Aa

Các lý do ứng dụng không cho phép tải về từ Play Store

Thứ Hai, 27/04/2020 - 08:52

Bạn không thể tải về một số ứng dụng trên Google Play, điều này khá khó chịu, đặc biệt khi nhiều ứng dụng khác không gặp vấn đề này. Dưới đây là những lý do có ứng dụng không cho phép bạn tải về từ Play Store.

1. Thiết bị không tương thích

Cách lý giải phổ biến nhất cho việc bạn không thể tải về một số ứng dụng nhất định là bởi nhà phát triển ứng dụng quy định "không tương thích" với thiết bị của bạn. Ví dụ, bạn sẽ thấy thông báo không tương thích khi cố gắng cài đặt một ứng dụng được thiết kế cho tablet lên điện thoại.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ứng dụng không thể hoạt động tốt trên thiết bị của bạn. Nhiều nhà phát triển có thể đánh dấu một ứng dụng là "không tương thích" bởi có những lỗi không thể khắc phục được với loại thiết bị bạn đang dùng. Ngoài ra, có thể vì bạn root thiết bị, khiến nó trở nên không tương thích với một số thiết bị yêu cầu tính bảo mật cao.

Một giải pháp cho tình huống này là tải về tập tin APK của ứng dụng từ một website bên thứ ba và buộc nó phải cài đặt. Nếu làm theo, bạn phải chấp nhận mạo hiểm, bởi nếu ứng dụng thực sự có vấn đề về tính tương thích, nó có thể gây nguy hiểm cho thiết bị của bạn. Dù vậy, trên thực tế, bạn có lẽ vẫn sẽ dùng được ứng dụng, chỉ không truy cập được một vài tính năng nhất định mà thôi.

2. Giới hạn vùng

Một cách lý giải phổ biến khác khi bạn không thể tìm thấy một ứng dụng trên Google Play là bởi nó không hoạt động được tại vùng bạn đang sống. Có thể vì chính phủ không cho phép, nhưng trong hầu hết trường hợp, giới hạn vùng đơn giản là quyết định của các nhà phát triển nhằm lọc bớt người dùng.

Ví dụ, nếu bạn sống tại Việt Nam, chẳng có lý do gì lại phải cài đặt một ứng dụng dành riêng cho một ngân hàng chỉ hoạt động tại Mỹ. 

Trong các trường hợp khác, một ứng dụng chỉ cung cấp dịch vụ cho các địa điểm cụ thể trong giai đoạn đầu hoạt động, do đó người chủ ứng dụng quyết định giới hạn những người có thể tải về. Cách làm này sẽ giúp ngăn các đánh giá tiêu cực từ những người dùng đang bực bội và đảm bảo rằng ứng dụng đang được thử nghiệm bởi những người phù hợp. Nếu bạn không chắc tại sao một ứng dụng lại giới hạn vùng, hãy mạnh dạn liên hệ với các nhà phát triển.

Nếu bạn mới chuyển nhà từ vùng này sang vùng khác, đừng quên cập nhật thông tin vùng trong Google Play Store.

3. Thiết bị thiếu các tính năng cần thiết

Con quay hồi chuyển, gia tốc kế, cảm biến môi trường, cảm biến tiệm cận và các chức năng khác cho phép thiết bị nhận dữ liệu từ môi trường xung quanh là các công cụ được một số ứng dụng đòi hỏi. Nếu điện thoại lỗi thời và thiếu một thành phần mà một ứng dụng yêu cầu, bạn không thể cài đặt nó từ Play Store. Các điện thoại giá rẻ thường thiếu hụt khá nhiều tính năng so với các điện thoại cao cấp.

Một ứng dụng còn có thể yêu cầu phần cứng mạnh hơn so với cấu hình điện thoại bạn đang có. Ví dụ, các ứng dụng cần nhiều tài nguyên sẽ đòi hỏi một lượng RAM nhất định. Đây chính là một vấn đề lớn mà trò Pokemon Go phải đối mặt khi mới ra mắt là nhiều người bị cho "ra rìa" khi game không chạy được trên điện thoại vì phần cứng không đủ mạnh.

