Aa

Bài 5: Không gian của nước và những giải pháp “cứu” An Vân Dương

Thứ Ba, 26/10/2021 - 06:15

Để có giải pháp cho sự phát triển khu đô thị mới An Vân Dương theo hướng ứng phó được vấn đề ngập lũ, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…, trước hết cần đảm bảo quy hoạch tốt không gian dành cho nước.

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn (Giám đốc NgoViet Architects & Planners) là một nhà quy hoạch, nhà tư vấn chiến lược phát triển hàng đầu ở Việt Nam. Ông từng ghi dấu ấn và đóng góp cho nhiều công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Maylaysia…

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, quê hương của mình, KTS. Ngô Viết Nam Sơn lại càng yêu thương, trách nhiệm và có nhiều đóng góp cho công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, công trình từ nhiều năm qua. Với Khu đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương, ông khá hiểu biết, am tường, vì năm 2016 ông đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời hỗ trợ rà soát và điều chỉnh quy hoạch sau 11 năm thực hiện. Vì vậy nguy cơ ngập lũ mà Reatimes đề cập cũng là vấn đề mà KTS. Ngô Viết Nam Sơn đau đáu bấy lâu. Nhân dịp này, KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã dành cho Reatimes cuộc phỏng vấn, chia sẻ thông tin, giải pháp cho việc chống ngập lũ, lụt ở Khu đô thị mới hiện đại bậc nhất xứ Huế này.

Lấy tiêu chí bền vững làm gốc phát triển

PV: Là người có nhiều đóng góp cho quy hoạch, xây dựng đô thị tại Thừa Thiên - Huế, KTS nhìn nhận như thế nào về tình trạng ngập lũ, lụt tại Khu đô thị mới An Vân Dương trong những năm gần đây?

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Như chúng ta đã biết, Khu đô thị mới An Vân Dương được phê duyệt và đã tiến hành xây dựng từ năm 2005. Vào thời điểm ấy, Khu đô thị mới An Vân Dương đã phát triển, xây dựng khá nhiều hạng mục, đặc biệt là khu A và nguy cơ ngập lụt đã bắt đầu hiện hữu. Đến năm 2016, theo lời mời của UBND tỉnh, nên tôi (lúc đó là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners) cùng với KTS. Ngô Quang Hùng (Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng) đã cùng hợp tác làm Đồng chủ nhiệm Đồ án để tư vấn cho Tỉnh, rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch Khu đô thị mới An Vân Dương và tình hình xây dựng của khu này sau 11 năm.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn
TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Tiếp đó là Điều chỉnh Quy hoạch Khu A (sau đó đã được phê duyệt năm 2019), và góp ý cho định hướng điều chỉnh quy hoạch các khu B-C-D-E. Chúng tôi đã đề xuất định hướng giải quyết cho nhiều vấn đề, trong đó không chỉ có vấn đề ngập lụt, mà cả vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng như tầm nhìn rộng hơn về cơ hội phát triển tương lai như thế nào cho Khu đô thị mới này.  

Quy hoạch khu đô thị mới An Vân Dương
Bản đồ vị trí Khu  đô thị mới An Vân Dương (Ảnh: KTS Ngô Viết Nam Sơn cung cấp)
Khu đô thị mới an Vân Dương
Bản đồ địa hình Khu ĐTM An Vân Dương (Ảnh: KTS Ngô Viết Nam Sơn cung cấp)
Khu đô thị mới An Vân Dương
Bản đồ ngập lụt đô thị Huế theo kịch bản năm 2050QHCC của nghiên cứu MBrace. (Ảnh: KTS Ngô Viết Nam Sơn cung cấp)

Nói chung về nguyên tắc phát triển, cần phải lấy tiêu chí bền vững làm gốc, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc điều chỉnh, do một số dự án mình đã thực hiện rồi, đặc biệt là tại khu A. Chẳng hạn, nếu muốn nâng cốt nền cho các hạ tầng và khu vực trọng điểm, thì sẽ có thể vướng bởi nhiều các công trình và hạ tầng đã xây. Riêng khu B, C, D, và E thì xây dựng ít hơn, nên có thể giải quyết được dễ dàng hơn là khu A.

Ở tầm nhìn chiến lược, việc phát triển về vùng đất thấp Khu đô thị mới An Vân Dương phía Đông đi kèm với nhiều thuận lợi lẫn bất lợi. Bất lợi là vị trí nằm chắn trên hướng thoát lũ về phía đông của TP. Huế. Đây là vùng đất trũng thấp, nên chi phí cho việc san nền và kết cấu móng công trình sẽ cao.

