Aa

Các thành phố biển trên thế giới đang nỗ lực chống lại nguy cơ biến mất

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Hai, 15/08/2022 - 09:02

Biến đổi khiến hậu khiến mực nước biển dâng gây ra nhiều tác động tiêu cực về xã hội và kinh tế. Khi phải đối diện với nguy cơ biến mất hoàn toàn, các thành phố biển trên thế giới liên tục tìm giải pháp thích nghi.

Mối đe dọa từ việc nước biển dâng cao, các thành phố chìm đắm trong sự tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu, khiến hàng nghìn người dân phải di dời, hàng triệu mẫu đất bị phá hủy và gây thiệt hại hàng tỷ Đô la. 

Việc nước biển dâng khiến giới phải đối mặt những tác động tiêu cực như: Mất đất, tình trạng ngập lụt ngày càng tăng đối với các khu vực đất thấp, tăng tốc độ xói mòn dọc theo bờ biển, tăng độ mặn tại các cửa sông và nguồn nước ngầm và làm giảm chất lượng nước, dẫn đến suy thoái hệ sinh thái ven biển.

Nhiệt độ tăng, nước biển dâng, nhiều thành phố có nguy cơ biến mất

Các nhà khoa học đều đồng thuận rằng nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C khiến mực nước biển toàn cầu tăng từ 1,7 đến 3,2 feet (xấp xỉ 0,5 - 1m) vào năm 2100. Nguyên nhân do sự tan chảy dần của các dải băng ở Greenland và Nam Cực, cộng hưởng với việc thể tích nước biển âm thầm gia tăng khi các đại dương nóng lên. 

Ngay cả khi con người nỗ lực ngăn chặn mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C, vào năm 2050, ít nhất 570 thành phố và khoảng 800 triệu người sẽ phải hứng chịu nước biển dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn.

Bài toán khó chứa nhiều rủi ro không chỉ bắt nguồn từ con người và bất động sản, mà các vấn đề như đường bộ, đường sắt, bến cảng, cáp internet dưới nước, đất nông nghiệp, hệ thống vệ sinh và nước uống và hồ chứa, thậm chí cả hệ thống giao thông công cộng cũng đối diện với nguy cơ tương tự.

Nếu không thể ngăn chặn sự càn quét của thiên tai, một số thành phố và quốc gia ven biển có thể biến mất hoàn toàn, các khu vực còn lại cần thích nghi và nhanh chóng ứng biến với biến đổi khí hậu. 

Theo Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 90% tất cả các khu vực ven biển sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Một số thành phố sẽ có mực nước biển dâng cao hơn 30% so với mức trung bình toàn cầu. 

Thủ đô Jakarta của Indonesia với 9,6 triệu dân đang chìm xuống dưới mực nước biển trung bình 20cm mỗi năm. Điều này buộc Indonesia phải tiến hành nhanh kế hoạch chuyển Thủ đô Jakarta đến đảo Borneo, đổi tên thành Nusantara.

Jakarta là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với 1/3 diện tích có thể ngập dưới nước năm 2050. (Ảnh: Antara/Aditya Pradana Putra)

Trong khi tất cả các thành phố ven biển chịu ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, một số thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn những thành phố khác. Đáng chú ý, các thành phố châu Á sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Cứ 5 người thì 4 người bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng vào năm 2050 là sống ở phía Đông châu Á hoặc Đông Nam Á. Các thành phố của Hoa Kỳ, đặc biệt là các thành phố ở bờ biển phía Đông và vùng Vịnh, cũng dễ bị tổn thương tương tự. Hơn 90 thành phố ven biển của Hoa Kỳ đang phải trải qua lũ lụt kinh niên - con số dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. 

Trong khi đó, khoảng 3/4 tổng số thành phố ở châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, đặc biệt là ở Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý. Châu Phi cũng chịu sự đe dọa của thiên nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở các thành phố ven biển và sự đông đúc của dân cư nghèo trong các khu định cư không chính thức dọc theo bờ biển. 

Nhiều thành phố ở khu vực đồng bằng cũng đối diện với nguy cơ chìm. Hơn 340 triệu người sống ở các vùng đồng bằng như Dhaka, Quảng Châu, TP.HCM, Hồng Kông, Manila, Melbourne, Miami, New Orleans, New York, Rotterdam, Tokyo và Venice đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. 

