Aa

Hàng loạt dự án trọng điểm ở TP. Đà Nẵng tăng tốc về đích

Thứ Ba, 27/09/2022 - 13:23

Năm 2022, TP. Đà Nẵng chọn là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó, hàng loạt dự án đầu tư trọng điểm dần về đích.

Từ đầu năm đến nay, chính quyền TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa nền kinh tế thành phố trở lại quỹ đạo phát triển. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên được đề ra và thực hiện như đẩy mạnh tiến độ giải ngân và khối lượng thực hiện vốn đầu tư công; thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước;…

Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) đang được hoàn thiện

Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai gấp rút. Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2020 và được tăng vốn từ gần 800 tỷ đồng lên 986,3 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2022, ước khối lượng thi công là 615,2 tỷ đồng, tương đương 62,4% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 7/2022, giá trị vốn đầu tư thực hiện của dự án đạt 25,9 tỷ đồng tháng 8/2022 ước đạt 15 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước đạt 161,1 tỷ đồng. Dự án này gồm các khối tòa nhà ICT, ICT1 và ICT2. Hiện ICT1 đã hoàn thành cơ bản gói thầu xây lắp và đang chờ lắp đặt thiết bị để bàn giao cho bên sử dụng. Khối ICT và ICT2 đang triển khai phần hoàn thiện và khắc phục các tồn tại để nghiệm thu. Dù chưa đi vào khai thác sử dụng nhưng Khu công viên phần mềm số 2 được kỳ vọng sẽ tạo động lực chính cho ngành công nghệ thông tin của TP. Đà Nẵng.

Với dự án Khu công nghệ cao, trong năm 2022, dự án tiếp tục đầu tư hạng mục Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 2 và Trung tâm Ươm tạo công nghệ cao. Tính đến cuối tháng 8/2022, giá trị vốn đầu tư của dự án ước thực hiện được 3.110,5 tỷ đồng, đạt 35,2% tổng mức đầu tư. Trong đó tháng 7/2021 đạt 2 tỷ đồng, ước tính tháng 8/2021 đạt 4 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 14,4 tỷ đồng. Đây là dự án được Thành phố đầu tư hướng đến tập trung phát triển các ngành công nghệ cao có tính bền vững và ổn định.

Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò tại TP. Đà Nẵng

Một dự án có tính chất kết nối liên vùng đang được thực hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng là dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng (tiểu dự án 1). Hiện tại dự án nhận được hỗ trợ đắc lực từ chính quyền để hoàn thành đúng tiến độ hoàn thiện dự án, đảm bảo chất lượng công trình. Khối lượng vốn đầu tư thực hiện được trong tháng 7/2022 là 9 tỷ đồng và ước tháng 8/2022 là 4 tỷ đồng, lũy kế từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo ước đạt 232,1 tỷ đồng (bằng 29% tổng mức đầu tư). Dự án này được xem là một trong các dự án động lực, trọng điểm sẽ góp phần khơi thông, thoát lũ, khắc phục, hạn chế những thiệt hại do thiên tai, bảo vệ và ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời xây dựng cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển tuyến đường du lịch Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam), thúc đẩy du lịch hai tỉnh. Bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, hình thành khu đô thị phát triển xung quanh dự án, các dự án bất động sản, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với dự án cải thiện hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 1.427,5 tỷ đồng (trong đó, vốn đối ứng là 380,8 tỷ đồng và vốn ODA vay lại là 1.046,7 tỷ đồng), trong tháng 8/2022, khối lượng thực hiện ước đạt 7,1 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay dự kiến đạt 103,7 tỷ đồng. Trước đó, khối lượng vốn đầu tư thực hiện được trong tháng 7/2022 là 3,6 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến 8/2022, giá trị vốn đầu tư thực hiện đạt 572,6 tỷ đồng, tương đương 40,1% tổng mức đầu tư.

Nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm

Theo đánh giá của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, mặc dù thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như tiến độ thi công các dự án, tuy nhiên đến nay tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vẫn đạt ở mức khá khiêm tốn (dự ước 8 tháng đạt 50,1% kế hoạch). Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề điều chỉnh, gia hạn nhiều lần nguồn vốn; quy trình, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng đang là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các công trình. Đơn cử một số dự án trọng điểm như Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng; Khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng Đại học Đà Nẵng; Tuyến đường 45m đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại; Tuyến đường trục I Tây Bắc;…

Doanh thu từ kinh doanh bất động sản tại Đà Nẵng tăng mạnh

Ngoài ra, vẫn còn một số dự án, công trình mới chưa đạt khối lượng thi công cũng như khối lượng giải ngân như kỳ vọng. Điển hình như dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; dự án Đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên;…

Đến cuối tháng 8/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.230,3 tỷ đồng; tương đương 50,1% kế hoạch vốn được giao và giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.164,7 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 98% và vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 65,6 tỷ đồng, chiếm 2% trong cơ cấu nguồn vốn. Được biết, lãnh đạo Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể và quyết tâm phấn đấu những tháng cuối năm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn và đảm bảo đạt khối lượng thi công theo kế hoạch đề ra. Việc đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.

Doanh thu từ kinh doanh bất động sản tăng mạnh

Đến cuối tháng 8/2022, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác của TP. Đà Nẵng ước đạt 14.475 tỷ đồng, tăng 122,3% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch vụ có mức tăng cao so với cùng kỳ như: dịch vụ kinh doanh bất động sản (+161,3%); dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+126,6%); dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+103,1%); y tế và trợ giúp xã hội (+45,3%)...

Một trong nhiều nguyên nhân thúc đẩy nhóm ngành kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua là do thành phố công bố chủ trương quy hoạch một số khu đô thị vùng ven, đồng thời việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố trong thời gian đến cũng tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản sôi động trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top