Tuy nhiên, Khu đô thị mới An Vân Dương lại có lợi thế về vị trí chiến lược, giáp ranh và chỉ cách khu trung tâm hiện hữu vài km. Xa hơn, xu hướng phát triển tương lai của Thừa Thiên - Huế sẽ cần phát triển hướng ra biển, theo hướng Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc), và theo tuyến giao thông quốc gia (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy) kết nối với Đà Nẵng, để hình thành cụm đô thị đôi - Trung tâm kinh tế tài chính và văn hóa xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Khu đô thị mới An Vân Dương còn có quỹ đất phát triển khá rộng, ít có khu dân cư hiện hữu, nên ít phải đền bù giải tỏa, có thể xây dựng mới, xây dựng hiện đại. Việc khai thác các cơ hội chiến lược này, cần phải đặt trên nền tảng phát triển bền vững, bao gồm việc giải quyết vấn đề thoát lũ, ứng phó nguy cơ ngập lụt và phát triển thân thiện với môi trường.

Khu đô thị mới An Vân Dương
KĐT An Vân Dương cần có không gian nước, tránh xung đột giữa khu dân cư hiện hữu và công trình bê tông hóa mật độ
cao (Ảnh: Đình Toàn)

Khu đô thị mới An Vân Dương đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng quỹ đất phát triển mới cho đô thị Huế, để Huế mở rộng thêm theo hướng đa trung tâm, thu hút được các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn về đây, đặc biệt là nhà cao tầng. Nhờ đó, sẽ giúp giải tỏa được áp lực xây dựng cao tầng tại khu trung tâm hiện hữu, là khu vực trung tâm di sản của thế kỷ XX, vốn không nên để việc gia tăng mật độ xây dựng và cao tầng hóa làm phá hỏng giá trị di sản và cảnh quan của khu trung tâm đô thị di sản của thành phố Huế, bao gồm khu trung tâm di sản thế kỷ 20 ở bờ Nam sông Hương và khu trung tâm di sản thế kỷ XIX ở bờ Bắc sông Hương là kinh thành Huế.

Tóm lại là Khu đô thị mới An Vân Dương tuy có những khó khăn và nguy cơ, nhưng cũng đồng thời có nhiều thuận lợi, tiềm năng, và cơ hội lớn cho sự phát triển tương lai.

Ba giải pháp căn cơ

PV: Thưa ông hiện nay UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp cải thiện tình trạng ngập lũ, lụt tại khu đô thị mới An Vân Dương. Tuy nhiên, điều chỉnh quy hoạch cả đô thị này là vấn đề rất lớn, có nhiều tác động đến các công trình, đời sống ngươi dân, cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì thế UBND tỉnh đang có hướng điều chỉnh từng điểm, tuyến, đoạn đường giao thông; điều chỉnh từng phân khu trong phân khu A, B, C, D, E của khu đô thị. Là người có nhiều kinh nghiệm tư vấn, thiết kế các đô thị lớn và kinh nghiệm trong quy hoạch chống ngập do mưa lũ, thiên tai của các khu đô thị, theo ông, đâu là giải pháp phù hợp nhất cho khu đô thị mới An Vân Dương?

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Để có giải pháp cho sự phát triển khu đô thị mới An Vân Dương, theo hướng ứng phó được vấn đề ngập lũ, biến đổi khí hậu, và nước biển dâng… cần đặc biệt lưu ý một nguyên tắc đầu tiên quan trọng nhất. Đó là phải đảm bảo việc quy hoạch tốt không gian dành cho nước!

Thứ nhất, quy hoạch không gian dành cho nước phải liên hoàn, tức là làm sao để hệ thống sông ngòi kênh rạch được kết nối liên thông với nhau; được nạo vét thường xuyên. Khu đô thị mới An Vân Dương có sông Như Ý, sông An Cựu và sông Phổ Lợi nối ra sông Hương và ra biển Đông cần được nối liền trực tiếp với nhau, hoặc thông qua mạng lưới các kênh rạch.

Khi nhu cầu không gian cho nước gia tăng, tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát triển đô thị và diện tích bê tông hóa, thì bên cạnh kênh rạch hiện hữu, sẽ cần phải tạo thêm một số kênh rạch mới và các hồ điều tiết mới. Hồ điều tiết có thể là hồ nổi kết hợp cảnh quan, cũng có thể là hồ ngầm, tùy theo hiện trạng và mô hình phát triển đô thị.

