Aa

Các ngân hàng thương mại lớn kiến nghị được tăng vốn điều lệ

Chủ Nhật, 27/12/2020 - 06:15

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, lãnh đạo Agribank và BIDV tiếp tục kiến nghị xem xét tăng vốn điều lệ để đáp ứng hệ số an toàn vốn.

Ngày 26/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại lớn tiếp tục nêu ra vấn đề về tăng vốn điều lệ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lãi suất cho vay thấp nhất khu vực

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2020 bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước gia tăng. Năm 2020 cũng là năm đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Cùng với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp chưa từng có, gây thiệt hại về người và tài sản, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân càng gặp nhiều khó khăn. 

Cũng theo Thống đốc, xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dại dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất sớm khi đại dịch mới xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nhiều văn bản chỉ đạo mang tính đột phá như cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12...

Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5% - 2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6% - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Bên cạnh đó, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng Bảy được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên do tác động của dịch COVID-19, từ tháng Tám bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã báo cáo một số kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Phạm Đức Ấn cho biết Agribank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 8 lần giảm phí dịch vụ. Triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% - 2,5% so với trước khi có dịch bệnh…

Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Huỳnh Ngọc Huy cho biết trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn như gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng, đồng hành với các khách hàng bị tác động bởi dịch với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm. Chương trình ưu đãi lãi vay với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5% giúp khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, vượt qua thời điểm khó khăn.

Tiếp tục kiến nghị tăng vốn

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng duy trì được thị phần, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, ông Ấn cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước để đảm bảo hệ số an toàn vốn. Việc tăng vốn điều lệ này cần được xây dựng thành đề án cho ít nhất 5 năm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tránh bị động.

Riêng đối với Agribank, tới đây được cấp 3.500 tỷ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ của năm 2019 theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì hệ số an toàn vốn CAR chỉ còn 8,6%, nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 6%, thấp hơn mức quy định.

Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

“Như vậy, Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm. Vì vậy, trước mắt kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp khẩn cấp là áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Agribank mới được tăng trưởng tín dụng trong năm 2021,” ông Ấn kiến nghị.

Liên quan đến Thông tư 01 cần tiếp tục triển khai. Vì đại dịch COVID-19 chưa có điểm dừng trên thế giới, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên mong Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn triển khai tiếp trong năm 2021.

Đối với cổ phần hóa, đây là điều mà Agribank rất mong muốn trở thành ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động tương tự như các ngân hàng khác. Tuy nhiên với quy trình thủ tục hiện nay ít nhất phải 2 năm nữa thì Agribank mới thực hiện cổ phần hóa.

Vì vậy, để có thể sớm chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần, Agribank đề nghị Chính phủ cho phép Agribank thí điểm cổ phần hóa theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Agribank với tỷ lệ khoảng 0,5% để Agribank thực hiện cổ phần hóa và sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Giai đoạn 2, sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, mọi thông tin về Agribank được minh bạch, nhà đầu tư đánh giá hoạt động Agribank ở góc độ khác. Giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, được nhìn nhận tích cực hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ thuận lợi hơn. “Agribank cam kết cam kết với Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoạt động Agribank hiệu quả hơn, đảm bảo không bị thất thoát vốn nếu được cho phép cơ chế triển khai 2 bước như trên,” ông Ấn khẳng định.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cũng kiến nghị tiếp tục tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo ông Tú, với vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước hiện nay, hệ số CAR khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngân hàng trong khu vực. Như BIDV, hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng -  lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II.

Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu và đẩy nhanh các dự án, đề án tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện hoạt động cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời đại cách mạng 4.0. Đặc biệt là các quy định về bảo mật, chia sẻ thông tin, sớm đưa vào vận hành Dự án cơ sở dữ liệu công dân quốc gia… Đây là những điều kiện tiền đề để các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động ngân hàng số./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top