Aa

Cách chọn vị trí đặt ban thờ để đón tài lộc theo thuyết Âm Dương, Ngũ hành

Thứ Hai, 04/06/2018 - 06:01

Chọn hướng đặt ban thờ là để đón khí tốt, tránh khí xấu. Nhưng vận khí đó có phát huy được không hay bị khắc chế lại liên quan đến Âm Dương – Ngũ hành. Tiếp theo việc chọn hướng theo tuổi, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách chọn vị trí đặt ban thờ để đón tài lộc.

Thông thường, vị trí đặt ban thờ luôn được các gia đình hết sức chú trọng nhằm thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với tổ tiên. Đồng thời, nếu biết cách bố trí ban thờ hợp âm dương ngũ hành sẽ mang lại tài lộc, may mắn, thịnh vượng cho gia đình và hóa giải những bất lợi do phong thủy thất cách.

Hướng ban thờ và hướng nhà

Theo phong thủy, hướng tốt tính theo tuổi gia chủ thì phương án tối ưu cho nhà ở là tọa cát hướng cát (hướng là phía trước căn nhà hoặc ban thờ và tọa là phía sau lưng – xem các bài trước). Trong khi đó, vị trí đặt ban thờ như bài trước chúng tôi đã đề cập tốt nhất cũng là tọa cát hướng cát. Do đó, trong đa số trường hợp, khi đã chọn được hướng nhà hợp phong thủy thì hướng tốt cho ban thờ cũng chính là hướng nhà vậy. Điều đó cũng lý giải cho việc đa số các gia đình ở nông thôn thường đặt ban thờ cùng với hướng nhà, quay mặt ra hướng cửa chính; hay nói cách khác là ban thờ đối diện với cửa ra vào là vì vậy.

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn và thậm chí cả ở nông thôn hiện nay, nhà cửa thường bám dọc theo mặt đường nên không phải hướng nhà của người nào cũng đều phù hợp với tuổi của người đó. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn nên xác định Thiên mệnh của chủ nhà để chọn hướng ban thờ cho hợp với phong thủy.

cách chọn vị trí đặt ban thờ để đón tài lộc

Ban thờ vốn rất quan trọng đối với văn hóa và phong tục người Việt. Ảnh minh họa.

Mặt khác, cũng vì lệ thuộc vào quy hoạch và vị trí của cuộc đất mà có khi căn nhà chọn được hướng tốt nhưng chưa chắc đã là tối ưu (tức là được cả hướng và tọa) mà có khi chỉ được hướng tốt. Trong khi đó, việc chọn vị trí đặt ban thờ chỉ là trong phạm vi căn nhà, căn hộ, do đó gia chủ toàn quyền chủ động trong không gian của mình nên hoàn toàn có thể chọn được cả hướng và tọa tốt mà không nhất thiết cứ phải theo hướng nhà.

Lời khuyên ở đây tốt nhất vẫn là cứ chủ động chọn vị trí đặt ban thờ để được phương án tối ưu, tức là được cả hướng và tọa tốt; nếu không được như thế mới đến phương án thứ hai là chỉ chọn được hướng tốt và phương án thứ ba là ít nhất cũng được tọa tốt.

Ban thờ vốn rất quan trọng đối với văn hóa và phong tục người Việt. Khi làm nhà hay chuyển đến nhà mới, vấn đề đầu tiên mà gia chủ quan tâm là vị trí đặt ban thờ. Chính vì thế, trong các số vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu khá kỹ về việc chọn hướng đặt ban thờ theo tuổi của gia chủ. Kỳ này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách chọn vị trí đặt ban thờ theo âm dương ngũ hành để đón tài lộc và hóa giải những điều xấu khi hướng nhà không hợp cách.

Thuyết Âm - Dương, Ngũ hành

Để các bạn hiểu được bản chất vấn đề và lý giải theo khoa học, trước khi đi vào cụ thể, chúng ta hãy làm quen với các khái niệm của văn hóa phương Đông, đồng thời cũng là các phạm trù quan trọng trong phong thủy: Âm – Dương, Ngũ hành.

Nói đến khoa học tâm linh phương Đông thì không thể không đề cập đến thuyết Âm - Dương, Ngũ hành; thậm chí còn có thể coi đây là cơ sở, nền tảng trong các môn Kinh Dịch, Tử vi, Tứ trụ, Ngũ linh…

Theo triết học phương Đông, vũ trụ ban đầu ở trong trạng thái hỗn độn nhưng là một thể thống nhất gọi là Thái cực. Từ Thái cực mới sinh ra Lưỡng nghi gọi là Âm và Dương. Âm và Dương là thuộc tính tồn tại trong mọi hiện tượng, sự vật…

Ví dụ: Trời là Dương, Đất là Âm; nam là Dương, nữ là Âm; ánh sáng là Dương, bóng tối là âm; số lẻ là Dương, số chẵn là Âm… Âm – Dương là hai mặt đối lập nhưng thống nhất, biến đổi không ngừng và có thể chuyển hóa cho nhau, trong Dương có Âm và trong Âm có Dương. Trong Kinh Dịch, quái Càn là Dương, quái Khôn là Âm và từ Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng (gồm: Thái dương, Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm), từ Tứ tượng mới sinh ra Bát quái (gồm các quái: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn) và Bát quái lại biến hóa ra 64 Trùng quái.

