Cách mạng công nghệ hóa giải “ma trận” thông tin ngành bất động sản

Cách mạng công nghệ hóa giải “ma trận” thông tin ngành bất động sản

Thứ Tư, 02/08/2023 - 15:15

Hoạt động của thị trường bất động sản thời gian qua được xem là thiếu tính ổn định, chưa được kiểm soát tốt do còn thiếu hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản. Điều này là nguyên nhân tạo cơ hội cho các hành vi “lừa đảo” trong giao dịch bất động sản, giới đầu cơ dễ dàng lợi dụng đẩy giá thu lợi bất chính, làm xuất hiện các cơn sốt đất gây tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” bất động sản,…

Thực tế là, để người dân có thể tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch chi tiết, cơ sở hạ tầng xây dựng, tiềm năng phát triển đô thị rất khó. Đa phần người dân đều không biết cách kiểm tra thông tin bất động sản ở đâu, nơi nào, mà đa phần chủ yếu dựa vào lời giới thiệu, mua theo phong trào.

Các chuyên gia cho rằng, quy mô của thị trường bất động sản ngày càng lớn mạnh, nhanh chóng, còn các nhà đầu tư tại Việt Nam thường có xu hướng đầu tư theo tâm lý đám đông. Do đó, việc quản lý đất đai đòi hỏi phải càng chặt chẽ hơn, tuy nhiên chúng ta lại chưa xây dựng được hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai, nhà ở đầy đủ, thiếu tính thống nhất, chưa công khai,… chính vì vậy mà giá đất trên thị trường thời gian qua chưa phản ánh đúng giá trị thực.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, nhà ở của Việt Nam là một trong những cản trở khi xác định giá đất do thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hệ thống đánh giá nhà đất cũng chưa có. Để thực hiện được cũng là điều rất khó, nhưng nếu làm được thì sẽ bổ trợ cho việc định giá đất chính xác và công tác thực hiện đánh thuế bất động sản được hiệu quả.

“Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin bất động sản nếu không được xây đựng đầy đủ thì rất khó tạo đủ điều kiện để xác định giá đất một cách chuẩn xác, cũng như áp dụng cho các phương pháp định giá đất của các cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất. Vì vậy, đây là một trong những vấn đề cấp thiết của thị trường hiện nay cần nhanh chóng thực hiện”, ông Long nhận định.

 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam chính là việc thiếu hụt thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai khiến cho hàng loạt các dự án bất động sản không đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, nhiều bất động sản chưa đủ điều kiện vẫn được rao bán công khai hàng loạt trên thị trường, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển chung và mang đến rủi ro cho người dân.

“Minh bạch thông tin là vấn đề hết sức quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam, đang trở thành xu thế toàn cầu hóa, mang lại sự cạnh tranh lành mạnh và giúp mở rộng quá trình thu hút vốn đầu tư và giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh bất động sản”, ông Đính cho biết.

Về phía chính quyền địa phương, UBND thành phố Hà Nội cũng đã thừa nhận, việc xác định giá đất còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hệ thống dữ liệu về bất động sản chung do cơ quan nhà nước xây dựng và được cập nhật thường xuyên, chính thông. Điều này gây nên khó khăn khi tìm thông tin, khai thác dữ liệu để xây dựng phương án giá đất.

 

Hiện nay, hệ thống dữ liệu thông tin đất đai phần lớn vẫn quản lý theo phương thức truyền thống, mất nhiều thời gian để tra cứu, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan đến giá và thị trường bất động sản cũng chưa được cập nhật liên tục, tiến độ thực hiện còn rất chậm, gây khó khăn cho cho công tác quản lý cũng như khó khăn nếu người dân muốn tiếp cận được.