Theo báo mới nhất, Tổ chức Climate Central (Mỹ) lập ra bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc, có 6 thành phố nằm trong diện nguy cơ bị chìm với tốc độ đáng báo động, bao gồm: Amsterdam, Basra, New Orleans, Venice, TP.HCM, Kolkata.

Kolkata - Thủ phủ bang Tây Bengal (Ấn Độ) có thể chìm trước năm 2030. Nếu thành phố này muốn giữ được lịch sử và văn hóa của mình thì cần hành động ngay từ bây giờ. (Ảnh: Magicbricks.com)
Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)
TP.HCM (Việt Nam) rơi vào hoàn cảnh khó đòi hỏi giải pháp sớm và hiệu quả từ chính quyền. Theo dự báo mới nhất, TP.HCM có thể chìm trước năm 2030, ít nhất là khu vực phía Đông nằm cạnh sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm vốn là đầm lầy trũng thấp. Thậm chí nếu thành phố không bị chìm, nhiều khu vực có thể trở nên khó sinh sống do nhiều yếu tố như lũ lụt và bão. (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
Venice (Ý)
Venice (Ý) đang phải đối diện với nguy cơ lớn từ nước biển dâng. Tốc độ lún là 2mm/ năm - một con số không tưởng. Các biện pháp dường như chưa đủ để cứu vãn tình thế, người ta cần làm nhiều hơn nếu không muốn từ bỏ thành phố xinh đẹp này. (Ảnh: Bazantravel)
New Orleans (Mỹ)
New Orleans (Mỹ) cũng rơi vào số phận cảnh báo đỏ. Biến đổi khí hậu không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo, điểm khác biệt chỉ là nơi nào chuẩn bị tốt hơn. Tuy thành phố này nổi tiếng có hệ thống đê bảo vệ trước lũ lụt, nhưng trong 10 năm tới nếu không có thay đổi khác biệt vẫn sẽ biến mất trên bản đồ. (Ảnh: Jonathan)
Basra (Iraq)
Basra (Iraq) được coi là thành phố cảng chính ở Iraq, nằm cạnh dòng sông Shatt al-Arab chảy vào vịnh Ba Tư, xung quanh toàn là đầm lầy trũng thấp nên có thể bị nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần vào cuối thập kỷ. (Ảnh: Getty)
Amsterdam (Hà Lan)
Amsterdam (Hà Lan) có hệ thống đường thủy chằng chịt trong thành phố, nằm trên vùng trũng cùng với các thành phố như Rotterdam và The Hague. Mặc dù người Hà Lan nổi tiếng là các chuyên gia về chống lụt, nhưng cũng không tránh khỏi số phận. Ước tính khoảng 150 năm nữa, nếu mực nước dâng thêm 2m, thành phố này sẽ bị nhấn chìm. (Ảnh sưu tầm)

Không thể phủ nhận, các thành phố ven biển có khả năng phát triển mạnh mẽ nhờ vào khả năng tiếp cận biển, nhận phù sa và có nguồn tài nguyên đất canh tác màu mỡ, phải kể đến 48 đồng bằng ven biển lớn ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. 

Điều này giải thích tại sao sông Nile, Indus, sông Hằng, Brahmaputra và Dương Tử từng là cái nôi của các nền văn minh lớn. Nhưng cuộc sống ven biển không hề đơn giản, các nước đang phải đối diện với áp lực từ trách nhiệm pháp lý: Chi phí đo mực nước biển dâng có thể tăng lên hàng nghìn tỷ Đô la một năm, chưa kể đến các thiệt hại người và của.

Nỗ lực giải cứu đất liền 

Gerd Masselink, một giáo sư về địa mạo ven biển tại Đại học Plymouth nói rằng: "Liệu các thành phố hay quốc gia có biến mất hay không phụ thuộc vào việc chúng ta là con người đang làm gì đó để chống lại mối đe dọa? Phần lớn đất nước Hà Lan đã ở dưới mực nước biển nhưng không biến mất, bởi vì người Hà Lan đang xây dựng và duy trì hệ thống phòng thủ ven biển của họ".

