Aa

Cải tạo chung cư cũ: “Thi gan với tử thần” vì hoài nghi lợi ích nhóm

Thứ Năm, 02/03/2017 - 06:01

46 hộ dân sống trong chung cư G6A Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn kiên quyết bám trụ ở khu nhà đã được trưng biển nguy hiểm cấp độ D. Họ quyết không di dời đến nơi tạm cư vì nỗi lo "sau khi di dời có được về lại hay không?” và hoài nghi có lợi ích nhóm trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.

Chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khu nhà ban đầu được phân cho các cán bộ cao cấp của ngành ngân hàng. Sau mấy chục năm, nơi đây đã hằn in dấu vết của thời gian, “già nua” theo thế hệ chủ nhân đầu tiên sở hữu nó.

Nằm ở vị trí đắc địa nhìn ra hồ Thành Công, dãy nhà tập thể lộ rõ sự xuống cấp, tường hoen ố, bạc màu, hành lang tối tăm, ẩm thấp sâu hun hút. Đặc biệt, di chuyển trên cầu thang khu tập thể này, người đi sẽ có cảm giác như đang trải nghiệm tháp nghiêng Pisa.

Theo kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP. Hà Nội do Sở Xây dựng thành phố công bố thì tòa nhà G6A Thành Công thuộc vào mức độ nguy hiểm D (mức nguy hiểm cao nhất). Tuy nhiên, dù đã có yêu cầu di dời khẩn cấp, 46/49 hộ dân của đơn nguyên 1, 2 chung cư G6A Thành Công vẫn kiên quyết bám trụ ở ngôi nhà của mình.

Không di dời vì "đâu biết ngày trở về"

Ông Phạm Công Đại (Phòng 205) cho biết: “Cách đây mấy tháng, chúng tôi có mời một số đối tác đến để tham gia đầu tư cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, có thể do cơ chế, quy hoạch của Thành phố chưa rõ ràng nên không chủ đầu tư nào tham gia”. Ông Đại cũng cho rằng, chính chiếc biển xanh với nội dung “khu chung cư nguy hiểm cấp độ D” là nguyên nhân cản trở nhà đầu tư vì họ nghĩ nơi này “đã có chủ”.

Người dân kiên quyết không di dời dù khu chung cư được xác định nguy hiểm

Người dân kiên quyết không di dời dù khu chung cư được xác định nguy hiểm.

Nhiều người dân ở đây tỏ ra bất ngờ khi khu nhà mình ở lọt vào danh sách nguy hiểm, vì theo họ, còn nhiều khu nhà xập xệ, xuống cấp nhưng vị trí nằm sâu bên trong lại không có tên trong danh sách này.

Ông Nguyễn Văn Chi (phòng 407) được người dân bầu là trưởng ban quản lý nhà G6A cho rằng, với kiến thức của một tiến sỹ địa chất, ông nhận thấy việc khảo sát và đánh giá cấp độ nguy hiểm của nhà G6A chưa được minh bạch, rõ ràng. Theo ông Chi, việc kết luận tất cả các móng nhà đã bị phá hủy là không chính xác, bởi nếu đúng thế, chúng phải khuếch đại lên và gạch lát sàn các nhà phải bung ra. Nhưng thực tế gạch lát sàn của nhà ông và nhiều hộ dân khác vẫn nguyên vẹn, mặc dù đã được sử dụng hàng chục năm.

Ngoài ra, các hộ dân cũng thấy bất an trước lệnh di dời khẩn cấp của Thành phố, trong khi không có văn bản nào cam kết rõ ràng họ sẽ được trở về ngôi nhà của mình sau khi cải tạo.

Ông Nguyễn Văn Chi cho rằng việc kết luận móng nhà hoàn toàn bị phá hủy là không chính xác

Ông Nguyễn Văn Chi cho rằng việc kết luận móng nhà hoàn toàn bị phá hủy là không chính xác.

“Việc cải tạo thì đương nhiên phải thực hiện. Nhưng vấn đề là cải tạo như thế nào? Không thể đùng một cái bắt chúng tôi di dời đến nơi khác. Chúng tôi cần một văn bản rõ ràng, rằng chúng tôi sẽ dời đi trong bao lâu? Khi nào thì được quay trở lại nhà? Và có chắc chắn khi quay về, chúng tôi vẫn được ở chính vị trí ngôi nhà của mình? Những việc làm không rõ ràng khiến chúng tôi hoài nghi có lợi ích nhóm” – Ông Chi bày tỏ băn khoăn.

