Aa

Tiếng vọng giao thừa trên sông

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 06:00

Bao nhiêu năm sống trên sông nước, căn nhà thuyền nhỏ bé nhà tôi không bao giờ có tiếng pháo đón giao thừa. Chúng tôi đón giao thừa từ tiếng pháo báo sang xuân trong làng vọng lại...

Ngày ấy, gia đình tôi còn lênh đênh trong căn nhà thuyền chật chội và nhỏ bé. Ngay từ chiều tối ngày Ba mươi, khi trong các làng ven sông, tiếng nổ đì đẹt của mấy tràng pháo tép đón xuân sớm của lũ trẻ trâu là cha tôi đã bảo cả nhà nhổ neo đẩy thuyền lên khúc sông trên, nơi cồn nổi để đậu.

Không phải cha tôi là người không thương con. Ông thương chúng tôi theo cách riêng của mình. Mỗi khi chúng tôi làm đúng việc gì, ông cười rất tươi, bảo mẹ bắt con cá to nhất, ngon nhất đem om dưa, rồi trong khi vừa nhâm nhi chén rượu, cha kể cho chúng tôi nghe về dòng họ, ông bà, tổ tiên. Sáng hôm sau, ông cho mấy anh em lên bờ vào chơi chợ. Ông là cái mái nứa che chắn cho gia đình, là chiếc bê chèo, dây lèo để giữ cho con thuyền của gia đình không tròng trành, không bão gió. 

Về sau này, khi chúng tôi đủ lớn, chúng tôi mới hiểu vì sao cha tôi thường đưa cả nhà tránh lên vùng cồn nổi mỗi khi giao thừa đến. Làm nghề sông nước, ăn nước sông, uống nước sông, sống nhờ con cá con tôm dưới sông, chết nhờ con sông giấu mồ giấu mả, nên con người sống trên sông cũng phải biết sống vì sông. Đốt pháo vừa phí tiền, vừa làm cho cá thấy động tìm đi khúc sông khác. 

Cha tôi thường đưa cả nhà tránh lên vùng cồn nổi mỗi khi giao thừa đến... (Ảnh minh họa: Internet)

Đất có thổ công, sông có hà bá. Sống trên sông nước mà không biết kiêng biết giữ thì tai bay vạ gió sẽ đổ ập xuống đầu. Ông thường nói với chúng tôi, làm một việc sai, dẫu có giấu được mọi người thì trời vẫn biết, đất vẫn biết, thậm chí có giấu được trời đất thì quỷ thần hai vai vẫn biết. Cũng chính vì thế mà bao nhiêu năm sống trên sông nước, căn nhà thuyền nhỏ bé nhà tôi không bao giờ có tiếng pháo đón giao thừa. Chúng tôi đón giao thừa từ tiếng pháo báo sang xuân trong làng vọng lại.

Khi tiếng pháo báo giao thừa trong làng vọng ra, cũng là lúc mẹ tôi lụi cụi sắp lễ năm mới nơi đầu thuyền. Chúng tôi túm tụm ở khoang đuôi đứng hóng về bốn hướng, nghe tiếng các loại pháo thi nhau đì đùng nổ. Tiếng pháo tép lép ba lép bép như tiếng cá đớp chân bèo. Tiếng pháo cối lục bục chẳng khác gì bầy cá bị cha tôi bắt được thả trong lòng thuyền mỗi khi nước cạn. Tiếng pháo lệnh đùng đoàng như sấm, vang vọng, âm âm u u kéo dài như tiếng hú rồi vỡ oà ra. Xen vào tiếng các loại pháo là những vệt sáng xé màn đêm của những cây pháo thăng thiên. Mỗi khi lên cao hết tầm, chúng nổ lẹt đẹt vãi vào không gian những đốm hoa nhỏ li ti, như ai đó đem phấn hoa cải thường thấy trên bờ rắc vào đêm lấp lánh.

Cũng lúc ấy, cha tôi rời nhà thuyền, tháo dây, một mình lên chiếc thuyền con dùng để thả lưới chèo đi. Ông đi thả mẻ lưới cầu may đầu năm. Trong khi chờ cho những cây nhang cháy, mẹ chui qua khoang ra phía đuôi cùng chúng tôi. Bà ngồi xuống sàn, mắt không nhìn lên trời mà dõi về phía cha đi, tai ngóng tiếng bơi chèo gõ mạn từ phía cha vọng lại. Nghe tiếng gõ khua cá từ thuyền cha, có khi mẹ buồn, có lúc mẹ vui, có nhiều lần, nghe tiếng gõ mạn thuyền, mẹ cười. Nhưng cũng có đôi ba lần nghe xong mẹ thở dài, tiếng thở dài bị nén lại nên hơi thở càng dài.

Ảnh minh họa: Internet

Khi tiếng gõ khua cá vọng lại nghe lanh tanh tanh, lanh tanh tanh rộn ràng, rổn rảng, nhịp nhanh, dồn dập, tôi thấy mẹ rất vui. Những nét vất vả, lo toan vì gia đình giãn ra, trông mẹ trẻ lại đến mấy tuổi. Khi tiếng khua nghe cạch cạch, từng tiếng khô khốc, rời rạc, cách quãng, nét mặt mẹ rất buồn. Hôm nào, tiếng khua cá vọng lại nghe lục bục, lục cục, nhấm nhẳng, mẹ thường thở dài. Để tránh tiếng thở dài khi bên chúng tôi, mẹ thường kéo chiếc khăn diềm bâu, chít mỏ quạ buộc trên đầu che ngang mặt. Mẹ lặng lẽ để mấy anh em tôi ở lại, chui vào trong khoang ngồi chờ cha trở về. Mái tóc mẹ xổ xuống, chảy dài, tràn mặt sạp. Dẫu mẹ có lo lắng thế nào, khi trở về, nét mặt cha luôn vui. Buộc dây giữ con thuyền vào chiếc cọc chèo xong, cha thường giục mẹ đem các thứ vừa thắp hương rồi gọi chúng tôi vào cùng ăn, hưởng lộc đầu xuân.

Sau này, khi nhà tôi chuyển lên bờ, vào phiên chợ Ba mươi Tết, cha thường nhắc mẹ mua cho chúng tôi bánh pháo để đốt lúc giao thừa. Nhưng cũng từ đấy, tôi không bao giờ còn được nghe tiếng gõ khua cá đầu xuân, lúc giao thừa cầu may của cha. Vào đêm giao thừa, tôi thường hóng về phía sông, lắng nghe tiếng bơi chèo khua cá cầu may. Những tiếng gõ lanh tanh tanh, lanh tanh tanh rộn ràng, rổn rảng, dồn dập tôi vẫn như thấy đâu đây.

Thời gian bóng câu, sông vẫn đấy, bến vẫn đấy, tiếng vọng nhịp khua cá giao thừa cầu may nay đã ở đâu?  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top