Các thương hiệu Việt đình đám đã "bán mình" như thế nào?

Các thương hiệu Việt đình đám đã "bán mình" như thế nào?

Thứ Năm, 26/09/2019 - 05:50

Highland Coffee bán cho Jollibee; X-Men bán lại cho Marico; Diana bán lại cho Unicharm; P/S bán lại cho Unilever; Nguyễn Kim bán lại cho Central Group ( Thái Lan),... Mỗi một thương hiệu là một câu chuyện riêng khác nhau đầy thú vị và kịch tính.

P/S bán lại cho Unilever

P/S là thương vụ M&A điển hình cho doanh nghiệp Việt bị nước ngoài thâu tóm

Nhãn hiệu kem đánh răng P/S được Công ty hóa phẩm P/S (Dạ Lan) trực thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM phát triển từ năm 1975. Cái tên kem đánh răng P/S bắt đầu được biết đến rộng rãi và nhanh chóng chiếm 60% thị trường vào những năm 1988-1993. Thời kỳ đó, P/S là niềm tự hào của hàng tiêu dùng Việt, là dấu ấn khó có thể phai mờ.

Unilever là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa nhãn hiệu của Anh và Hà Lan. Khi Unilever thâm nhập thị trường Việt năm 1995, hãng đã xúc tiến đàm phán để được chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S.

Ban đầu, Unilever đề nghị liên doanh, cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu P/S. Tuy nhiên, Công ty Hóa phẩm P/S ngày càng đuối sức trong liên doanh kể từ khi liên doanh thay đổi công nghệ phát triển. Không lâu sau, năm 1998, khi không thể chống chọi với thua lỗ, ông Trịnh Thành Nhơn - ông chủ của Dạ Lan phải bán nốt 30% cổ phần còn lại cho đối tác.

Như vậy, chỉ sau vài năm liên doanh, các nhãn hiệu kem đánh răng Việt Nam - P/S hoàn toàn rơi vào tay các công ty 100% vốn nước ngoài.

Đây là một thương vụ điển hình theo kiểu hợp tác sau đó bị thâu tóm.

Highlands Coffee bán cho Jollibee

Mặc dù đã cho doanh nghiệp nước ngoài từ lâu, nhưng Highland Coffee vẫn mang dấu ấn là thương hiệu gốc Việt

Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) của Việt kiều David Thái từng gây xôn xao dư luận khi liên tiếp tiến hành những thương vụ M&A “khủng”, trong đó, người ta nhắc nhiều tới Highlands Coffee vì chuỗi cửa hàng cà phê này mang lại danh tiếng cho ông David Thái.

Jollibee, tập đoàn đến từ Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh tại Hong Kong (Trung Quốc) của VTI .

Trong khi đó, Highlands Coffee dù không gặp khó khăn gì như nhiều công ty buộc phải bán cổ phần cho đối tác nhưng vẫn phải chia sẻ quyền lực cho Jollibee vì áp lực cạnh tranh với Starbucks, khi thương hiệu này vào Việt Nam, trước xu hướng tiêu dùng“sính ngoại” của người tiêu dùng.

Tập đoàn Việt Thái ngày nay được thành lập năm 2002. Ban đầu, chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội và TP.HCM. Sau 7 năm, hiện nay số lượng cửa hàng Highland Coffee đã vượt quá con số 80 trên 6 tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong năm 2008, Tập đoàn Việt Thái có hơn 5 triệu lượt khách và phục vụ hơn 2 triệu bữa ăn, hơn 4 triệu cốc cà phê cho khách hàng.

X-Men bán lại cho Marico

Sau khi bán thương hiệu của mình, ông chủ của X-Men quyết định làm thuê cho chính doanh nghiệp mua thương hiệu của mình

X-Men ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng cùng slogan “Đàn ông đích thực” và nhanh chóng trở thành nhãn hiệu dầu gội đầu số 1 dành riêng cho nam giới. Với tên gọi khá Tây, nhiều người nghĩ đây là sản phẩm do tập đoàn đa quốc gia nào đó sản xuất nhưng sự thực là do Công ty hàng gia dụng quốc tế (ICP) do ông Phan Quốc Công và một người bạn thành góp vốn chung thành lập năm 2001.

Năm 2010, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông Công bất ngờ bán đến 85% cổ phần trong Công ty cho Marico, một đối tác đến từ Ấn Độ. Nguyên nhân là do lúc ấy kinh tế đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lãi suất ngân hàng lên đến 20%, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Trong khi lãi suất nước ngoài chỉ 1,5%, đó là lợi thế quá lớn để giữ được cạnh tranh, vượt qua khủng hoảng.

Trước đó, năm 2007, khi Unilever tung ra nhãn hàng Clear-Men cạnh tranh quyết liệt với X-Men, với ngân sách quảng cáo khổng lồ lớn hơn 4 đến 8 lần.

