Aa

Lễ giao thừa: Cách bày Lễ và văn khấn mới

Thứ Tư, 10/02/2021 - 06:00

Văn hóa của tổ tiên chúng ta qua mấy ngàn năm hoàn thiện, truyền lại, đã bị mất mát đi nhiều. Lễ là để tạo ra sự chân thành sâu lắng cần cho việc sửa mình.

Ý nghĩa Lễ cúng Giao thừa

Có Tết thì có Lễ Tết. Trong Lễ Tết thì lễ giao thừa là quan trọng nhất. Đến nay, dân tộc đã đi qua sau 5.000 năm, tuy thế, vì nghiệt ngã của chiến tranh xâm lược từ phương Bắc của người Hán, vì sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học đến từ phương Tây và gần đây nhất, vì nhiều cuồng tín phát sinh, mà những điều thuộc về Lễ đã bị biến dạng. 

Văn hóa của tổ tiên chúng ta qua mấy ngàn năm hoàn thiện, truyền lại, đã bị mất mát đi nhiều. Lễ là để tạo ra sự chân thành sâu lắng cần cho việc sửa mình. Sửa mình là để giao tiếp với người thành công. Và giao tiếp được với người trong Lễ mới mong được người người thuận cùng mình.

Nhưng nay, Lễ là một giá trị rất lớn trong sinh hoạt văn hóa của người Việt chỉ còn nhiều sự tùy tiện, ai hiểu sao thì làm vậy. Và tai hại hơn hết, gần đây, vì sự quay lại với Lễ, với đức tin vào đời sống tín ngưỡng, sự nổi lên của một bộ phận gọi là “thầy phong thủy”, càng làm biến dạng một cách đáng báo động về đời sống tín ngưỡng của người dân.

Từ những năm tháng bỏ đi lễ tục xưa, từ những tháng ngày quên lãng, từ những nhận thức ấu trĩ về Lễ, về tín ngưỡng và tôn giáo một thời, ưu tiên cho chiến tranh, ưu tiên cho lao động, ưu tiên cho niềm tin vào vô thần, đến khi trở lại, dựng lại niềm tin đã mất chúng ta trên nền “truyền miệng”. Tai hại là ở đó truyền đi.

Chúng tôi chưa có thời gian chuyên sâu, nhưng xin góp một phần rất nhỏ, từ hiểu biết của mình, xin gởi đến quý độc giả bài viết này để quý vị nắm được phần nào về Lễ Giao thừa, cách bày Lễ và văn sớ khấn nguyện. Hy vọng bước vào năm mới chúng tôi đi sâu hơn về vấn đề này để cống hiến cho quý vị một cái nhìn toàn cảnh và hiểu biết chính xác về lễ Tết.

Chúng tôi chia phần hướng dẫn ra làm 4 phần: 

Phần l: Bài trí và soạn Lễ mâm cổ giao thừa; Phần II: Văn khấn để chúng ta có thể thay cho tất cả, bằng tấm lòng thành có thể khấn trước các Lễ.

Phần I: Cách bày mâm cỗ Giao thừa

Cách 1

A - Cách bày bàn Lễ

Đây là cách đúng khi thiết một mâm Lễ, đó là bao giờ cũng phải có ban thượng và ban hạ. Ban thượng dành cho Thần linh, vị Thần chính trong Lễ mình muốn cúng. Ban hạ là những tùy tùng bộ hạ của vị thần đó. 

Có thể để một cái bàn lớn trong nhà thường dùng, đặt lên đó một cái mâm nhôm hoặc mâm đồng kê dưới 3 cái chén làm chân, thế là chúng ta có một bàn thượng. Những thứ đặt trên bàn, dưới và quanh cái mâm là bàn hạ. 

B - Nơi đặt bàn Lễ.

Tục xưa của cha ông chúng ta, Tết đến, cúng giao thừa chính là cúng Lễ “tống cựu nghinh tân”.

Người Việt quan niệm đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Nhất nhất vạn vật đều có chủ, nghĩa là có một vị thần cai quản, làm chủ. Vận hành năm tháng bốn mùa cũng có các vị thần. Vì vậy mâm Lễ phải đặt ngay trước thềm hiên nhà, ngay chính giữa và mặt xây ra ngoài trời. 

