Aa

Các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc để thích ứng và gia tăng sức chống chịu trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 14/12/2022 - 11:26

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp cần có khả năng chống chịu cao, có năng lực thích nghi và cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển trong một bối cảnh có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” diễn ra sáng 14/12, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, năm 2022 là một năm đặc biệt với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

“Có 2 màu sáng tối trong bức tranh kinh tế năm nay. 6 tháng đầu năm, bức tranh khá sáng sủa, nhưng 6 tháng cuối năm thì màu xám nhiều hơn. Tổng thể, những chỉ số kinh tế vĩ mô đang trong "mùa hè”, còn tình hình của các doanh nghiệp thì lại đang cho thấy “mùa đông giá lạnh”.

11 tháng năm 2022 ghi nhận 137.764 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 56.935 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,6 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021. Các con số này đưa ra một tín hiệu là trong khó khăn nhưng tinh thần khởi nghiệp rất cao, đó là niềm an ủi lớn.

Nhưng cũng trong 11 tháng đầu năm, 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2021. Tức là cứ 10 doanh nghiệp thành lập và quay trở lại hoạt động thì có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số rất đáng phải suy nghĩ”, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023"

Theo ông Lộc, những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đa phần là những doanh nghiệp nhỏ, còn những doanh nghiệp rời bỏ bao gồm cả những doanh nghiệp lớn, đã từng trải trên thị trường. Do đó, những con số thống kê khó có thể phản ánh hết được thực trạng "sức khỏe" của các doanh nghiệp hiện nay.

“Doanh nghiệp đang gặp những khó khăn chồng chất. Năm 2022, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không những không được cải thiện mà còn suy giảm nhiều hơn. Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, sức khỏe của các doanh nghiệp đã gần như suy kiệt. Năm nay lại phải chống chọi với nhiều yếu tố khách quan từ chiến tranh, lạm phát… Khó khăn không chỉ là câu chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp mà đã trở thành vấn đề của thị trường, của người lao động và cả niềm tin trong nền kinh tế”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Khó khăn từ môi trường khách quan đã bộc lộ những yếu kém trong nội tại nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. TS. Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, điều an ủi là, chỉ khi khó khăn như vậy, những yếu kém lộ ra mới tạo sức ép buộc phải thay đổi, thanh lọc, tái cấu trúc nền kinh tế và các doanh nghiệp. Đây là giai đoạn các chỉ có những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao mới tồn tại được.

Hy vọng rằng, đây là một giai đoạn bắt đầu để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới. Năm 2023 đang đến gần, những khó khăn sẽ còn kéo dài sang 6 tháng đầu năm, sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ và động thái của các doanh nghiệp.

Nhưng giai đoạn này, với những diễn biến khó lường, rất khó để đưa ra một dự báo chính xác. Khả năng ứng phó, chống chịu và thích nghi với những biến đổi của thời cuộc đang bắt buộc trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ứng vạn biến là năng lực cạnh tranh cốt lõi trong giai đoạn này. Muốn làm được, doanh nghiệp phải tiếp cận tư duy kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững, bên cạnh vấn đề lợi nhuận, việc bảo vệ môi trường, chống chọi với biến đổi khí hậu… phải đưa vào trong các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội không còn là sự lựa chọn mà là con đường độc đạo để phát triển. Doanh nghiệp nào muốn tồn tại, phát triển lâu dài thì bắt buộc phải kinh doanh có trách nhiệm. Đó là “dĩ bất biến” để có thể ứng với những “vạn biến” của thị trường. Doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội trong toàn hệ sinh thái thì rõ ràng có sức chống chịu tốt và trụ vững trước những biến động, khó khăn, nhận được sự chia sẻ của đối tác, người lao động.

Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Tiến Lộc, chuyển đổi số là một chủ đề đang được nhắc nhiều trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao năng lực chống chịu, chuyển đổi số phải được tiếp cận một cách đúng đắn. Hiện nay, quan niệm chuyển đổi số đang được hiểu đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động. Nhưng bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh và phương thức sản xuất để đạt được hiệu quả cao hơn, năng suất tốt hơn, còn công nghệ số chỉ là công cụ, là mô hình để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, ông Lộc cho rằng, việc nâng cao khả năng liên kết của các doanh nghiệp trong hiệp hội doanh nghiệp để tương hỗ lẫn nhau cũng là động lực quan trọng trong năm 2023.

“Thị trường nội địa đủ lớn để làm điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên. Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể đứng vững trước những sóng gió của thị trường. Khi một thành viên hoạn nạn, rơi vào khó khăn thì các thành viên khác chung tay. Việc liên kết các doanh nghiệp trong hiệp hội rất quan trọng và cần đẩy mạnh”, ông Lộc khẳng định.

Cuối cùng, theo TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, cần nâng cao năng lực pháp lý của các doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Để tạo sự an toàn, phòng ngừa rủi ro phải bắt đầu từ hệ thống thể chế. Phải có sự minh bạch, công bằng, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và không hồi tố.

“Các doanh nghiệp hãy quan tâm nhiều hơn đến vấn đề pháp lý. Chúng ta đã gặp những bài học đau xót, các doanh nghiệp Việt khi ký kết hợp đồng với nước ngoài không tránh khỏi những hớ hênh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Các doanh nghiệp phải đưa nội dung quản trị rủi ro vào trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Đối với nền kinh tế cũng vậy. Đưa vào điều khoản xử lý tranh chấp chứ không chờ tranh chấp nảy sinh rồi mới bàn bạc”, TS. Vũ Tiến Lộc lưu ý.

Nhấn mạnh lại, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, câu chuyện phục hồi kinh tế hiện nay không phải để trở lại như ngày hôm qua mà phục hồi để tạo ra cái mới, tái tạo năng lượng và sức chống chịu để đối chọi với những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Đó là điều các doanh nghiệp nên lưu ý trong quá trình tái cấu trúc trong vài năm tới.

“Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững cần là tư tưởng xuyên suốt cho chiến lược kinh doanh bền vững trong bối cảnh hiện nay. Người tiêu dùng đang có lựa chọn sáng suốt hơn đối với những doanh nghiệp có tình nghĩa, có trách nhiệm và phát triển bền vững”, ông Lộc khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top