Aa

Cách Aha Cafe sống khỏe trong bão đóng cửa của The KAfe, Gloria Jean's

Thứ Hai, 24/04/2017 - 16:24

Bí quyết thành công được chủ chuỗi gói gọn trong hai tiêu chí: chất lượng và phát triển mô hình kinh doanh theo hướng chậm mà chắc. Đó là mỗi năm mở 1 cửa hàng, nói không với nhượng quyền, chỉ dùng nhân viên "ruột".

Những ai ưa thích cà phê ở Hà Nội có lẽ không còn xa lạ với cái tên Aha, chuỗi đồ uống chuyên phục vụ các món truyền thống như trà, cà phê và kem. Đây cũng là địa điểm được hoàng tử William ghé thăm trong chuyến công du 2 ngày tại Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái.

Nguyễn Mạnh Hà, CEO, nhà sáng lập Aha Cafe cho biết thương hiệu có mặt trên thị trường từ năm 1997 nhưng đến năm 2008 anh mới mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Sau gần 10 năm phát triển, Aha đã có tổng cổng 11 chuỗi cà phê, tập trung chủ yếu ở thị trường Hà Nội và 1 cửa hàng tại thành phố Hồ Chi Minh.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông chủ Aha, về những ngày đầu đi lên từ tay trắng để gây dựng Aha Cafe, bí quyết thành công và kinh nghiệm cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đồ ăn và đồ uống (F&B).

Ý tưởng thành lập Aha Cafe của anh xuất phát từ đâu?

Tôi có niềm đam mê với cà phê từ lâu. Ngay từ hồi năm nhất, năm hai đại học, tôi đã mua hạt cà phê về tự rang, xay rồi bỏ mối cho các cửa hàng để kiếm tiền đi học. Sản xuất dần đi vào bài bản và đến năm 1997 thương hiệu Aha Cafe xuất hiện trên sản phẩm.

Ngày ấy khách hàng vẫn hay uống cà phê tạp. Ví dụ với 1kg cà phê, chủ cửa hàng trộn thêm hương liệu vào để bán được tầm 60-70 ly mà vẫn đảm bảo độ đậm, độ sánh. Người kinh doanh thì ai chả muốn lợi nhuận. Nhưng tôi thì không muốn đi theo hướng ấy. Tôi muốn phát triển sản phẩm cà phê sạch và bắt đầu nghĩ đến việc phải mở cửa hàng để thuận lợi cho việc sản xuất của mình, ổn định đầu ra.

Năm 2008, tôi mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Phản hồi của khách về sản phẩm khá tốt nên sau đó tôi tự tin mở thành chuỗi.

Thời điểm nào chuỗi Aha phát triển mạnh nhất?

Thực ra không có thời điểm nào là mạnh nhất. Mỗi năm tôi lại mở thêm 1 cái, tổng cộng đến giờ đã là 11 cái, tập trung chủ yếu ở thị trường Hà Nội, trong đó có 1 cửa hàng đang hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được hơn 1 năm.

Đúng ra tôi có đam mê về sản xuất hơn là đam mê kinh doanh chuỗi, nhưng mình muốn tăng đầu ra thì mình phải mở thêm chuỗi. Còn hướng đi của tôi, điều tôi thực sự đam mê vẫn là sản xuất cà phê, trà và kem.

Các chuỗi nằm dưới quyền quản lý của anh hay hoạt động dưới hình thức nhượng quyền (franchise)?

Các chuỗi vẫn do tôi điều hành là chính, bên dưới là ekip của tôi, những người anh em đang làm việc cùng tôi. Tôi không franchise, không cổ phần rộng mặc dù có nhiều người cũng muốn franchise, muốn góp vốn. Tôi chỉ muốn làm việc nội bộ, ưu tiên ekip nhân sự của mình thôi. Tổng quản lý, quản lý từng cửa hàng, nhân viên sản xuất, nhân viên kho đều là người trong bộ máy của tôi.

Tại sao anh không thích nhượng quyền trong khi việc này giúp anh mở rộng mạng lưới và tăng danh tiếng cho thương hiệu?

Thực ra franchise nếu mà nhìn sâu sẽ có 2 mặt. Franchise có thể giúp chuỗi phát triển nhanh, rộng nhưng để quản lý thì không hề đơn giản. Nếu đi theo con đường ấy tôi không chắc sẽ đảm bảo chuỗi Aha phát triển bền vững. Tôi sợ uy tín thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng do mình không quản lý được chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chưa kể đến nhiều hệ lụy khác.

Cho nên, tôi không ham mở quá rộng, quá nhiều mà muốn đi theo con đường chậm mà chắc. Một năm tôi mở thêm 1 cái thì không sao, quan trọng là phải giữ được uy tín với khách hàng, và mình phải kiểm soát được mọi vấn đề của mình.

Aha Cafe tại 11 Hàng Khay, Hà Nội.

Aha Cafe tại 11 Hàng Khay, Hà Nội.

Một số người cho rằng kinh doanh dịch vụ cà phê chỉ cần vốn “khủng”, địa điểm đẹp, anh nghĩ sao về vấn đề này?