C - Cách bày Lễ vật

Lễ vật của giây phút giao thừa tuyệt đối không được dùng Lễ mặn. Chúng ta muốn trời đất giao hoà, chúng ta muốn có vượng khí, chúng ta muốn có sự linh diệu cát tường, thì phải tránh ngay chuyện máu thịt động vật tế lễ. (Thường ở nơi đâu có máu xương loài vật và sự chết chóc thì dễ hấp dẫn ác quỷ và hung thần nhiễu hại). 

Giờ khắc trời đất chuyển giao, là thời khác thuộc về thanh khí. Đó là lúc năng lượng của khí đang đi lên hướng thượng, rất tốt để hấp dẫn điều cát tường như ý. Bụt Thích Ca Mâu Ni cũng trong khoảng thời khắc khi sự chuyển giao đã lên đến điểm cân bằng, đó là lúc sao mai vừa lộ mà đạt đến trạng thái giác ngộ. Giữa nhân gian có trược khí và thanh khí, có chiều hướng thượng và hướng hạ. Vì vậy Lễ vật cố gắng soạn Lễ thanh khiết.

Ai cũng biết câu chuyện cây nêu. Trong câu chuyện cây nêu nói lên việc quỷ ăn rau củ. Và người Việt nhờ Bụt mới đuổi được quỷ ra biển Đông. Và dưới sự van xin của quỷ, con người có thương lượng với quỷ một năm chỉ cho phép quỷ được trở lại vào dịp Tết để thăm viếng, nhưng nhìn thấy nơi nào có dấu hiệu cây nêu thì không được đặt chân đến phá hoại.

Ban thượng gồm có 1 đĩa trái cây (5 loại có 5 màu, trái cây gần gũi với vườn quê Việt), 1 đĩa hoa, 3 đĩa chè 2 đĩa xôi loại nhỏ, 1 cốc nước trong, 1 cốc rót rượu và 1 cốc rót trà. 1 đĩa cau trầu. 12 ngọn nến nhỏ (nến để trong cái cốc để không bị gió thổi tắt). 1 cốc để gạo dùng làm bát hương thắp. Hương 3 nén, 5 nén, 12 nén hoặc 18 nén.

Ban hạ cũng gồm như trên, có thêm 2 đĩa muối gạo, thêm bánh trái và hoa quả nhiều hơn. Đây là mâm cho những vị tùy tùng bộ hạ của thần linh.

Cách 2

Tất cả là tùy thuộc ở tấm lòng thành và tùy nghi không gian nhà mình. Chỉ có một bàn. Nhưng nhớ để cao, không được để trên 1 cái ghế thấp sơ sài quá. Lễ gồm 1 khay lớn để nải chuối và 5 loại hoa quả trên đó đặt chính giữa. 1 đĩa hoa, 1 đĩa quả, 1 cốc nước trong, 1 cốc rượu, 3 chén chè 2 đĩa xôi, thêm bánh kẹo tùy ý, 1 cốc gạo thay làm bát hương. 12 ngọn nến, 1 đĩa cau trầu. Có thể cắm hương vào trên mâm quả hoặc xông trầm thơm.

Phần II: Văn khấn

Văn Khấn 1: Khấn trước Tam Bảo và Tổ tiên.

Ngưỡng nguyện: Phật pháp tăng tam bảo có mặt khắp mười phương thương tưởng chứng giám!

Ngưỡng nguyện: Việt Nam vạn cổ anh linh, hồn thiêng sông núi, tiên hiền liệt thánh, minh quân đế chúa, văn quan võ tướng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, có công đóng góp, khai canh lập ấp, dựng làng mở nước, trải dài 5.000 năm lịch sử bách tính anh linh chứng giám!

Ngưỡng nguyện: Hết thảy chư vị thiện thần khắp hết nhân gian hộ vệ những người làm lành chứng giám!

Nay đúng thời khắc giao thừa thiêng liêng, tiển năm cũ Canh Tý, đón năm mới Tân Sửu, chúng con kính cẩn dâng Lễ lên Tam Bảo, dâng lên Hồn Thiêng sông Núi Anh Linh dân Tộc, dâng lên chư vị Tôn Thần, dâng lên Tổ Tiên, xin chứng nhận mà độ trì ban ơn che chở!

