Aa

Các quầy bánh Trung thu di động "lách luật", lấn chiếm vỉa hè

Thứ Bảy, 29/08/2020 - 05:50

Đến hẹn lại lên, các quầy bánh trung thu di động lại đang "đổ bộ" lên vỉa hè của khắp các tuyến phố Thủ đô, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

"Lách luật" để kinh doanh trên vỉa hè

Những năm gần đây, vào thời điểm cách ngày Tết Trung thu khoảng một tháng, các quầy bán bánh Trung thu di động bắt đầu mọc lên, càng gần đến thời điểm gần sát ngày Tết Trung thu, lượng người mua tăng đột biến, và khi người dân vào mua thường để xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thậm chí nhiều tuyến phố nhỏ, ô tô dừng dưới lòng đường để mua không những gây ùn tắc mà còn mất an toàn giao thông. 

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã ra văn bản số 2354/SGTVT-GTĐT yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương, kiểm tra, xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán, trong đó có bánh trung thu.

Trên nhiều tuyến phố nằm trong nội đô Hà Nội, các thương hiệu bánh trung thu (Long Đình, Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison...) lại "đua nhau" dựng các quầy hàng di động trên vỉa hè, lấn chiếm không gian của người đi bộ, phớt lờ lệnh cấm của UBND TP Hà Nội.

Theo ghi nhận thực tế của PV, tại trung tâm thương mại (TTTM) Artemis số 3 Lê Trọng Tấn , TTTM Royal City (Thanh Xuân, Hà Nội) và TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), các quầy bánh trung thu đang "lách luật" bằng cách đưa các ki-ốt vào trong phía sảnh trước của các TTTM gần sát với vỉa hè, "đẩy" việc lấn chiếm sang các khách hàng khi đến mua bánh.

Những hình ảnh lấn chiếm quen thuộc mỗi dịp Tết Trung thu cận kề

"Để tiếp cận được các quầy bánh, chúng tôi buộc phải để xe ở ngoài vỉa hè, lòng đường, "vô tình" gây cản trở lối đi lại của người đi bộ" - chị M. (Khương Mai, Thanh Xuân) cho biết.

Tại khu vực phường Đại Kim, các quầy bánh trung thu thuộc thương hiệu Kinh Đô, Hữu Nghị được dựng lên từ khá sớm. Theo quan sát, gian hàng này dựng trên phần sân của khu chung cư CT4 A2 Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai). 

"Có mỗi khoảng không gian sân chung thì lại bị chiếm dụng làm điểm bán bánh Trung thu. Năm nào cũng vậy, đến thời gian cao điểm, khách mua đông, xe dựng lộn xộn, chắn hết lối đi, ra vào của cư dân" - chị H - cư dân CT4A chia sẻ.

Quẩy bánh Trung thu "trưng dụng" không gian chung của chung cư CT4A Bắc Linh Đàm (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).

Trên tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, tình trạng này cũng tương tự xảy ra khiến các phương tiện qua lại đây gặp khó khăn làm cho nhiều người dân bức xúc: “Năm nào cũng vậy, tôi thấy những gian hàng lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống cả lòng đường. Khách hàng đi xe thì dừng đỗ xe lại bên lòng đường để mua bán. Vào giờ cao điểm, qua đoạn nào có gian hàng bán bánh Trung thu là tắc đoạn đó, rất lộn xộn. Bản thân tôi cũng là nhà buôn bán ở mặt đường, hàng ngày dân phòng, công an phường thường xuyên nhắc nhở cấm để xe, bày đồ buôn bán ra vỉa hè, mà không hiểu sao những cửa hàng này có thể công khai lấn chiếm được như vậy”.

Đến thời điểm gần sát ngày Tết Trung thu, lượng người mua tăng đột biến, và khi người dân vào mua thường để xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Vỉa hè ngã tư Tố Hữu, Lương Thế Vinh (Nam Từ Liêm) vốn đã nhỏ, nay lại thêm quầy bánh Trung thu "trưng dụng" để kinh doanh. Từ dọc Giảng Võ, Láng Hạ (Đống Đa) đến Phúc La, Văn Phú (Hà Đông) , hàng loạt thương hiệu cũng đang bắt đầu dựng quầy trên vỉa hè. Đa số các ki-ốt bán bánh trung thu vẫn đều phớt lờ lệnh cấm để bán hàng trên vỉa hè. “Các đơn vị kinh doanh bánh Trung thu phải có cửa hàng để cơ quan chức năng quản lý, không thể lấy vỉa hè rồi dựng tạm các ki ốt lên thế kia, rất mất mỹ quan mà ảnh hưởng đến người đi bộ, đặc biệt là vào giờ tan tầm” - người dân sống gần các điểm, quầy bánh Trung thu di động bày tỏ.

Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt

Các quầy bánh trung thu di động "đổ bộ" lên vỉa hè khắp các tuyến phố Thủ đô.

Nêu quan điểm về thực trạng này, anh H. (Hoàng Mai) cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu phải có cửa hàng, cửa hiệu để cơ quan chức năng quản lý, không thể quây tạm một góc vỉa hè chỗ này, chỗ kia để bán hàng rất mất mỹ quan và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Một quầy bán bánh Trung thu được dựng tại nút giao thông Nghi Tàm - Yên Phụ (quận Tây Hồ) chiếm hầu như toàn bộ vỉa hè.

Theo quy định, để được tạm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, chủ các điểm bán bánh Trung thu phải được UBND cấp quận/huyện cấp phép, quản lý và chỉ được hoạt động trong thời gian ngắn. Chính quyền địa phương, lực lượng Thanh tra giao thông có trách nhiệm nhắc nhở các trường hợp thực hiện không đúng với giấy phép và yêu cầu những trường hợp này phải xử lý nghiêm bằng cách điều chỉnh vị trí, diện tích gian hàng.

Yêu cầu xử lý mạnh tay các trường hợp ảnh hưởng đến vỉa hè, lề đường

Phân cấp quản lý được hiểu là việc chuyển giao một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp trên cho chính quyền cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên, hoặc là việc phân công thẩm quyền hợp lý giữa các cấp chính quyền tương ứng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, khả năng và điều kiện thực tế của mỗi cấp để tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước.

Trước thực trạng này, PV đã có trao đổi nhanh với Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, được biết, Sở không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào kinh doanh bánh trung thu trên vỉa hè.

"Theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, TP đã phân cấp lại và giao trách nhiệm cấp phép, kiểm tra xử lý các cửa hàng bánh Trung thu cho các quận/huyện địa phương. Về phía Sở, chúng tôi cũng đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm, triệt tiêu các trường hợp bày bán bánh Trung thu tràn lan làm ảnh hưởng đến vỉa hè, lề đường" - Lãnh đạo Sở nhấn mạnh.

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội từng cho biết, nếu cứ đơn giản cấp phép cho một quầy bánh Trung thu được bày bán trên vỉa hè, sẽ dễ dẫn đến việc sau đó người kinh doanh sẽ tìm cách lách luật. Việc buôn bán đơn thuần thì không ảnh hưởng lắm đến vỉa hè, người đi bộ nhưng nếu vào thời gian cao điểm, khách tới mua đông thì sẽ có sự cản trở giao thông rất lớn: “Vỉa hè là dành cho người đi bộ, không phải để kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, chủng loại và số lượng bánh Trung thu bán tràn lan trên vỉa hè rất khó kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".

Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt
Ảnh: Dân Việt

Các cơ quan chức năng liên ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô cần sớm kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh bánh Trung thu trên vỉa hè, gây mất trật tự ATGT và mỹ quan đô thị.

Đó cũng là lý do Sở Công Thương TP Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội cho giải tỏa các cửa hàng, ki-ốt trưng bày và bán hàng trên vỉa hè, nhất là các quầy bánh Trung thu. Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh trong dịp Trung thu phải có địa điểm theo quy định để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông khiến người dân và người đi đường rất bức xúc nhưng theo đại diện một số lãnh đạo cấp quận, phường, việc xử lý đang bị vướng về chế tài, quyền hạn, nên không thể can thiệp. Điều này được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các quầy bánh Trung thu xuất hiện dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội sát dịp Trung thu mà không bị xử lý. 

Việc sử dụng lòng đường, lề đường hay vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Căn cứ theo Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là:  "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Thiết nghĩ, chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt, liên tục của các cơ quan chức năng liên ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô trong công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh nói chung thì mới có thể sớm chấm dứt tình trạng chiếm dụng vỉa hè, gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top