Khu đô thị An Vân Dương
Các khuyến nghị điều chỉnh giải pháp thoát lũ và chống ngập cho An Vân Dương
(Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn & Ngô Quang Hùng) 

Mạng lưới không gian nước bao gồm sông ngòi - kênh rạch - hồ điều tiết này giúp thu lưu lượng nước gia tăng trong những trường hợp mưa lũ quá lớn, sau đó từ từ nó thoát ra biển.

Thứ hai, quy hoạch cốt nền đô thị và hạ tầng cần tính đến độ dốc thoát tự nhiên về phía các con sông và về phía biển. Trong đó vùng đất nông nghiệp nền thấp phía Đông của Khu đô thị mới An Vân Dương cũng là một không gian thoát nước quan trọng.

Thứ ba, không gian xanh cũng góp phần rất lớn trong việc chống ngập lụt. Quy hoạch Khu đô thị mới An Vân Dương thuộc vùng đất thấp và nằm trên hướng thoát lũ của đô thị ra phía biển, nên giảm diện tích bê tông hóa, giảm mật độ xây dựng, và tăng diện tích không gian xanh mặt nước cao hơn nhiều, so với khu trung tâm hiện hữu.

Cụ thể, trong các phân khu của Khu đô thị mới An Vân Dương, thì việc “xanh hóa” đô thị phải tăng dần tỷ lệ diện tích xanh từ khu A sang B-C-D-E. Trong đó, không nên xây dựng khu E liên tục theo hướng Bắc Nam, tạo thành con đê chắn nước thoát, mà phải cắt ra thành nhiều đoạn, xen kẽ với các tuyến không gian xanh - không gian nước thoát lũ về phía Đông.

Khu đô thị An Vân Dương
Phân khu A – Khu ĐTM An Vân Dương thường xuyên ngập ngụa khi mưa lũ lớn do không dành không gian nước hợp lý (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

Không gian xanh không chỉ tạo cảnh quan, mà còn giúp làm chậm dòng chảy của nước; thoát, thẩm thấu nước vào “không gian chứa nước trong lòng đất”, giúp bổ sung cho trữ lượng nước ngầm, gián tiếp giúp tránh tình trạng sụt đất do khai thác nước ngầm quá độ… Ở nước ngoài, những đô thị lớn như Moran, New York hay Paris, họ có những công viên rất lớn, rộng hàng chục, thậm chí là hàng trăm héc - ta nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Khi quy hoạch người ta cũng luôn chú trọng dành không gian cho nước, nhờ đó mà thành phố không ngập.

Với phân khu A của Khu đô thị mới An Vân Dương, tuy khó điều chỉnh và có thể tốn kém nhiều khi muốn nâng nền khu vực, nhưng nếu làm theo đúng quy hoạch bài bản, có không gian xanh lớn, kết hợp hồ điều tiết, kênh rạch liên thông nối ra sông, thì sẽ giảm mạnh tình trạng ngập như thời gian trước. Vì cho đến nay vẫn chưa kịp thi công các dự án kênh và hồ điều tiết này.

Riêng với phần còn lại của Khu đô thị mới An Vân Dương thì cần phải điều chỉnh lại quy hoạch theo một chiến lược chống ngập. Thứ nhất là phải đảm bảo không gian thoát lũ, chủ yếu là chạy theo hướng Đông Tây, hoặc là ra sông Hương chảy về biển, hoặc là về hướng Đông ra các khu đồng ruộng và đầm phá rồi chảy ra biển.

Khi xác định được hướng thoát lũ chính, thì các đề xuất nâng nền giao thông cần lưu ý để đảm bảo không gian thoát lũ thông thoáng, không bị chặn bởi hạ tầng giao thông như con đê chắn ngang chiều nước thoát, đặc biệt cần cẩn thận với các tuyến đường Bắc Nam. Do đó, giữa các khu A - B - C- D - E phải có những hành lang xanh thoát lũ kết hợp những con sông hoặc những con kênh.

Ngoài ra, cần phải nhìn việc chống ngập dưới góc nhìn tổng thể quy hoạch vùng, chứ không chỉ trong phạm vi quy hoạch Khu đô thị mới An Vân Dương. Trong đó, cần rà soát lại thông tin lịch sử về nguy cơ ngập lũ, thiên tai, và biến đổi khí hậu, để tính toán giải pháp ngắn hạn và dài hạn đối phó với những tình huống cực đoan. Bên cạnh đó, cần quản lý nguy cơ ngay từ đầu nguồn, như tình trạng xâm hại rừng, tác động của các dự án thủy điện, thủy lợi…