Có thể thấy, các thành phố và quốc gia không có sự lựa chọn. Về cơ bản, có 3 phương án mà các bang và thành phố đang thực hiện. 

Phương án thứ nhất, họ thiết lập các bức chắn kiên cố cho các dự án kỹ thuật như tường biển, rào chắn tăng áp, máy bơm nước và các khoang tràn để ngăn nước ra ngoài. Để ngăn ngừa những hư hỏng cho công trình, vật liệu chống ngập phải bền và chịu được độ ẩm cao như bê tông, gạch tráng men, xốp cách nhiệt, phần cứng bằng thép, ván ép được xử lý bằng áp lực, gạch men, keo chịu nước, sơn epoxy polyester...

Phương án thứ hai, họ áp dụng các phương pháp tiếp cận môi trường liên quan đến việc thu hồi đất và phục hồi rừng ngập mặn và đất ngập nước để giúp các thành phố đối phó với tình trạng ngập lụt do nước lũ. 

Phương án thứ ba liên quan đến các giải pháp xoanh quanh con người bao gồm: Thiết kế đô thị bền vững, xây dựng các công trình với khả năng chống chịu và có đường thoát hiểm sau khi tất cả các lựa chọn khác đã không còn hiệu quả.

Trong nhiều thế kỷ, các thành phố giáp với đại dương và đường thủy đã phải đối mặt với sự dao động mực nước biển cục bộ và các cơn bão định kỳ. Nhiều thành phố ven biển đã thử nghiệm kết hợp cả 3 phương pháp trên trong hàng trăm năm. Nhưng quá khứ thành công không có nghĩa là tương lai an toàn, các thành phố ngày nay khác với các thành phố tiền nhiệm của chúng. 

Nhiều thành phố có diện tích lớn và cơ sở hạ tầng phức tạp chưa từng có. Quan trọng hơn, mực nước biển dâng lên với tốc độ nhanh hơn nhiều so với quá khứ, khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình ứng phó.

Tuy khó khăn, nhưng không phải là không còn giải pháp. Một số thành phố đã bước đầu thành công bởi sự kết hợp của các phương pháp, đồng thời các giải pháp được thiết kế trên sự đo lường về môi trường để củng cố khả năng bảo vệ của hệ sinh thái, không chỉ đem lại hiệu quả mà chi phí tối ưu hơn. Một quốc gia đi tiên phong trong các biện pháp đa hướng này là Hà Lan.

Tại Hà Lan, các thành phố ven biển đang kết hợp cả 3 cách tiếp cận để quản lý mực nước biển dâng liên tục. Với một đất nước có ¼ diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan có nhiều nỗ lực đáng ngạc nhiên. Chính phủ quốc gia đã phân tầng nhiều cách thức quản lý: Chống lũ lụt là trách nhiệm của các Ban quản lý cấp nước khu vực. Các cơ quan công quyền cũng đã tăng cường các biện pháp phòng thủ kiên cố bao gồm mạng lưới 3.700km đê, đập và tường chắn sóng, bao gồm cả Rào chắn Maeslant nổi tiếng. Được xây dựng để bảo vệ Rotterdam, nơi nằm dưới mực nước biển 90%, rào cản có kích thước bằng hai Tháp Eiffel ở hai bên.

Hệ thống đê biển và công quay chống ngập Maeslantkering tại TP. Rottecdam (Hà Lan). (Ảnh sưu tầm)

Các thành phố như Rotterdam đưa ra một mô hình về cách quản lý mực nước biển dâng. Rotterdam là một trong những thành phố đồng bằng an toàn nhất trên thế giới vì học cách sống chung với nước. 

Câu chuyện này có thể bắt nguồn từ thế kỷ XIII, khi các thương gia địa phương và quản lý thành phố dựng một con đập dài 400m để giữ nước cao ở vịnh, nhưng cũng để tạo điều kiện thoát nước. Các kênh đào mới được xây dựng vào những năm 1850 để cải thiện chất lượng nước và giảm sự bùng phát dịch tả. Vài thập kỷ sau trận lụt thảm khốc giết chết hơn 1.800 người vào năm 1953, Maeslant Barrier đã được xây dựng. Ngày nay, nó bảo vệ 1,5 triệu người của thành phố khỏi lũ lụt mà không cản trở giao thông đường biển.

