Aa

Các ngân hàng lạc quan lợi nhuận sẽ tiếp tục "sáng" trong năm 2022

Thứ Sáu, 07/01/2022 - 06:15

Theo các tổ chức tín dụng, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là nhân tố quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của các đơn vị này.

Năm 2021 khép lại với nhiều biến động do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, hoạt động ngân hàng chịu tác động không nhỏ song hệ thống này đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Bước sang năm 2022, hầu hết các ngân hàng thương mại đều lạc quan với tình hình kinh doanh và tin tưởng lợi nhuận sẽ cải thiện hơn.

95% ngân hàng tin tưởng lợi nhuận tăng

Một điều tra được Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2022.

Có tới 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận giảm.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước. 

Các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý I/2022.

Đối với lãi suất, mặc dù khoảng đầu tháng 12/2021 một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn nhưng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn ở mức thấp. Dự báo mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý 1/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. 

Theo các tổ chức tín dụng, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn là nhân tố quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của mình. 

Các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng kể từ quý IV/2021 cho tới các quý của năm 2022, trong khi “Sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” được nhận định có thể là nhân tố có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong năm 2022.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Hiện nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang từng bước bắt nhịp trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19 tại hầu hết các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý I/2022. Chính vì vậy, nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng.

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Kết hợp với vị thế thanh khoản dồi dào hiện tại, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.

Hầu hết ngân hàng tin tưởng lợi nhuận tăng trong năm 2022. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặt khác, VDSC cho rằng hành vi khách hàng trong giai đoạn bình thường mới sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính cấu trúc ở cơ cấu huy động.

Theo đó, giãn cách xã hội chặt chẽ và lâu dài sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và cũng thay đổi cách mọi người gửi tiền tiết kiệm và do đó, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải thích ứng với hành vi mới của dòng tiền.

VDSC nhận định cơ cấu tiền gửi của một số ngân hàng sẽ thay đổi bền vững. Trong lúc đó, khi lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức thấp và nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự kiến tiếp tục xu hướng tăng. CASA tăng sẽ cải thiện biên NIM (biên độ lãi ròng) giúp giảm chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng tỏ ra lạc quan khi duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài động lực tăng trưởng tín dụng mạnh hơn do cầu tín dụng lớn hậu đại dịch, theo dự báo của MBKE, năm 2022 thu nhập từ phí của ngân hàng tăng mạnh 30 - 40%, trong khi NIM duy trì được ổn định. Các ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% trong năm 2022, trong đó, 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ khi việc trích lập dự phòng có thể giảm bớt nhờ môi trường hoạt động được cải thiện.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông OCB chia sẻ, năm 2022 dù biến chủng mới Omicron vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng các quốc gia vẫn không phong tỏa. Điều này cho thấy các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội trong năm mới. Trong khi đó, năm 2022, Chính phủ có kế hoạch tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, kích thích cho khu vực kinh tế tư nhân, sức mua sẽ tăng trở lại và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ phát triển.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Mặc dù nhìn thấy nhiều triển vọng ở năm 2022, tuy nhiên phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, các ngân hàng cần kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn một số bất cập. Trong đó, vẫn còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng, bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp..., cần phải hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Phải kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top