Cuối cùng, trong các khu đô thị phải dự trù các tuyến giao thông huyết mạch và các khu đất cao không ngập, để phục vụ cho việc ứng cứu giúp đỡ người dân trong

Khu đô thị mới An Vân Dương
Các khuyến nghị điều chỉnh lại quy hoạch các khu A-B-C-D-E để thoát lũ và chống ngập tốt hơn cho Khu ĐTM An Vân Dương (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn & Ngô Quang Hùng)

Vai trò nhà đầu tư với “hạ tầng chia sẻ”

PV: Có ý kiến cho rằng cần hy sinh quỹ đất để tạo các kênh thoát nước cho Khu đô thị mới An Vân Dương. Rõ ràng quy hoạch không gian dành cho nước, hay điều chỉnh lại quy hoạch cho vấn đề hành lang thoát lũ thì mất những diện tích đất nhất định. Theo ông, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nên có giải pháp gì để vừa khơi thông những điểm nghẽn của hệ thống thoát nước mặt, vừa đảm bảo hài hòa an toàn của các công trình hiện hữu cũng như lợi ích các nhà đầu tư?

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Kênh thoát nước có vai trò chính là kết hợp với không gian xanh liên hoàn để kết nối với các không gian nước lớn hơn là sông hồ và biển cả. Vì vậy, việc xây dựng thêm các con kênh thoát nước kết hợp với hồ điều tiết ở đây không gọi là “hy sinh”, mà phải gọi là “cần thiết” cho phát triển bền vững.

Hơn nữa, những con kênh và hồ điều tiết này còn đem lại nhiều lợi ích khác về mặt đầu tư, vì có thể trở thành những không gian xanh công cộng với cảnh quan đẹp, giúp tăng giá trị địa ốc cho khu vực lân cận.

Khu đô thị mới Vân Dương
Cần nhiều  giải pháp chống ngập cho Khu đô thị mới An Vân Dương.

Không nên tham lam tăng quá cao diện tích bê tông hóa cho các dự án để đạt lợi nhuận cao như cách làm các nơi khác, vì đây là vùng đất thấp. Việc chống ngập, lũ là bài toán khoa học, có thể tính toán cụ thể, từ lượng mưa trên trời xuống, diện tích cho đô thị hóa, diện tích bê tông hóa, diện tích công trình, độ dốc nền bao nhiêu, tốc độ chảy của nước bao nhiêu… để khi mưa lớn hoặc lũ từ đầu nguồn tăng cao, không kịp thoát ra sông, thì phải có không gian tạm chứa nước, sau đó từ từ chảy ra sông và ra biển.

Giải quyết được vấn đề môi trường, ngập lụt thì sẽ nâng cao giá trị của công trình của các nhà đầu tư hơn. Chính quyền cần có chính sách yêu cầu nhà đầu tư các dự án địa ốc trong khu vực đóng góp vào quỹ xây dựng hạ tầng và không gian xanh mặt nước, vì điều đó không chỉ phục vụ cho lợi ích chung, mà còn phục vụ cho lợi ích thiết thực của nhà đầu tư. Câu chuyện hạ tầng đây là hạ tầng chia sẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nhà xe nổi tránh ngập cho ô tô?

Liên quan đến việc cư dân Khu đô thị mới An Vân Dương rất lo ngại về tình trạng ô tô của họ không có nơi trú tránh lũ lụt, dễ bị nhấn chìm trong nước lũ, khi mà thực tiễn đãng chứng mình điều đó qua những đợt mư lũ lớn như hồi năm 2017 và cuối năm 2020. Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, phân khu A của Khu đô thị mới An Vân Dương là một trung tâm đô thị mới cho nên có nhiều nhà cao tầng, lại là một vùng đất thấp. Nơi đây có chỗ bằng với trung tâm hiện hữu có chỗ thì thấp hơn. Nếu chúng ta làm hầm xe mà khi xảy ra ngập thì ngập cả hầm xe thì nguy cơ mất an toàn rất là lớn. Vậy nên, để an toàn thì chúng ta cần làm nhà xe nổi.

"Khi tôi còn ở Mỹ tôi cũng từng thiết kế nhiều công trình như vậy. Chẳng hạn có một cái tòa cao ốc vài chục tầng thì từ 5 - 7 tầng là nhà xe. Tức là xe chạy lên chứ không phải là chạy xuống, nước có ngập thì cũng không sao. Để đảm bảo mỹ quan thì nhà xe nằm trong ruột còn bên ngoài bao quanh vẫn là dịch vụ thương mại nên khi nhìn vào vẫn không biết bên trong là có cái nhà xe”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top