Một thành phần quan trọng trong thành công của Rotterdam là thái độ. Thị trưởng hiện tại, Ahmed Aboutaleb, tuyên bố cư dân thành phố của ông “không coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa, mà là một cơ hội để làm cho thành phố trở nên linh hoạt hơn, hấp dẫn hơn và mạnh mẽ hơn về kinh tế”. 

Theo quan điểm của thị trưởng, thích ứng với khí hậu là một cánh cửa cơ hội để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển đa dạng sinh học và thu hút người dân tập trung vào cuộc sống thành phố một cách có ý nghĩa hơn.

Một vài năm trước, thành phố đã đưa ra Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu để làm cho Rotterdam trở nên mạnh mẽ và vững chắc để “chống chọi với khí hậu” vào năm 2025. 

Trên khắp Hà Lan, các thành phố như Rotterdam đang chuyển đổi các ao, nhà để xe, công viên và quảng trường thành các hồ chứa bán thời gian. Chúng cũng đang hồi sinh và cải thiện công bằng các khu dân cư để xây dựng khả năng phục hồi của xã hội đối với các mối đe dọa về nước trong tương lai.

Trung Quốc cũng đang hành động để giảm thiểu ảnh hưởng và thích ứng với mực nước biển dâng. Như trong trường hợp của Hà Lan, người Trung Quốc đã bị thúc đẩy một phần bởi thảm họa. 

Năm 1998, lũ lụt đã khiến khoảng 4.000 người tử vong khi lưu vực sông Dương Tử tràn qua. Ngày càng có nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh - nơi đã tăng hơn gấp đôi tổng diện tích đất trong thập kỷ qua - cũng đang hứng chịu sự gia tăng của lũ lụt. 

Ngày nay, khoảng 641 trong số 654 thành phố lớn nhất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thường xuyên, đặc biệt là những thành phố ven biển. Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng bằng sự kết hợp của các chiến lược kỹ thuật cứng rắn, môi trường và dựa vào con người, cùng với việc di dời hàng triệu công dân.

Năm 2014, Trung Quốc đưa ra sáng kiến ​​thành phố bọt biển. Thuật ngữ này thực sự bắt nguồn từ Hyderabad khi chính quyền thành phố bắt đầu thu thập nước mưa để bù đắp nhu cầu nước trong mùa gieo trồng.

Thành phố 'bọt biển' ngăn ngập lụt ở Trung Quốc
Sáng kiến thành phố "bọt biển" ngăn ngập lụt ở Trung Quốc. (Ảnh: WEF)

Trong trường hợp của Trung Quốc, chiến lược bọt biển yêu cầu 80% diện tích đất đô thị có thể hấp thụ hoặc tái sử dụng 70% lượng nước do bão. Hơn 30 thành phố hiện là một phần của sáng kiến, bao gồm Thượng Hải - một trong những thành phố dễ bị tàn phá bởi lũ lụt nhất trên thế giới. Người Trung Quốc kỳ vọng rằng sẽ có ít nhất 600 thành phố khác tham gia trong thập kỷ tới.

Các nhà chức trách của Thượng Hải đang đưa ra một lượng lớn các chiến lược thích ứng. Và không phải không có lý do chính đáng - vào năm 2050, thành phố dự kiến ​​sẽ hứng chịu lũ lụt và lượng mưa cao hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Thành phố đã bị rung chuyển bởi 2 - 3 cơn bão mỗi năm. Thượng Hải cũng đang chìm dần, mặc dù chậm hơn Jakarta. 

Để giảm nguy cơ tiếp xúc với nước biển dâng, Thượng Hải đã xây dựng 520km tường chắn sóng bảo vệ trải dài qua Vịnh Hàng Châu và bao quanh các đảo Chongming, Hengsha và Changxing. Như trường hợp của Rotterdam, Thượng Hải cũng đã lắp đặt các cổng cơ khí khổng lồ để điều tiết các dòng sông chảy tràn.

Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương cũng đang chiến đấu để ngăn chặn những thảm họa có thể sẽ xảy ra khi mực nước biển dâng. Các thành phố Đông Nam Á đang ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ chống nước biển dâng. 

