Aa

Cái "bắt tay" giữa tỷ phú Vingroup và Masan: Phép cộng đẹp của doanh nghiệp Việt

Thứ Tư, 04/12/2019 - 16:22

Cái "bắt tay" lịch sử giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã tạo cú hích cho sự bùng nổ hoạt động M&A của Việt Nam trong những ngày cuối năm 2019.

Tập đoàn Vingroup vừa thỏa thuận việc sáp nhập 2 công ty thành viên là VinCommerce và VinEco vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan - thành viên của Tập đoàn Masan. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sẽ sáp nhập thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

"Cú bắt tay" đầy ấn tượng này được đánh giá sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về một "phép cộng đẹp" của doanh nghiệp Việt này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

PV: Ngày 3/12/2019, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan – 2 vị tỷ phú của Việt Nam đã chốt một thương vụ M&A ấn tượng nhất của năm. Theo đó, 2 bên đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Ông có đánh giá như thế nào về thương vụ M&A "khủng" này?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: VinCommerce và VinEco với Tập đoàn Masan là một phép cộng đẹp giữa các doanh nghiệp Việt với nhau. Vingroup vẫn biết là một tập đoàn mạnh về bất động sản, công nghiệp và bán lẻ trong đó nhiều năm gần đây. Riêng mảng bán lẻ đã phát triển nhanh chóng bao gồm 2.600 siêu thị và cửa hàng tự chọn trên thị trường Việt Nam. Mặt khác, Vingroup còn tập trung cho VinEco sản xuất rau quả sạch để cung cấp cho chuỗi bán lẻ của mình.

Tập đoàn này gần đây đã công bố việc chuyển hướng để trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ thương mại dịch vụ với định hướng trên thì họ đã nhường mặt trận bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan là một điều tất yếu. Đó là một cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải mà tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới.

Còn đối với Masan, với tư cách là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay lại đầu tư mạnh mẽ thêm vào lĩnh vực chăn nuôi sạch thì việc tiếp thu mạng lưới rộng lớn của Vingroup sẽ chắp thêm cánh cho Masan bay cao hơn. Masan sẽ tạo thế vững chắc cho việc sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

PV: Cuộc sáp nhập giữa Vingroup và Masan được đánh giá là tín hiệu vô cùng tích cực, nâng tầm vóc doanh nghiệp Việt lên một tầng cao mới. Vậy theo ông, thương vụ này tạo nên những lợi ích gì cho thị trường tiêu dùng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt kinh doanh mảng tiêu dùng nói riêng?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Sự cộng tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là một điều rất đáng khích lệ bởi trong hoàn cảnh hiện nay các doanh nghiệp Việt đang yếu về nhiều mặt thì rất cần sự liên kết hợp tác giữa họ với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Trên thế giới xu hướng tiến tới chuyên môn hóa để tối ưu cho nguồn lực chính là một xu thế tất yếu, chính vì vậy phép cộng giữa Vingroup và Masan rất đáng để Nhà nước và dư luận ủng hộ, khích lệ và rất mong muốn sẽ có nhiều phép cộng đẹp khác giữa doanh nghiệp Việt với nhau xuất hiện ở thị trường Việt Nam chúng ta.

Phép cộng này nếu hợp tác làm ăn hiệu quả sẽ đem lại nhiều cái lợi trước hết cho các doanh nghiệp Việt, đồng thời Việt Nam sẽ có thêm những tập đoàn phân phối mạnh để xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai, các tập đoàn này sẽ đủ sức để dẫn dắt thị trường bán lẻ. Bởi nếu không có tập đoàn Việt mạnh mẽ và các doanh nghiệp Việt lần lượt bị thôn tính sáp nhập thì tương lai bán lẻ Việt sẽ đi về đâu?

Chúng ta biết rằng mất phân phối bán lẻ sẽ mất cả sản xuất, khả năng đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài là một điều tất yếu. Phép cộng đẹp đẽ sẽ đem lại những hàng hóa Việt do người Việt Nam sản xuất có thương hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm để phân phối rộng khắp các mạng lưới mà chúng ta chiếm lĩnh để phục vụ cho người tiêu dùng, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiện nay mà Nhà nước đang cổ vũ để thực hiện.

Một điều cần lưu ý, trong việc hợp tác giữa hai bên thì Masan đảm bảo giữ nguyên hệ thống quản trị tại Vincom cũng như các chính sách khác với nhà cung cấp cho Vinmart trước đây. Toàn bộ khách hàng của Vinmart và Vincom cũng sẽ được tiếp tục hưởng những ưu đãi do Vingroup trước đây đã cam kết. Các nhân viên cán bộ của Vinmart, VinEco… sẽ được hưởng những quyền lợi mà trước đây Vingroup đã đài thọ, đồng thời Masan cũng cam kết sẽ có thêm các quyền lợi của Tập đoàn.

Những cam kết của 2 tập đoàn đối với các nhà cung ứng và quyền lợi của cán bộ công nhân viên khi sáp nhập là một gương sáng mang tính nhân văn cao đáng để cho các phi vụ sáp nhập khác giữa doanh nghiệp Việt với nhau sau này phát sinh sẽ phải học tập. Truyền thống tốt đẹp về sự hợp tác giữa người Việt Nam với nhau sẽ được phát huy xứng đáng với truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam mà Nhà nước ta luôn luôn cổ vũ.

PV: Thương vụ lịch sử giữa 2 tỷ phú Việt được đánh giá là một bước đi khôn ngoan và đầy trách nhiệm nhưng để duy trì được sự phát triển mạnh mẽ này không phải là một bài toán dễ dàng. Vậy theo ông, bản thân 2 doanh nghiệp và Nhà nước cần có những chính sách, chiến lược như thế nào để giữ vững vị trí của mình rồi dần hướng tới mục tiêu tóm thị trường tiêu dùng Việt Nam trước sự đổ bộ ồ ạt của các tập đoàn tiêu dùng nước ngoài?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Theo tôi sự sáp nhập này cũng là bài học sâu sắc để trong những phút nào đó, sự kiện nào đó có những nhà bán lẻ ngoài nước và trong nước đối xử chưa tử tế với các nhà cung ứng hàng vào hệ thống siêu thị cũng phải suy nghĩ lại.

Sáp nhập giữa 2 đơn vị quả là một cuộc trưởng thành khó khăn, song để giữ vững sự hợp tác lâu dài giữa 2 Tập đoàn có thể còn khó khăn gấp bội, nó đòi hỏi lãnh đạo 2 đơn vị và các công ty thành viên ở dưới cần phải chung sức, chung lòng bồi đắp cho sự phát triển, cho phép cộng ngày càng tươi sáng hơn, hiệu quả hơn.

Tôi thiết nghĩ Nhà nước Việt Nam trong tương lai cần có những chính sách hợp lý không vi phạm những cam kết quốc tế về thương mại để hỗ trợ cho những phép cộng lan tỏa mạnh hơn trên đất nước Việt Nam. Những phép cộng này sẽ tạo ra một cộng đồng sản xuất và doanh nghiệp Việt ngày càng đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn góp phần vào sự nghiệp xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top