Aa

“Rùa bò” tại dự án các đô thị xanh ở Thừa Thiên - Huế

Thứ Ba, 06/12/2022 - 06:08

Hàng loạt gói thầu thuộc dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh - Green City) - dự án thành phần Thừa Thiên - Huế đang thi công cầm chừng.

Dự án Green City do Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB tài trợ vốn, được xem là một trong những dự án trọng điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, Ban quản lý dự án (Ban QLDA) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, trong đó 1 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 9 gói thầu đang triển khai thi công.

Gói thầu số 27 thi công hạng mục cầu Long Thọ tại đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế. (Ảnh: Đình Toàn)

“Rùa bò” do năng lực nhà thầu?

Đầu tiên có thể nói là gói thầu số 25 (ký hiệu HU-CW04): Công viên, cây xanh, quảng trường khu hành chính tập trung với giá trị hợp đồng 101 tỷ đồng, khởi công từ ngày 19/12/2019, xây dựng trên diện tích khoảng 17ha thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế. Đây là một dự án thi công theo kiểu “rùa bò” và mức độ gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, mặc dù khá nhiều cơ quan, sở ngành đã rời trụ sở cũ ở trung tâm TP. Huế hiện hữu ở trục đường Lê Lợi và một số tuyến đường khác để về làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh (theo chủ trương quy hoạch công sở của tỉnh), nơi có gói thầu số 25 triển khai. Có thể nói các cơ quan công sở làm việc giữa bộn bề của khu quảng trường, công viên cây xanh xây dựng còn ngổn ngang. Trên công trường lác đác một số nhân công làm việc.

Nhà thầu thi công gói thầu này là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng đô thị - UDIC đã nhiều lần bị chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, tư vấn giám sát phát văn bản cảnh cáo về vi phạm tiến độ thực hiện, nhưng không cải thiện. Đánh giá năng lực nhà thầu không đảm bảo, khiến chủ đầu tư kiến nghị ADB, đơn vị tài trợ vốn vay) chấm dứt hợp đồng thi công với UDIC. Cụ thể gói thầu này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2021, sau đó được nới giãn ra đến tháng 7/2022 nhưng vẫn không đảm bảo và đến nay tiến độ gia hạn hoàn thành vào tháng 7/2023.

Theo Ban QLDA, tiến độ thi công gói thầu số 25 tính đến 30/9/2022, thực hiện đạt 55,3 tỷ đồng, chiếm 58,1% giá trị xây lắp. Hiện nay, gói thầu đang triển khai thi công lát đá vỉa hè, lát đá tuyến 1B, đổ bê tông đường vòng cung khu quảng trường trung tâm, thi công điện chiếu sáng công viên. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng gói thầu này vẫn chưa hoàn tất do còn 1 khu đất tại phường Xuân Phú chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Ban QLDA đã đề nghị thực hiện phương án “bảo vệ thi công” trên phần đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Ban QLDA vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo từ UBND TP. Huế.

Cạnh gói thầu số 25 là gói thầu số 26 (ký hiệu HU-CW05) thi công cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm Khu đô thị mới An Vân Dương. Gói thầu này có vốn thực hiện là 135,54 tỷ đồng, khởi công từ ngày 10/10/2019 hoàn thành ngày 30/11/2023. Bị chậm tiến độ, tuy nhiên gói số 26 còn gặp lý do khách quan là việc điều chỉnh cao độ để phòng tránh lũ đối với một số trục chính đường trong Khu đô thị mới An Vân Dương nên nhà thầu phải chờ điều chỉnh, phối hợp với các nhà thầu khác thi công “cuốn chiếu” sau điều chỉnh cao độ các tuyến đường như Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp...

Cùng với đó, một số gói thầu, hạng mục thi công trên cùng tuyến đường theo kiểu “dự án chồng dự án” khiến các nhà thầu phải chờ nhau làm khiến ảnh hưởng tiến độ chung. Tính đến ngày 30/9/2022 gói thầu này thực hiện đạt 57,105 tỷ đồng, chiếm 44,2% giá trị xây lắp.

Gói thầu só 26 dự án Green City - dự án thành phần Thừa Thiên - Huế thi công cầm chừng nhiều tháng qua. (Ảnh: Đình Toàn)

Thi công chậm vì… trượt giá?

Ngoài các gói thầu nêu trên, hiện nay Chương trình Phát triển các đô thị loại II - dự án thành phần Thừa Thiên - Huế cũng đang triển khai nhiều gói thầu khác, như gói thầu số 27 (ký hiệu HU-CW06) tại đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa: Giá trị gói thầu 89,065 tỷ đồng, khởi công từ 21/9/2020, hoàn thành ngày 21/8/2023. Tiến độ thi công tính đến 30/9/2022 thực hiện đạt 3,740 tỷ đồng, chiếm 4,4% giá trị xây lắp.

Gói thầu số 28 (ký hiệu HU-CW07) nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ; Đường 100m nối 2 khu đô thị A và B Khu đô thị An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) với giá trị hợp đồng 109,51 tỷ đồng, khởi công ngày 06/7/2021, hoàn thành ngày 06/01/2024. Tiến độ thi công tính đến 30/9/2022 thực hiện đạt 27,793 triệu đồng, chiếm 26,9% giá trị xây lắp...

Lý giải việc chậm tiến độ thi công tại một số gói thầu, Giám đốc Ban QLDA, ông Võ Văn Việt cho rằng, có hai nguyên nhân chính là vướng công tác giải phóng mặt bằng và trượt giá đối với nguyên vật liệu đầu vào khiến nhà thầu gặp khó khăn. Trong khi đó, “trải lòng” về nguyên nhân khiến gói thầu số 26 thi công cầm chừng, chậm tiến độ, đại diện nhà thầu cho rằng, “nhà thầu này phải chờ nhà thầu khác do điều chỉnh, nâng cao độ đường” cũng là nguyên nhân. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào và giá nhân công tăng cũng là nguyên nhân khiến các nhà thầu “càng làm càng lỗ”.

“Chúng tôi hoặc ngừng thi công một số hạng mục, hoặc thi công những hạng mục nào không phải cần đất, vật liệu san lấp để chờ điều chỉnh giá”, một nhà thầu nói thêm và cho rằng đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét các khó khăn hiện tại của nhà thầu. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa nhận được hồi âm từ chính quyền.

Chia sẻ vấn đề này, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA nói: “Hiện nay chúng tôi cũng đã biết và nắm những thông tin, phản ánh khó khăn chung của nhà thầu như thế, nhưng cái này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, của Sở nên chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết”.

Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II - Thừa Thiên - Huế có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách địa phương gần 264 tỷ đồng do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành trong 5 năm.

Trước đó đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” vay vốn từ ADB. Dự án trên được thực hiện trong 5 năm (2020 - 2025) tại các tỉnh: Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên - Huế với tổng mức đầu tư 223,87 triệu USD. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị; đồng thời tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao cảnh quan môi trường đô thị qua đó nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho nhân dân các tỉnh tham gia dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top