Aa

Cái giá của những công trình "nhái" thiết kế

Thứ Tư, 15/02/2017 - 22:16

Nói về "nhái" thiết kế thì Trung Quốc thời gian vừa qua vướng quá nhiều lùm xùm khi hàng loạt các công trình quá giống những kiến trúc nổi tiếng thế giới.

Hàng loạt công trình "nhái" của Trung Quốc bị phanh phui

Năm 2015, Trung Quốc liên tiếp dính phải các vụ tố giác xây dựng các công trình "na ná" những kiến trúc lớn trên thế giới. Công trình “nhái” nổi tiếng nhất của nước này phải kể đến là tượng nhân sư “sao in nguyên bản chính” từ Ai Cập với chiều cao 30m, chiều dài khoảng 80m làm từ thép và xi măng tại Thạch Gia Trang, Trung Quốc. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 2014 với mọi chi tiết đều được làm giống hoàn toàn bao gồm cả chiếc mũi nhân sự bị bào mòn bởi thời gian.

Công trình tượng nhân sư

Công trình tượng nhân sư "made in China" tại Thạch Gia Trang, Trung Quốc

Các công trình khác trên thế giới cũng được Trung Quốc xây “nhái” tài tình như Tháp nghiên Pisa của Italy, nay cũng đã có mặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vì không thể tạo được độ nghiêng tự nhiên cho công trình như ở Italy nên nước này đã sử dụng hệ thống dây cáp kéo để tạo độ nghiêng nhân tạo.

Hai công trình nổi tiếng của Pháp là Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn đều đã được xây dựng tại Trung Quốc. Nhà hát Opera Sydney, Nhà trắng Hoa Kỳ, Đấu trường La Mã, nhà thờ cạnh điện Kremlin ở Moscow... và nhiều công trình dù nổi tiếng hay không trên khắp thế giới cũng đã được Trung Quốc tụ hội lại trên quốc gia của mình.

Ttòa nhà cao hơn 10 tầng trường Đại học Trịnh Châu theo phong cách

Ttòa nhà của trường Đại học Trịnh Châu theo phong cách "nửa Tây nửa Tàu"

Thậm chí, có nhiều công trình kiến trúc của Trung Quốc còn sử dụng kết hợp Đông – Tây, kim - cổ kết hợp để tạo ra những công trình kiến trúc “đầy độc đáo”. Chẳng hạn như tòa nhà 10 tầng của Đại học Trịnh Châu vừa mang phong cách Châu Âu lại vừa chứa đựng hơi thở Châu Á khi phía bắc của tòa nhà có “nét na ná” tòa nhà Quốc hội Mỹ, còn phía nam lại mang âm hưởng của quảng trường Thiên An Môn.

Cái kết có thỏa mãn?

Sau khi công trình tượng nhân sư “made in China” được phát hiện, cuối năm 2015, Bộ Cổ vật Ai Cập đã kiến nghị lên Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO) để đề nghị Trung Quốc phá dỡ công trình “nhái” trên.

Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 6 Công ước của LHQ năm 1972 về bảo hộ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới: “Mỗi nước tham gia Công ước xin nguyện kiên quyết không dùng bất cứ biện pháp nào có thể phương hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến di sản văn hoá và tự nhiên nêu trong các Điều 1 và 2, nằm trên lãnh thổ của các nước khác tham gia Công ước này”. Như vậy, việc làm của Trung Quốc (một trong những quốc gia đã tham gia công ước) đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới di sản văn hóa tượng nhân sư mà chưa có sự đồng ý của quốc gia nắm giữ di sản, là Ai Cập.

Phần đầu của bước tượng nhân sư

Phần đầu của bước tượng nhân sư "nhái" bị gỡ bỏ

Đầu năm 2016, bức tượng giả của Trung Quốc chính thức được khai tử, tuy nhiên tiến độ phá dỡ bức tượng khá chậm chạp do kích thước khổng lồ của bản copy này. Được biết, để phá dỡ nó chính phủ Trung Quốc đã phải huy động tới 3 chiếc cần cẩu cỡ lớn cùng hoạt động liên tục. Tính đến ngày 4/4/2016, mới chỉ có phần đầu của bức tượng nhân sư giả đã được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, có lẽ đây vẫn chưa phải hồi kết của cuộc chiến bảo hộ di sản của Ai Cập và Trung Quốc. Thực tế, tại “Vườn bác lãm di sản văn hóa thế giới” ở Trừ Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc, một bức tương nhân sư và kim tự tháp Ai Cập khác cũng đang được xây dựng theo nguyên tắc “sao in nguyên bản chính”.

Trước đó, vào những năm 90 của thế kỉ 20, nhà thờ Ronchamp nổi tiếng của Pháp cũng đã bị nhái lại tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, do gặp phải sự phản ứng dữ dội của Quỹ Corbusier do KTS Le Corbusier, tác giả của công trình kiến trúc gốc tại Pháp, nhà thờ “nhái” đã bị phá dỡ sau đó.

Năm 2013, KTS Zaha Hadid cũng đã thực hiện vụ kiện đối với một chủ đầu tư của Trung Quốc vì một công trình công trình khác ở thành phố Trùng Khánh gần như đã “bê nguyên” thiết kế công trình Wangjing Soho ở Bắc Kinh do bà thiết kế. Sau đó, các công trình này không được tòa tuyên phá dỡ mà chỉ buộc bị đơn (chủ đầu tư nhái ý tưởng) một khoảng tiền lớn để bồi thường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top