Aa

"Các doanh nghiệp từ sản xuất đến dịch vụ đều phải gồng mình cầm cự"

Thứ Tư, 19/07/2023 - 13:55

Đây là trăn trở của ông Nguyễn Quốc Hiệp tại Diễn đàn “Phát triển kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" do VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, sáng 19/7.

Tháo gỡ sự chồng chéo của pháp luật là vấn đề trọng tâm

“Bất động sản có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế, có tác động dẫn dắt, thúc đẩy hàng loạt các nhóm ngành khác cùng phát triển, từ thi công xây lắp, sản xuất xi măng, thép, các loại vật liệu xây dựng, các trang thiết bị…Tuy nhiên, hiện nay bất động sản đang chững lại thậm chí còn gọi là đóng băng vì vậy các chuyên ngành kinh tế liên quan cũng đều rất khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP.INVEST chia sẻ.

Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Mặc dù trong 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật, nên còn kéo lại được sự cân bằng phần nào cho thị trường đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, các ngành liên quan đến thị trường bất động sản đều đang sụt giảm rõ rệt. Đơn cử, Hiệp hội Thép thông báo tiêu thụ thép 06 tháng đầu năm giảm 20%, xi măng cũng giảm 10%.

Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng các dự án triển khai trong 2023 giảm hẳn cả về số lượng và quy mô.

Theo số liệu thống kê vốn đầu tư nhà nước tăng 12,6% trong 06 tháng 2023 nhưng vốn khu vực tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI chỉ tăng 3,8%. Nếu trừ chỉ số lạm phát 3,2% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ còn 4,7% chưa bằng ½ cùng kỳ năm trước 9,2%.

Tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản đóng băng. (Ảnh: Báo Điện tử Công Thương)

Nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản, kéo theo các ngành nghề liên quan là do vướng mắc pháp lý, nhưng ông Hiệp cũng cho rằng, như nhiều chuyên gia đánh giá, những rắc rối này chưa giải quyết được do sự thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật.

“Sự chồng chéo, xung đột của các luật hiện hành được các chuyên gia và cơ quan truyền thông, thậm chí trong diễn đàn Quốc hội đều được phân tích mổ xẻ rất nhiều, nhưng giải pháp nào để khắc phục triệt để căn bệnh này thì dường như vẫn chưa có.

Chúng ta từng có dự định đưa ra khái niệm một luật sửa nhiều luật hoặc một nghị định sửa nhiều nghị định nhưng dường như những giải pháp này vẫn chưa tìm được lối ra cho căn bệnh trầm kha “xung đột pháp lý của các luật hiện hành”, thậm chí có những xung đột giữa các luật do cùng một bộ soạn thảo cũng có những điểm mâu thuẫn”, ông Hiệp trăn trở.

Trước thực trạng dù quyết liệt tháo gỡ pháp lý nhưng vẫn không giải quyết được, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát các văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội.

“Có như vậy mới gạt bỏ được những chồng chéo xung đột trong các luật, đặc biệt giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa mới lại trong dịp này”, ông Hiệp kiến nghị.

Ngoài ra, Chủ tịch VACC cũng đề nghị các ban soạn thảo và các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng cần lắng nghe một cách thật sự để tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các Hiệp hội doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật, tránh việc chỉ nghe hình thức. Có như vậy chúng ta mới hoàn chỉnh sớm được khung pháp lý để thúc đẩy, động viên được nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển để tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Rà soát để tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh

Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp khó khăn, thu nhập của người dân cũng sụt giảm đã tác động đến chỉ số cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023. Ông Hiệp cho biết, cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước, thanh khoản của thị trường bất động sản cũng sụt giảm mạnh, tỉ lệ hấp thụ rất thấp mặc dù nguồn cung rất hạn chế.

“Các doanh nghiệp từ sản xuất đến dịch vụ đều phải gồng mình cầm cự. Nhiều công ty phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự, nhiều cửa hàng đóng cửa, kể cả cửa hàng mặt phố quận trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…. Đây là tình trạng “xưa nay hiếm”. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ thấy tình cảnh như vậy. Để thấy nền kinh tế của chúng ta vô cùng khó khăn”, ông Hiệp chia sẻ.

Tình trạng nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, TP. HCM đóng cửa là tình trạng "xưa nay hiếm". (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng ghi nhận, trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành, kiên quyết chỉ đạo hạ lãi suất. Chỉ trong vòng 1 tháng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải phấn đấu hạ lãi suất cho vay từ 1,5% - 2%. Với các biện pháp điều hành quyết liệt để hạ lãi suất cho vay về ngưỡng 8%/năm và các giải pháp “khoan sức dân” như giảm thuế VAT 2%, giảm phí kiểm định phương tiện cơ giới, tăng lương hưu cho CBNV….

Tuy nhiên, cần có thêm những biện pháp cụ thể hơn về miễn giảm thuế phí để tăng cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải xem lại những chính sách, đưa ra thời điểm này có hợp lý không?

“Tôi ví dụ, có nên siết điều kiện cho vay lúc này theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước không? TP.HCM cũng có văn bản đề nghị không thực hiện, tôi cho là chưa nên áp dụng trong thời điểm này.

Riêng khó khăn của thị trường bất động sản không chỉ nằm ở vấn đề lãi suất vay mua nhà quá cao, mà tâm lý thị trường, cả người mua và người bán đều có những băn khoăn, ngại ngần, lo ngại về chính sách có thể ban hành như đánh thuế bất động sản thứ 2. Chúng ta cần cân nhắc kỹ về cả thời điểm ban hành và những quy định cụ thể, vì sẽ tác động rất mạnh vào thị trường bất động sản”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Thứ hai, cần tập trung kiểm tra rà soát để tháo bỏ rào cản trong môi trường kinh doanh. Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, Chính phủ từ những khoá trước đã tiến hành xoá bỏ các giấy phép con, tuy nhiên hiện nay các rào cản trong môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn còn rất nặng nề. Vừa qua Bộ Kế hoạch đầu tư và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo vấn đề này cũng đã chỉ ra rất nhiều bất cập.

Theo CIEM thời điểm này, khi thực hiện rà soát, đánh giá cải cách về điều kiện kinh doanh thời gian qua so với năm 2019 không hề có chuyển biến tốt hơn. Các doanh nghiệp bị ách tắc, phiền hà về thủ tục hành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, nhiều thủ tục phát sinh một cách tự phát (có thể một số Sở, ngành cũng đưa ra những quy định cho các doanh nghiệp phải thực hiện).

“Ví dụ, là người phát triển bất động sản thực tế, chúng tôi thấy mỗi địa phương có quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư khác nhau. Theo tôi, nếu quy định được quy trình thực hiện dự án đầu tư bao gồm những gì, thì sẽ tháo gỡ được phần lớn rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục dự án. Còn nếu chúng ta cứ bàn mà không đưa ra được quy định cụ thể, thì cũng không giải quyết được.”, ông Hiệp kiến nghị.

Về tổng thể, cần sớm rà soát lại các quy định đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính và phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Chúng tôi nghĩ rằng với những biện pháp hết sức quyết liệt của Chính phủ cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội, kinh tế của chúng ta sẽ sớm phục hồi để trở thành một cường quốc trong khu vực”, ông Hiệp kiến nghị và tin tưởng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top