Ví dụ, Jakarta đang xây dựng một bức tường biển khổng lồ với sự hỗ trợ của Hà Lan, và đang có kế hoạch di dời 400.000 người khỏi các bờ sông và hồ chứa bị đe dọa. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại rằng thành phố không đủ các cơ sở vật chất để giải quyết các vấn đề nước ngầm đang khiến thành phố chìm trong nước. Bangkok, đối mặt với những thách thức tương tự như Jakarta, cũng đã xây dựng một mạng lưới kênh đào dài 2.600km và công viên trung tâm với khả năng thoát 4 triệu lít vào các thùng chứa dưới lòng đất.

Một số nghị sĩ Thái Lan lo ngại rằng con đường duy nhất về phía trước là một cuộc rút lui có quản lý, di chuyển Thủ đô vào sâu trong đất liền. Singapore cũng đang áp dụng vô số chiến lược giảm thiểu bao gồm các kế hoạch cải tạo đất và xây dựng bờ bao trên 70% diện tích ven biển của mình.

Được cho là chịu tác động mạnh mẽ nhất đối với mực nước biển dâng, các quốc đảo nhỏ như Kiribati, Tuvalu, quần đảo Marshall và Maldives có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ theo đúng nghĩa đen. Kiribati đang đàm phán để mua 5.000 mẫu đất ở Fiji lân cận và dự định di chuyển 113.000 công dân của mình nếu cần thiết. Quốc gia này thừa nhận, sự tồn tại trước thảm họa nước biển dâng là không thể.

Quần đảo Marshall phải đối mặt với một sự lựa chọn khắc nghiệt tương tự: Rời đi hoặc nâng cao. Nước này đang tìm cách khai hoang và xây dựng các đảo đủ cao để chống chọi với nước biển dâng. Và Maldives cũng đang nỗ lực khai hoang, củng cố và xây dựng những hòn đảo mới, và di dời khi cần thiết.

Cuối cùng, các thành phố của Hoa Kỳ đang bận rộn đầu tư hàng tỷ Đô la để tăng cường khả năng chống lại mực nước biển dâng cao. New Orleans đã thành lập Hệ thống giảm thiểu rủi ro thiệt hại do bão và bão ngay sau khi cơn bão Katrina làm hơn 1.600 người tử vong vào năm 2005, khiến 80% thành phố chìm trong nước. 

Hệ thống bao gồm một loạt các rào chắn lớn của đập, đê được gia cố và các bức tường ngăn lũ kéo dài khoảng 560km xung quanh thành phố. Thành phố cũng xây dựng hệ thống nước sinh hoạt công viên, đất ngập nước và các đặc điểm khác để giảm sự phụ thuộc vào bơm và kênh. Đây là một trong những dự án công trình công cộng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và là hệ thống kiểm soát lũ lụt đắt đỏ nhất trên thế giới. Boston, Houston, Miami, New York City và hàng chục nơi khác đang theo đuổi, mặc dù ở các quy mô khác nhau.

Từ châu Á, châu Phi đến châu Âu và châu Mỹ, mực nước biển dâng là không thể tránh khỏi. Các nỗ lực giảm thiểu phải được mở rộng. Tuy nhiên, chính vì nó đã gây ra một mối đe dọa hiện hữu cho các cộng đồng ven biển ở khắp mọi nơi, nên việc thích nghi là điều cần thiết. 

Ở mức tối thiểu, các Chính phủ, doanh nghiệp và công dân cần tránh làm cho tình hình tồi tệ hơn. Việc điều chỉnh luật phân vùng và giảm thiểu việc xây dựng ở các vùng ven biển có nguy cơ và vùng đồng bằng ngập lụt là một bước khởi đầu. 

Báo cáo Rủi ro toàn cầu đã nêu rõ, việc chủ động xây dựng các chiến lược để tái định cư các nhóm dân cư dễ bị tổn thương do nước biển dâng không kém phần quan trọng. Một thách thức khó khăn khác liên quan đến chia sẻ gánh nặng giữa và trong các quốc gia và thành phố. 

Một tư duy mới, các mô hình tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác đa bên là rất quan trọng khi nước biển tiếp tục dâng cao./.

Nguồn: World Economic Forum, LGiU
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top