Mệnh lệnh từ Thống đốc thể hiện rõ yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu, tăng quy mô vốn là mục tiêu quan trọng, đặt ra song song cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì yêu cầu tăng quy mô vốn vừa cấp thiết nhưng lại có thêm nhiều thách thức mới.
Thách thức mới từ COVID-19
Quy mô vốn không chỉ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn, giới hạn cấp tín dụng, mà còn là bộ đệm quan trọng đảm bảo sức khỏe cho hệ thống ngân hàng. Tăng vốn cũng là tiêu chí hàng đầu để đảm bảo các ngân hàng đáp ứng quy định theo chuẩn Basel II, sẽ là điều kiện tạo sức bật cho các ngân hàng hậu đại dịch COVID-19.
Thời hạn áp dụng chuẩn Basel II theo kế hoạch là đầu năm 2020 với 10 cái tên được chọn gồm 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh và 7 NHTMCP lớn nhất vào thời điểm năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện mới có 2 NHTMNN và 20 NHTMCP đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, các ngân hàng còn lại đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Được biết, trước khả năng “vỡ kế hoạch” cán đích thực hiện chuẩn mực Basel II, NHNN có xu hướng mở rộng thêm đối tượng chưa phải áp dụng Thông tư 41, các nhà băng chưa đạt đủ tiêu chuẩn để triển khai đúng hạn vào đầu năm 2020 sẽ được NHNN xem xét và gia hạn áp dụng chậm nhất kể từ đầu 2023.
Chuyện tăng vốn lâu nay vẫn là “bài toán khó” với nhiều ngân hàng. Một số ngân hàng liên tục “lỡ hẹn” tăng vốn từ năm này qua năm khác. Với những ngân hàng càng nhỏ, vốn mỏng kế hoạch tăng vốn lại càng khó và đứng trước nhiều thách thức hơn trong và sau đại dịch COVID-19.
Tháng 7/2019, BIDV đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phần và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư tài chính trong năm 2020. Tại ĐHĐCĐ mới diễn ra, BIDV cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỷ đồng (tăng 15,5%) lên 46.432 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Vietcombank cũng tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (room ngoại hiện còn 7,45%). Trong khi đó, VietinBank cũng đã nhận được chủ trương giữ lại lợi nhuận trong năm 2017 và 2018 để tăng vốn và theo các công ty chứng khoán, ngân hàng này có thể sẽ giữ lại lợi nhuận năm 2019 để đảm bảo an toàn vốn.
Bài toán tăng vốn với nhóm NHTMNN đã khá rõ ràng và được cụ thể hoá. Trong văn bản mới đây, Thống đốc NHNN yêu cầu nhóm NHTMNN khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho VietinBank, Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần. Tuy nhiên, ở nhóm NHTMCP nhu cầu tăng vốn rất cấp bách nhưng lại đang gặp nhiều trở ngại.
Từ đầu năm đến nay thêm nhiều ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn như Ngân hàng ACB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận với tỷ lệ 30%, hay Ngân hàng Bắc Á, dự kiến tăng lên từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 6, SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng theo phương án đã được duyệt tại đại hội cổ đông năm ngoái.
Tuy nhiên, được chấp thuận tăng vốn là một chuyện còn có tăng vốn được không lại phụ thuộc rất lớn vào thị trường.
Cần sự đồng hành của cổ đông
Một số ngân hàng đã công bố thương vụ tăng vốn thành công từ đầu năm như SHB, tăng vốn điều lệ thành công lên mức 17.558 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 550 triệu cổ phiếu, bao gồm hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong năm nay, SHB dự kiến “đẩy” vốn lên đến con số 19.314 tỷ đồng.
Ngân hàng OCB cũng đã hoàn tất thương vụ tăng vốn từ việc phát hành riêng l cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng. Chưa dừng lại, Ngân hàng này còn dự kiến tăng vốn điều lệ lên tới 11.275 tỷ đồng.
Hồi tháng 2, Ngân hàng Quân Đội (MB) cũng đã thu về hơn 1.736 tỷ đồng tăng vốn từ việc phát hành riêng l , nhưng mức thực hiện thấp hơn so với kế hoạch đặt ra, đưa mức vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 24.370 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Việt Á mới đây công bố
hoàn tất đợt chào bán gần 93,4 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu về gần 974 tỷ đồng để tăng vốn, nâng mức vốn điều lệ lên 4.473 tỷ đồng.
Trước đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, áp lực tăng vốn của các ngân hàng càng lớn hơn khi phải tăng bộ đệm an toàn vốn, sẵn sàng ứng phó với sự bùng nổ với nợ xấu nhưng để tăng được vốn trong bối cảnh này lại khó khăn hơn, đặc biệt với những ngân hàng mỏng vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong lúc bệnh dịch đang hoành hành và tiếp tục trở lại Việt Nam lần thứ 2 thì nhu cầu tăng vốn đang đặt ngành ngân hàng trước những thách thức lớn và mới.
“Nếu như năm ngoái, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có ý định vào tìm hiểu các ngân hàng Việt Nam, thì sang tới năm nay họ tỏ ra ngần ngại hơn khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bởi nhà đầu tư nước ngoài chưa xác định được Việt Nam có tiếp tục qua khỏi dịch bệnh dễ dàng như lần trước không và cũng chưa biết tác động của dịch bệnh tới lĩnh vực này ra sao để lựa chọn góp vốn. Vì vậy việc góp vốn trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Hiếu nói.
Vẫn theo ông Hiếu, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2020 không có nhiều triển vọng. Cách tăng vốn tốt nhất và thiết thực nhất được tính tới là giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt. Còn ngay cả việc kêu gọi cổ đông hiện hữu đóng góp thêm trong bối cảnh này cũng là rất khó khăn. Vì vậy, ngân hàng đang rất cần sự đồng hành của cổ đông.
Khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn này, sử dụng khoản lợi nhuận giữ lại để đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn.
“Tín dụng của những đối tượng dù đã mất khả năng chi trả hiện vẫn được khoanh lại, chưa đưa vào nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), nhưng rồi sẽ vào nhóm 5. Năm nay trên sổ sách giấy tờ thì không đáng lo ngại nhưng thực tế các ngân hàng cần hết sức thận trọng để kiểm soát vốn chủ sở hữu để không bị sói mòn bởi ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế”, ông Hiếu đưa cảnh báo.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng ảnh hưởng thực sự của dịch bệnh COVID-19 đến các nhà băng sẽ có độ trễ, ít nhất là vào cuối năm nay. Chất lượng tài sản của nhà băng cũng được các chuyên gia cho rằng đang có xu hướng giảm đáng kể, dù được điều chỉnh bởi Thông tư 01, cho phép các ngân hàng tái cấu trúc nợ trong mùa COVID-19.