Cũng giống như Highland Coffee, khi đứng trước những nguy cơ xấu có thể xảy ra, ông Công quyết định bắt với Marico để phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Bên cạnh đó, doanh nhân này là một trong số ít CEO của Việt Nam được sủng ái sau khi đã bán công ty cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chi phối. ICP là doanh nghiệp châu Á đầu tiên mà Marico mua cổ phần chi phối, và vì thế, cũng không lạ khi ông được mời giữ vị trí điều hành ở Đông Nam Á cho chính công ty này.

Diana bán lại cho Unicharm

Mặc dù bán Diana cho đối tác Nhật, nhưng ông Đỗ Anh Tú - người đồng sáng lập ra thương hiệu Diana vẫn giữ vai trò Tổng giám đốc cầm cương cho những giai đoạn sau

Ra đời từ năm 1997, Diana là thương hiệu băng vệ sinh Việt của Công ty Cổ phần Diana, do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với số vốn 600.000 USD. Diana nhanh chóng phát triển và trở thành thương hiệu có được thị phần lớn trên thị trường và cạnh tranh ngang hàng với Kotex ở hầu hết các dòng sản phẩm từ băng vệ sinh, đến tã bỉm Bobby, tã người lớn, khăn giấy…

Tuy nhiên, ở thời điểm đang tăng trưởng nhanh, với doanh thu 1.000 tỷ đồng năm 2010 thì bất ngờ vào năm 2011, Diana bán 95% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Unicharm với mức giá 194 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng). Nhiều người băn khoăn về thương vụ này, vì Diana vẫn đang trên đường “ăn nên làm ra” với mức tăng trưởng trung bình 30%/năm.

Nguyên nhân là do đối tác Unicharm sau thời gian đưa sản phẩm của Nhật như băng vệ sinh Sofy và tã giấy Mamy Poko vào Việt Nam không có được thành công nên đã quyết định tìm đến con đường M&A với Diana. Và anh em nhà họ Đỗ thì muốn đưa sản phẩm thương hiệu Diana ra toàn cầu. Bởi Unicharm khá mạnh ở những thị trường như Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc biệt, ở thời điểm đó, Unicharm chiếm đến 50% thị phần tại Thái Lan.

Mặc dù bán cho đối tác Nhật, nhưng ông Đỗ Anh Tú vẫn giữ vai trò Tổng giám đốc cầm cương cho những giai đoạn sau. Những chiến lược kinh doanh của Diana hầu như không có nhiều thay đổi. Đến nay, ông Tú vẫn tiếp tục với vị trí này với doanh thu tăng, đặt biệt lợi nhuận tăng gấp 28 lần so với thời điểm 2010.

Nguyễn Kim bán lại cho Central Group (Thái Lan)

Thương vụ M&A Nguyễn Kim đánh dấu bước mở đầu cho sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại lĩnh vực điện máy của nước ngoài vào Việt Nam.

Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vừa bán lại 49% cổ phần cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group. Điều này đánh dấu bước mở đầu cho sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại lĩnh vực điện máy của nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Nguyễn Kim được thành lập từ năm 1996 - cửa hàng chuyên nghành Điện tử - Điện lạnh tại số 6B Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Đến năm 2011, doanh thu của Nguyễn Kim đã đạt 400 triệu USD, tăng tưởng 30% so với năm 2010. Từ đây, Nguyễn Kim hướng đến tham vọng tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2015, tức là duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 30% đến 50%/năm

Ngay sau đó đã phải đối mặt với khó khăn do thị trường điện máy Việt Nam năm 2012 bất ngờ suy thoái ở mức âm 20%, và đến nay vẫn chưa hồi phục. Kết thúc năm tài chính 2013, doanh thu của Nguyễn Kim chỉ tương đương với năm 2011. Thị trường không có động lực tăng trưởng, nên để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra.

Central Group không phải là cái tên xa lạ. Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2011. Nhưng phải đến tháng 1/2015, Central Group nổi đình nổi đám với thương vụ thông qua Power Buy mua lại 49% cổ phần ở Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Điện máy Nguyễn Kim, người ta mới bắt đầu chú ý đến tên tuổi này.

Tính toán của Central Group khi chi ra 100 triệu USD để mua cổ phần ở Điện máy Nguyễn Kim là muốn tận dụng thế mạnh của cả hai để phát triển mảng bán lẻ, với định hướng chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử gia dụng hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á. Đây cũng là mục tiêu của Nguyễn Kim khi đề ra kế hoạch phát triển mạng lưới lên hơn gấp đôi, tức khoảng 50 cửa hàng vào năm 2019 cũng như đẩy mạnh doanh thu trực tuyến.

Nguyễn Chiêm
/Đô Thị Mới


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top