Hình Âm Dương và Tứ tượng: Trong vòng tròn là Thái cực, trong đó có bao bọc Lưỡng nghi (màu trắng là Dương, màu đen là Âm). Quan niệm trong Dương có Âm và trong Âm có Dương được biểu thị bằng việc trong hình trắng, tức Thái Dương đã xuất hiện hình tròn nhỏ màu đen – tức Thiếu Âm, và trong hình đen, tức Thái Âm đã xuất hiện hình tròn màu trắng, tức Thiếu Dương.

Để bổ sung và hoàn thiện thêm thuyết Âm – Dương, người xưa còn phát minh ra thuyết Ngũ hành. Theo duy vật cổ đại, thế giới do 5 yếu tố ban đầu tạo nên là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại. Đó chính là Ngũ hành gồm 5 hành Thủy, Hỏa, Thổ, Mộc và Kim. Điểm căn bản trong thuyết Ngũ hành là quy luật sinh khắc, tức là mỗi hành có thể sinh khắc hành khác và ngược lại, các hành khác cũng sinh khắc nó. Quy luật tương sinh là: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy; quy luật tương khắc là Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy. Trong quan hệ sinh khắc lại còn có các quy luật chế hóa hoặc tham sinh quên khắc… chúng tôi sẽ kết hợp giới thiệu trong các bài hướng dẫn cụ thể về sau.

Quan hệ biểu thị quy luật Sinh khắc của Ngũ hành.

Quan hệ biểu thị quy luật Sinh khắc của Ngũ hành.

Thuyết Âm - Dương, Ngũ hành với việc đặt ban thờ

Như trên đã nói, Âm dương, Ngũ hành là học thuyết của người cổ đại nhưng có tính duy vật biện chứng rất cao. Cốt lõi của học thuyết này thực chất chính là quy luật đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập của học thuyết duy vật biện chứng hiện đại. Với các thuộc tính căn bản và quy luật vận động, chuyển hóa, thuyết Âm - Dương, Ngũ hành được biểu hiện trong toàn bộ các mối quan hệ cũng như quy luật tồn tại và phát triển của cả thế giới tự nhiên và xã hội, từ thế giới vĩ mô đến vi mô.

Trong khoa học phong thủy, người ta cũng vận dụng các thuộc tính và quy luật biến đổi, chuyển hóa, sinh khắc của Âm dương, Ngũ hành để bố trí từ đô thị, khu dân cư, đến nhà cửa, không gian nội thất… sao cho hài hòa, vận khí lưu chuyển tốt nhất, đồng thời khắc chế những điểm bất lợi… nhằm mang lại tài lộc cho gia chủ.

Ban thờ cũng không ngoại lệ. Tiếp theo việc chọn hướng theo tuổi gia chủ, ta phải căn cứ vào thuộc tính (Âm hay Dương) và ngũ hành (thuộc hành nào) để chọn vị trí cũng như sắp đặt cho phù hợp với tính chất Âm – Dương cũng như vận dụng quy luật sinh khắc của Ngũ hành để ban thờ mang lại vận khí, tài lộc cho gia chủ.

Theo phong thủy, về ngũ hành thì ban thờ thuộc hành Hỏa (có một chút thuộc cả hành Mộc), tuy nhiên, trường khí của ban thờ lại mang tính Âm. Vì vậy, ta phải căn cứ vào thuộc tính của Âm để đặt ban thờ nơi yên tĩnh, cũng như căn cứ vào tính chất của hành Hỏa để xác định mối tương quan sinh khắc, từ đó chọn vị trí ban thờ để sao được tương sinh và tránh xa những vật tương khắc. Nội dung cụ thể của vấn đề này chúng tôi xin trình bày chi tiết trong kỳ sau./.

Khi xây nhà hay đi mua nhà, bạn đang băn khoăn trong việc chọn hướng nhà, hay loay hoay tìm vị trí đặt bàn thờ, chọn hướng cho bếp đun cũng như bố trí các phòng, nội, ngoại thất cho ngôi nhà? Bạn cũng không biết kê bàn làm việc hay đặt két bạc như thế nào để đem lại nhiều tài lộc? Hoặc chọn màu xe, màu nội thất thế nào cho hợp với tuổi của bạn?...

Tất cả những băn khoăn đó sẽ được các chuyên gia phong thủy giải đáp và hướng dẫn cho bạn một cách cụ thể và dễ hiểu, dễ áp dụng trong mục “Phong thủy ứng dụng”.

Bạn cũng có thể gửi các câu hỏi về từng tình huống, kèm theo các thông tin về giờ, ngày, tháng, năm sinh và phương hướng mảnh đất, căn nhà, căn phòng…, các chuyên gia phong thủy của chúng tôi sẽ tư vấn một cách cụ thể.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top