Kính nghe!

Tự thủa Vua Hùng

Dựng nước Văn Lang

Rạng danh Lạc Việt 

Đạo Thờ Tổ Tiên

Truyền đến hôm nay

Năm ngàn năm qua

Văn mình nòi giống

Tứ đó khơi dòng.

 

Là người con Việt

Là người có Đạo

Con nguyện tri ân

Lễ kính cúng dường

Trước dâng lên Bụt

Các bậc sư tổ

Đã đem đạo vàng

Truyền vào nước con

Đời đời nối nhau

Hơn hai ngàn năm

Phát huy sự nghiệp

Giúp nước giúp dân.

 

Kế đến là ơn 

Tiên hiền liệt thánh

Chư vị tôn thần

Anh minh che chở.

Trước khói hương thơm

Không quên nhớ ơn

Anh hùng liệt nữ

Vị nước quên mình.

Con nguyện ghi ơn 

Tiên Tổ nội ngoại

Ông bà cha mẹ

Nhiều đời quá vãng.

 

Giờ phút thiêng liêng

Cung Nghinh Tân Xuân

Tân Sửu Minh Niên

Thiết Lễ cúng dường

Dâng Phật Thánh Thần 

Hồn thiêng sông núi

Anh linh dân tộc

Bách tính Đại Việt.

Nghinh xuân đoàn tụ

Con cháu lạc hồng

Uống nước nhớ nguồn

Tận hiếu tận trung

Trước án hương thiêng

Cúi đầu kính Lễ

Nguyện xin chứng giám

Độ trì ban ơn! 

 

Văn Khấn 2: Khấn Lễ tống cựu nghinh tân (Lễ Giao thừa) 

Nay giờ khắc thiêng liêng

Phút giao thừa mầu nhiệm

Con thành tâm thiết Lễ

Lễ tống cựu nghinh tân

Nguyện khói hương thơm này

Cùng ánh nến rực sáng

Và hoa quả phẩm vật

Từ lòng con thanh tịnh

Dâng lên cúng Thiện thần

Đức Hành Khiến năm cũ

Đức Hành Khiến năm mới

Canh Tý và Tân Sửu

Cúng các vị Hành binh

Các Phán quan thùy tùng

Chư quỷ vương sứ giả

Có mặt cùng thọ hưởng

Xin chứng cho lòng con

Mà nhận Lễ phẩm này!

 

Chúng con ở nơi đây

Tại số nhà………….

Giờ phút này quý báu 

Lòng biết ơn tràn dân

Không quên niềm thương tưởng

Nhớ ân đức cao dày

Của tiên hiền liệt thánh

Bậc Quân chủ, khanh tướng

Người trí dũng anh tài

Và muôn vạn con dân

Của non sông Đất Việt

Đã vì nước quên mình

Gìn giữ vững biên cương 

Từ đất liền, hải đảo

Móng Cái đến Cà Mau

Để vẹn nòi Rồng Tiên

Để chung giống Lạc Hồng

Trọn nên nghĩa Đồng Bào

Đạo đức và truyền thống

Hiếu nghĩa và yêu thương.

Hương hoa quả nến đèn

Tâm thành lời khấn nguyện

Xin chứng giám tấc lòng

Mà độ trì ban ơn

Cho gia đình dòng họ

Cho thế hệ tương lai

Hưởng no ấm thanh bình

Được hanh thông công việc

Đạt thành trong ý nguyện.

Con nguyện luôn nỗ lực

Nâng cao tầm hiểu biết

Thực hành các việc thiện

Mở rộng lòng yêu thương

Chung tay góp sức mình

Tạo an lạc hạnh phúc 

Cho con và tất cả.

Cúi đầu trước chư vị 

Tri ân và kính Lễ!

Am Thụy Ứng, tháng Chạp năm Canh Tý. 

Lưu ý: Quý vị chú ý, sau khi đọc kỷ, nên chép cẩn thận 2 văn khấn này ra giấy vàng. Đó được xem như 1 tờ Sớ để sau khi đọc xong ta hóa cùng giấy tiền vàng. Vì chúng tôi đã soạn lời văn khấn này rất tâm huyết. Nên xin quý vị hãy thực hiện điều này tâm huyết trang trọng với sự cẩn tín nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top