Cách duy nhất ở đây là nâng cấp lên một thiết bị hiện đại hơn. 

4. Phiên bản Android lỗi thời

Bên cạnh những yêu cầu về phần cứng, nhiều ứng dụng còn có yêu cầu về phần mềm, về phiên bản Android trên điện thoại của bạn. Để kiểm tra, chỉ cần vào phần miêu tả của ứng dụng trên giao diện web của Google Play. Cuộn xuống, bạn sẽ thấy phần "Requires Android" trong mục "Additional Information".

Mọi phiên bản Android mới đều đi kèm nhiều tính năng và cải tiến mới mà các ứng dụng có thể tận dụng. Nếu một ứng dụng dựa vào một trong những tính năng đó, nhưng bạn không có, thì có lẽ nó sẽ không hoạt động được. Một khi không hoạt động được, thì chẳng có lý do gì lại phải cho phép bạn cài đặt cả.

Tuy nhiên, nhà phát triển có thể quyết định phiên bản Android cũ nhất mà ứng dụng của họ sẽ hỗ trợ nhằm cắt giảm chi phí. Giống phần mềm desktop, rất khó để giữ các ứng dụng Android tương thích ngược với các phiên bản hệ điều hành ra mắt từ nhiều năm trước. 

Không may là tình trạng phân mảnh của Android sẽ khiến thiết bị đã cũ của bạn ít có khả năng được cập nhật lên nữa. Hãy cân nhắc chọn mua các thiết bị từ các nhà sản xuất Android có uy tín trong việc cập nhật để tránh tình trạng này.

5. Không đủ bộ nhớ lưu trữ

Các ứng dụng thường chiếm khá nhiều dung lượng lưu trữ trên thiết bị. Nếu thiết bị của bạn có dung lượng hạn chế, bạn đôi lúc sẽ không thể cài đặt thêm bất kỳ ứng dụng nào nữa. Thậm chí cài đặt bản cập nhật của ứng dụng cài trước đó còn khó.

Giải pháp là bạn nên dọn dẹp bộ nhớ thiết bị để dành không gian cho ứng dụng mới. Bạn có thể gỡ cài đặt các ứng dụng cũ, xóa bớt ảnh và video đã lưu lên đám mây… Nếu vấn đề này liên tục tiếp diễn, bạn nên cân nhắc mua một chiếc điện thoại mới với bộ nhớ lưu trữ lớn hơn.

6. Lỗi Google Play Store

Nếu một ứng dụng tương thích với thiết bị của bạn, nhưng lại không thể tải về được, vấn đề có lẽ nằm ở chính ứng dụng Google Play Store. Trong trường hợp này, bạn trước hết nên khởi động lại điện thoại. 

7. Ứng dụng chỉ dành riêng cho một nhà sản xuất

Một lý do ít phổ biến khiến bạn không tìm thấy ứng dụng muốn tìm trên Play Store là bởi nó chỉ dành cho các thiết bị đến từ các nhà sản xuất nhất định. Một số ứng dụng được thiết kế để tận dụng các tính năng vốn chỉ có trên các thiết bị của công ty đó. Ví dụ, ứng dụng Samsung Music có mặt trên Play Store, nhưng không cài được trên Pixel 4 của Google.

Nếu trong tên ứng dụng có tên nhà sản xuất, nó có lẽ không tương thích với các thiết bị khác. Tin tốt là hầu hết ứng dụng như thế này đều có các "bản sao" với chất lượng tốt hơn hẳn. Bạn không nên cố cài đặt chúng, hoặc tìm cách chuyển sang một thiết bị mới, trừ khi thực sự muốn sử dụng một ứng dụng đặc biệt nào đó.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top