10 năm trước, Hà Tây chính thức được sáp nhập vào Hà Nội, địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng. Trên thế giới, điều tương tự cũng được nhiều quốc gia áp dụng. Các chuyên gia nghiên cứu sau khi xem xét các trường hợp sáp nhập địa giới hành chính ở nhiều nước đã đưa ra kết luận về các tác động tích cực của quyết định này.
Trước hết, bộ máy hành chính thông qua việc sáp nhập sẽ có cơ hội được thu gọn lại cả về số lượng cơ quan lẫn nhân viên. Điều này có thể tiết kiệm một khoản tiền thuế khổng lồ. Tiếp theo, các địa phương kém phát triển hơn sau khi sát nhập sẽ có nhiều cơ hội phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng thì việc sáp nhập được đánh giá là một giải pháp khá hiệu quả cho vấn nạn quá tải đô thị, giúp dãn được mật độ dân cư.
Kể từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20, các quốc gia phương Tây đã và đang đặc biệt ưa thích việc sáp nhập các đơn vị hành chính vì những lý do kể trên. Vào năm 1970, Đan Mạch sáp nhập 1.098 tỉnh, thị xã thành 277, rồi sau đó lại sáp nhập tiếp còn 98. Hy Lạp, theo quyết định năm 2007 của chính phủ, sáp nhập 1.033 đơn vị hành chính vào thành 325. Bồ Đào Nha là một trong những nước thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính đầu tiên trên thế giới, và gần đây nhất là vào năm 2013 nước này đã sáp nhập 1.000 làng nhỏ thành các thị xã.
Thường thì việc sáp nhập diễn ra giữa các địa phương nhỏ với nhau vì một vài lý do: Dân số quá ít để cộng đồng có thể tự duy trì, phần diện tích phải quy hoạch lại nhỏ và dễ được đánh dấu địa chính, ít có thủ tục giấy tờ được chỉnh sửa,… Tuy vậy, các địa phương lớn, thậm chí các thành phố sáp nhập lại với nhau không phải là chuyện quá hiếm. Đơn cử như trường hợp của New York. Phải đến năm 1898 thì New York (được thành lập vào năm 1874) mới được hợp lại với năm vùng xung quanh gồm Manhattan, The Bronx, Brooklyn, Queens, và đảo Staten để trở thành một siêu đô thị như chúng ta biết hiện nay.
Một trường hợp khác ở Mỹ là sự kiện thành lập đô thị Princeton, bang New Jersey từ thị trấn Princeton và một số thị xã, làng mạc quanh khu vực. Quyết định này được đưa ra do các biến động về kinh tế - xã hội đã xảy ra tại địa phương, trong đó có việc thị trấn Princeton trở thành điểm tập trung mới cho các doanh nghiệp công nghệ (hầu hết là các công ty khởi nghiệp của trường đại học Princeton danh tiếng), ngành du lịch bắt đầu phát triển mạnh ở khu vực xung quanh, và hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ để phục vụ dân số đang tăng quá nhanh.
Theo một số chuyên gia, sáp nhập địa giới hành chính là một mặt khác của việc hình thành các “chuỗi đô thị” - các thành phố được nối liền bằng hệ thống giao thông tiện lợi để tạo nên chuỗi cung ứng nhằm phát triển kinh tế chuyên môn hóa. Tại Đông Á, hai ví dụ điển hình nhất là các chuỗi Hồng Kông - Thâm Quyến - Quảng Châu và Nagoya - Osaka - Kyoto - Kobe. Việc chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản nhận ra và tập trung phát triển hai chuỗi đô thị này đã tạo động lực khiến nền kinh tế nhảy vọt.
Tất nhiên, việc sáp nhập địa giới hành chính có những vấn đề riêng của nó. Nếu không có nghiên cứu và chuẩn bị rõ ràng từ trước thì mọi lợi ích đem lại được sẽ bị chôn vùi dưới một loạt các vấn đề về thủ tục hành chính, quản lý công, phân giới địa lý, hệ thống giao thông, hoạt động dịch vụ công,…