Cái đấy cũng đúng nhưng chưa đủ. Vì địa điểm đẹp là yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ thành công của một quán cà phê. Nhiều người làm chuyên sâu trong ngành dịch vụ còn nói: Có 3 yếu tố chính quyết định sự thành công của kinh doanh cà phê, đó là địa điểm, địa điểm và địa điểm. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần nhiều yếu tố khác như nhân sự, chất lượng sản phẩm, phong cách.

So với 10 năm trước đây, theo anh, thị trường ngành kinh doanh đồ uống tại Việt Nam có gì thay đổi không?

Thay đổi nhiều chứ. Bây giờ có một số thương hiệu cà phê nước ngoài hay quỹ đầu tư nước ngoài xâm nhập thị trường , họ đem theo mô hình mới, sản phẩm mới, tạo ra nhiều xu hướng mới hơn. Ngày xưa sản phẩm đơn thuần hơn. Nhưng tôi thì vẫn theo truyền thống và tập trung tối ưu để làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh có nhận thấy cạnh tranh trở nên khó khăn hơn không?

Khó khăn hơn đấy. Ví dụ bây giờ để tìm một mặt bằng kinh doanh tốt cũng khó hơn xưa. Nhưng cạnh tranh cũng làm mình trưởng thành hơn, có sức “đề kháng” hơn trước mỗi khó khăn.

Khó khăn lớn nhất anh đã gặp phải là gì?

Gần như việc gì cũng khó khăn hết. Ví dụ trong quá trình sản xuất, tôi phải nghĩ xem làm sao để tối ưu sản xuất mà vẫn cho ra sản phẩm chất lượng. Rồi chuyện quản lý chuỗi. Nếu kinh doanh theo mô hình gia đình, người nhà mình là người cầm tiền, quản lý, pha đồ thì rất dễ, nhưng khi làm việc theo chuỗi thì vấn đề khác hẳn. Mình không thể nào phân thân ra làm hết tất cả công việc ấy được.

Aha ngày xưa mở đơn thuần, như kiểu quán cà phê tự phát thôi. Nhưng giờ khi hoạt động theo chuỗi thì tôi luôn phải có giải pháp để làm việc sao cho tối ưu. Ví dụ như vận hành, tôi phải đặt riêng một công ty thiết kế phần mềm quản lý chuỗi cho quán, để khách hàng gọi đồ thế nào, mình phải phục vụ ra sao. Tôi cũng có riêng một kiến trúc sư trong ekip của mình để tối ưu về mặt thiết kế, bài trí cho từng cửa hàng.

Xe tải chuyên phục vụ đồ uống của Aha tại khu vực bờ hồ, Hà Nội.

Xe tải chuyên phục vụ đồ uống của Aha tại khu vực bờ hồ, Hà Nội.

Kế hoạch kinh doanh trong tương lai của anh là gì?

Hiện tôi chuẩn bị khai trương thêm 3 cửa hàng nữa, một ở Times Ciy (Hà Nội),1 ở phố sách (Đinh Lễ - HN) và 1 ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh).

Tôi muốn xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững để đi đường dài. Tôi đang đầu tư nâng cấp máy móc sản xuất cà phê, chuẩn bị cho sự bùng nổ trong tương lai. Tôi nghĩ rằng mình phải xây gốc trước rồi mới phát triển được thân và ngọn. Sự chuẩn bị quan trọng hơn sự phát triển. Giống như chặt một cái cây phải mất 4 ngày mài rìu cho sắc, còn 2 ngày chặt thôi. Nếu rìu cùn thì có chặt cả tuần chưa chắc đã được.

Như bây giờ việc phát triển nhiều quán có thể trong tầm khả năng của tôi, nhưng tôi muốn dừng lạị, chậm lại một chút để đầu tư nhà máy cho chuẩn, cung cấp đủ sản phẩm trước khi mở rộng số lượng chuỗi lớn hơn.

Theo anh nhân tố quyết định sự thành công của một chuỗi cà phê nằm ở đâu?

Vẫn là chất lượng sản phẩm. Chất lượng là yếu tố cốt lõi.

Hiện nay có một số bạn trẻ cũng bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cà phê và đã thất bại. Theo anh nguyên nhân do đâu?

Như tôi đánh giá là vì các bạn chưa hiểu được cái cốt lõi của ngành dịch vụ. Tôi phân tích thế này: trong mấy yếu tố về mặt bằng, chất lượng sản phẩm, nhân sự, phong cách, các bạn phải chọn một yếu tố làm thế mạnh cho mình. Còn các yếu tố khác cũng phải đạt yêu cầu, kém nhất là 5 điểm trở lên. Ví dụ một số quán yếu tố cốt lõi là phong cách, còn ở Aha cốt lõi là chất lượng sản phẩm.

Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ có dự định kinh doanh cà phê không?

Quan trọng là các bạn phải yêu thích, phải có đam mê. Nếu chỉ làm để kiếm tiền mà không yêu thích thì sẽ chán ngay thôi, thất bại khi đó chỉ là ngày một ngày hai. Có yêu thích mới có động lực để vượt qua khó khăn và làm việc quên mệt mỏi.

Đấy là mấu chốt. Còn tiếp theo là phải có đủ trải nghiệm, có kinh nghiệm thực tế chứ không phải chỉ đọc sách dạy mở cà phê là mở được ngay đâu. Có vấp váp, thất bại thì mới trưởng thành, mới lớn lên được.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top