tầng góp phần tôn vinh sự thành đạt, công nghệ xây dựng và hình thức thẩm mỹ mới của mỗi đô thị. Sự phát triển này là kết quả tổng hợp giữa kết cấu, vật liệu xây dựng, quy hoạch kiến trúc với những yêu cầu của luật pháp, quy chuẩn đô thị với tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, kinh tế - xã hội đòi hỏi có phương pháp quản lý phát triển mới mẻ với tầm nhìn kinh bang tế thế. Theo nghĩa đó, nhà cao tầng thực sự là một thể loại kiến trúc đỉnh cao của thời đại. Tuy nhiên, để đạt được vòng đời bền vững hơn cho loại kiến trúc tốn kém này cần ban hành các tiêu chuẩn công nghệ thật tốt". 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên Khoa học xã hội trong phát triển đô thị, Đại học Việt Đức đánh giá: “Nhà cao tầng là một giải pháp về bố trí không gian cho nhu cầu phát triển, cũng là giải pháp về lợi nhuận đối với chủ đầu tư có quỹ đất hạn hẹp. Đô thị lớn và các khu nghỉ dưỡng cần nhà cao tầng như giải pháp ứng phó với tình trạng khan hiếm đất đai, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cảnh quan và tiết kiệm chi phí kéo dài hạ tầng”.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia quy hoạch cũng cho rằng, sự xuất hiện nhà cao tầng trong nội đô cũng được xem là điểm nhấn làm thay đổi hẳn bộ mặt và đời sống đô thị thành phố. Trao đổi với Reatimes, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, khẳng định: “Là người làm kiến trúc, tôi cho rằng xây nhà cao tầng là tốt, không chỉ về ý nghĩa kinh tế xã hội mà các công trình kiến trúc cao tầng cũng khiến tôi thấy tinh thần phấn chấn, thấy tự hào về sự phát triển của đô thị và đó là minh chứng đúng nghĩa theo đồ án phát triển của đô thị. Một không gian Hà Nội với mặt bằng các nhà thấp tầng như nhau cũng không phải là đẹp mà phải có những cao ốc.

Tuy nhiên, để xây dựng những hình ảnh đẹp phù hợp với kiến trúc cổ kính và kiến trúc công trình hiện đại thì phải có những chính sách quản lý, quy hoạch nghiêm ngặt hơn, xây cao ốc ở đâu phải do cơ quan chuyên môn quyết định, giám sát chặt chẽ.

KTS Lê Văn Lân

KTS Lê Văn Lân

Nhà cao tầng và vận tải công cộng là cặp đôi hoàn hảo

Trước quan điểm cho rằng việc hạn chế phát triển nhà cao tầng khu trung tâm nội đô là một trong những bất cập trong chính sách đối với quy hoạch của các thành phố, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu phân tích với Reatimes, nếu phát triển nhà cao tầng tại các khu vực đi đôi với đầu tư bổ sung khả năng chất tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, xây nhà cao tầng nhưng giảm nhu cầu phát sinh chuyến đi bằng xe cơ giới, đặc biệt là xe hơi và xây dựng nhà cao tầng đảm bảo an toàn, có thẩm mỹ và bền vững về năng lượng, môi trường thì có lẽ cũng không nên hạn chế.

Quy mô nhiều dự án nhà hiện nay rất lớn, 1000 – 2000 căn hộ xây bóc lõi trong lòng đô thị hiện hữu ở quy mô nhỏ với diện tích chỉ 0,5-3ha. Mỗi dự án có dân số tương đương một phường với mật độ dân cư cao gấp 10 lần mật độ ở quận (3000 người/ha so với mật độ các quận là 300 người/ha). 

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu giải pháp cho câu chuyện này là: “Nếu chủ đầu tư xây các công trình cao tầng kèm với các tiện ích công cộng ở quy mô phù hợp để người dân đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng để đi làm, đi chợ, đi học và giải trí tại các nơi hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã được cải thiện, không gây xung đột về an ninh, xã hội, xung đột về an toàn với xung quanh do di dời và xây mới thì vẫn nên xem xét cho các dự án như vậy. Chú ý vấn đề công bằng xã hội ở đây.

Về cơ bản, quy hoạch đô thị nên tiếp cận phát triển theo định hướng vận tải công cộng (Transit oriented development – TOD), tức là xây nhà cao tầng tại các vị trí kề cận ga metro, không bố trí chỗ đỗ xe hơi cho cư dân, khuyến khích đi bộ, bổ sung trường học, công viên, và công trình công cộng tương ứng với số tiện ích mà mình sử dụng”.

Ngoài ra, TS. Hiếu cho rằng, đối với chính quyền, việc quản lý phát triển nhà cao tầng đòi hỏi việc xây dựng nhà (cao) đi đôi với hạ tầng đồng bộ (móng sâu), có nghĩa là nền tảng hạ tầng và cơ chế để phát triển nhà cao tầng. Nền tảng hạ tầng là hữu hình, nhưng chúng ta cần cả cơ chế phù hợp, bao gồm cơ chế huy động vốn đầu tư vào hạ tầng khu vực khi xây nhà cao tầng, cơ chế bảo vệ người có tài sản liền kề bị ảnh hưởng, bao gồm cả xử lý ứng phó với sự quá tải về giao thông, môi trường, và trường học…

“Bất cập của chúng ta chủ yếu là thiếu cơ chế nói trên và cần phát triển các công cụ pháp lý, tài chính và kỹ thuật phù hợp với kỷ nguyên nhà cao tầng. Tất nhiên làm việc gì cũng cần có kỹ năng và đạo đức cùng với thể chế minh bạch để phát huy quyền làm chủ của người dân”. TS. Hiếu cho hay. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top