Aa

Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Cơ hội bứt phá của du lịch

Thứ Bảy, 18/01/2020 - 05:50

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Đây là cơ hội phát triển du lịch thông minh, ứng dụng được trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Công nghệ với du lịch

Cách mạng Công nghiệp 4.0 tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với sự đột phá của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn, tạo ra sự thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với du lịch, công nghệ hiện đại giúp phương thức xúc tiến quảng bá trở nên đa dạng hơn và làm thay đổi phương thức đi du lịch, trải nghiệm của du khách. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu, so sánh, lựa chọn những điểm đến và dịch vụ phù hợp nhất. Đặc biệt, có thể khám phá điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường. Gia tăng tiện ích cho du khách cũng chính là cơ hội kích cầu du lịch hiệu quả.

Những năm gần đây, công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch

Giới chuyên gia nhận định, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi tính tương tác giữa khách hàng với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch. Với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời đem đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với chi phí hợp lý hơn so với các dịch vụ truyền thống.

Nếu như trước đây, các công ty phải thao tác thủ công trong quảng bá các tour hay xin ý kiến phản hồi của khách hàng thì bây giờ, mọi thứ đều được thực hiện trên Internet. Khách hàng hoàn toàn có thể tự check in, check out, thanh toán tự động… Phản hồi của khách hàng cũng được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian tối đa. Chỉ với một cú nhấp chuột hay thao tác quét mã đơn giản trên ứng dụng di động, người dùng có thể chủ động thiết kế tour cho chính mình hoặc dễ dàng kết nối với các công ty lữ hành.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá, công nghệ thông tin đang ngày càng ngấm sâu vào tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của xã hội. Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử, trong đó có lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất.

Ông Bình nhấn mạnh: “Chỉ có công nghệ 4.0 mới có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của du lịch. Mức độ tăng trưởng du lịch trong 3 năm qua của chúng ta đã đạt kỷ lục, nhưng tốc độ đó chỉ là nhất thời và sẽ khó để giữ được mức tăng trưởng 2 con số liên tục trong vòng nhiều năm. Chỉ có việc thay đổi công nghệ mới có thể mang lại kết quả đó".

Hiện tại, ngành du lịch đã ứng dụng công nghệ thông tin ở 3 lĩnh vực chủ yếu là lữ hành, lưu trú và dịch vụ du lịch. Chỉ tính trong năm 2018, đã có hàng chục công ty phát triển các ứng dụng để phục vụ cho du lịch như giao dịch, thanh toán, xây dựng sàn giao dịch trên mạng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có khoảng hơn 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch, chiếm khoảng 20% các sàn giao dịch dịch vụ, còn lại là sàn giao dịch điện tử nước ngoài. Do vậy, để tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh.

Du lịch thông minh – xu thế tất yếu

Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, giúp tăng tính tương tác và kết nối chặt chẽ mối quan hệ 3 bên: Nhà quản lý - doanh nghiệp - khách du lịch. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, đồng thời giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn.

Du lịch Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng kinh doanh mới

Hiện nay, cuộc cạnh tranh du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR (quick response code), dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo.

Ở Việt Nam, Chính phủ khẳng định, ưu tiên phát triển du lịch thông minh là một giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng đề án xác định phát triển du lịch thông minh là nội dung quan trọng cần tập trung trong bối cảnh số hóa hiện đại, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch.

Không đứng ngoài xu hướng kinh doanh mới, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã rất nhanh nhạy nắm bắt, tích cực tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Không ít doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch. Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến, từ marketing, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu mở rộng thị trường đến tư vấn, chăm sóc khách hàng, thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán.

Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây, công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch, nhiều điểm đến du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khác. Ngoài việc ra mắt các trang thông tin điện tử về du lịch, Hà Nội đã đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động với những ngôn ngữ thông dụng, không chỉ tạo thuận lợi cho hành trình tham quan tìm hiểu di tích của du khách mà còn trở thành một phương tiện quảng bá du lịch và giáo dục lịch sử hiệu quả.

TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Ứng dụng công nghệ trong du lịch có 3 chữ T: Tiền – Thời gian – Thông tin. Thông tin vô cùng quan trọng để một du khách quyết định đi hay không đi, nếu họ có tiền và thời gian. Thông tin quyết định đi đâu, đi khi nào và đi làm gì. Nhờ công nghệ mà thông tin trở thành một phương tiện giúp thu hẹp khoảng cách khách với điểm đến. Cách mạng Công nghiệp 4.0 hỗ trợ cuộc cách mạng du lịch”.

TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch

Cũng theo ông Siêu, Cách mạng Công nghiệp giúp thông tin cho người làm du lịch nghiên cứu, thăm dò khách muốn gì. Trí tuệ nhân tạo Al sẽ lưu lại mọi tìm kiếm của khách hàng, từ đó phân tích mong muốn của khách hàng để giới thiệu cho khách.

Cách mạng Công nghiệp là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho người đi du lịch tìm kiếm điểm đến, người làm du lịch bán hàng cho khách, giúp cho quá trình đi du lịch của khách tốt hơn, thuận tiện hơn và trải nghiệm tinh tế hơn.

“Cách mạng Công nghiệp đã len sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Nó cũng giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn và chia sẻ thông tin với nhau…

Du lịch thông minh là du lịch như ý. Lập nên một chương trình du lịch tuyệt hảo, kết nối thông minh, tiện lợi nhất, đưa tới cho du khách những trải nghiệm đặc sắc với chi phí tối ưu. Khách tiếp cận được với mục tiêu du lịch theo đúng ý của mình mà điểm đến có. Nhờ đó mà các công đoạn dịch vụ ngắn hơn, tiện hơn và kết nối được nhiều hơn”, TS. Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung phát triển du lịch thông minh được xem là hướng đi phù hợp và cơ hội bứt phá của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Những tín hiệu lạc quan về tốc độ tăng trưởng du lịch trong thời gian qua sẽ tạo đà cho giai đoạn phát triển mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top