Do đó, chỉ có chuyển đổi số trong giai đoạn này mới giúp thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để thay đổi cục diện và phát triển theo hướng ổn định đúng như phương châm của chính phủ đề ra. Chuyển đổi số bất động sản sẽ phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện trong xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, đồng thời đảm bảo các nguồn lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai. Khi đó, người dân có thể dễ dàng truy cập tra cứu thông tin, góp phần làm minh bạch, ổn định và phát triển bền vững thị trường.

 

 

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, thông tin trong lĩnh vực bất động sản hiện nay giống như “lò bát quái” có thông tin thật, thông tin giả, thông tin nhiễu gây ảnh hưởng nghiêm trọng các hoạt động trong bất động sản. Trước thực trạng này, có thể thấy rằng thông tin chính là phương thức dùng để giao dịch mua bán bất động sản, do đó nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với người mua, người bán để xem các dự án có đầy đủ pháp lý hay không.

“Hiện nay, bước vào thời đại công nghệ 4.0, mọi hoạt động trong đời sống đều đã áp dụng nền tảng số và ngành bất động sản cũng không ngoại lệ. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động bất động sản không chỉ giúp việc định giá đất một cách hiệu quả mà những thông tin về quy hoạch, dự án, giá mua giá bán,… đều được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác cho khách hàng, người bán và cả các ngân hàng nắm bắt được, kiểm soát được thông tin minh bạch”, ông Long nhận xét.

Tương tự, TS. Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, chúng ta có thể tích hợp sử dụng công nghệ để đưa ra các chỉ số về đất đai, nhà ở và có những giao dịch giống như thị trường chứng khoán có chỉ số hàng ngày. Dựa vào đó, để chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng và nắm bắt được thông tin về giá nhà, giá đất, số lượng giao dịch,… để kiểm soát thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì phải xây dựng bộ thông tin dữ liệu đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy.

 

Bài toán về minh bạch dữ liệu của thị trường bất động sản không chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước, mà các hiệp hội, doanh nghiệp đều có thể chủ động tiên phong xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai một cách độc lập để Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có thể sử dụng. Trong đó, các doanh nghiệp có thể kết hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu xây dựng bộ chuẩn mực thông tin giúp các nhà đầu tư dựa vào những số liệu đó để đầu tư, xuống tiền hiệu quả, tránh những rủi ro.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực bất động sản giúp người dân dễ dàng tra cứu các thông tin sản phẩm, các phân khúc trên thị trường. Thế nhưng, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân sự có trình độ, năng lực cao và các doanh nghiệp có nguồn lực lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ chuyên môn.

 

“Hiện nay, chúng ta vẫn đang ở những bước đầu, do vậy cần sớm áp dụng các công cụ kỹ thuật chuyển đổi số để Nhà nước dễ dàng quản lý thông tin dữ liệu về đất đai, từ đó có những khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để định hình các sản phẩm của thị trường bất động sản. Bằng các giải pháp công nghệ sẽ giúp quy trình thủ tục, giao dịch, mua bán trở nên nhanh chóng, đơn giản hóa, chính xác và hiệu quả hơn”, ông Đính cho hay.

PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, đơn vị và một số cá nhân đang tích cực thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản bằng cách sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực này, áp dụng công nghệ số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin. Đây là một việc làm cần được thúc đẩy sớm để giúp bộ dữ liệu này hoàn chỉnh, giúp người dân có thể tra cứu một cách dễ dàng.

Để thực hiện áp dụng công nghệ số vào định giá đất cũng như quản lý thị trường bất động sản cần phổ cập rộng rãi hơn nữa, đồng thời Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các tổ chức có chức năng hoạt động này để nâng cao hiệu quả cũng như tính xác thực, xây dựng được bộ dữ liệu có độ lớn, độ tin cậy cao để công bố cho toàn xã hội hưởng thụ. Đây là việc làm hết sức quan trọng đối với các cơ quan, địa phương không chỉ riêng trong ngành bất động sản, mà kể cả tín dụng ngân hàng.
 

Châu Sa 
Thành Trung
08/02/2023 15:11
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top