Ông Nghiêm Xuân Tuy, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư 12, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cũng tâm sự: “Nói chung là đại đa số nhân dân người ta cũng muốn ăn ở yên ở đây. Người ta đã gắn bó ở đây bao nhiêu năm rồi, từ năm 1981, 1982 đến nay. Tòa nhà lún nứt cách đây 30 năm, đến giờ, mọi người ở đây quý mến, yêu thương nhau và cuộc sống rất bình thường, ổn định, bà con cùng công tác ở Ngân hàng Trung ương quen biết nhau. Trong trường hợp phải di dời thì bà con nhân dân muốn Nhà nước, chủ đầu tư phải có cam kết là tạm cư trong thời hạn nào đấy thôi, ví dụ 3 năm, 2 năm hay 4 tháng, xây xong nhà thì phải tái định cư”. 

Tỷ lệ đền bù 1:1 là chuyện không tưởng

Nhiều cư dân khu chung cư G6A Thành Công cho rằng, họ sẵn sàng chia sẻ với chính quyền và doanh nghiệp trong việc cải tạo chung cư cũ. Làm sao để các bên cùng có lợi, doanh nghiệp đầu tư vào có lãi và người dân được ở nhà mới. Tuy nhiên, cần có sự thỏa thuận, đền bù hợp lý.

Trước thông tin Thành phố đang nghiên cứu và có thể sẽ đưa ra tỷ lệ đền bù cứng là 1: 1, ông Phạm Công Đại thẳng thắn bày tỏ: “Không người dân nào đồng ý với tỷ lệ này. Căn hộ nhà tôi thuộc loại có diện tích lớn nhất ở đây, trên sổ đỏ là 52m2, còn loại căn hộ thứ 2, thứ 3 lần lượt có diện tích là 30m2, 18m2. Nếu quy định 1:1, trong trường hợp căn hộ của người ta 18m2 thì lẽ nào sẽ chỉ được trả 18m2? Về mặt xây dựng, không doanh nghiệp nào lại đi xây dựng một căn hộ nhỏ như thế.

Ngoài ra, nếu có bán theo giá gốc thì người dân cũng không có tiền để mua thêm phần chênh lệch cho đạt diện tích tối thiểu nhất là 45m2. Thời điểm trước, đã có nơi đặt vấn đề đền bù với tỷ lệ từ 1,3 cho đến 1,7 mà người dân còn chưa chấp nhận. Theo tôi, phần cơi nới tỷ lệ đền bù có thể là 1:1, còn lại phần diện tích ở bên trong thấp nhất như hiện tại cũng phải đền bù theo tỷ lệ từ 2,2-2,5 và có những chỗ cao nhất là 3,0”.

Ông Phạm Công Đại khẳng định không đòng ý với tỷ lệ đền bù 1:!

Ông Phạm Công Đại khẳng định không đồng ý với tỷ lệ đền bù 1:1.

Ông Nguyễn Văn Chi cũng cho rằng, câu chuyện đền bù 1:1 là không tưởng.

“Đầu tiên phải nhìn câu chuyện này theo chiều dài của lịch sử. Trước đây, những người có công mới được phân nhà ở đây. Thời điểm những năm 80, Nhà nước chỉ có thể xây được những căn hộ có diện tích khoảng 20m2, cả phần phụ may ra được 40m2. Nhưng bây giờ sau mấy chục năm, phúc lợi xã hội tăng lên, GDP tăng, thu nhập của người dân tăng lên mấy chục lần thì nhu cầu ở phải tăng lên, không thể có câu chuyện 1:1. Như thế là vô lý. Chưa tính đến việc số thành viên trong mỗi gia đình đều gia tăng gấp mấy lần, lẽ nào họ phải chen chúc trong ngôi nhà 18, 20m2.

Thứ hai, nếu giữ tỷ lệ 1:1, thì sau khi cải tạo xong, những phần diện tích tăng thêm ở các tầng sẽ được sử dụng thế nào? Nếu bán cho người khác ở ngoài vào mua sẽ làm tăng dân số nội đô. Như thế là phản khoa học. Thứ 3, khu chung cư này có 177 căn hộ, các hộ đã phải bỏ tiền để mua lại quyền sở hữu, như vậy, xây như thế nào, quyền quyết định phải là của người dân”.

Ngoài ra, điều khiến người dân lo lắng chính là cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn hoàn toàn trong suốt thời gian cải tạo chung cư cũ.

"Năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định di dời các hộ dân tại chung cư C1 Thành Công đến tạm cư tại Dịch Vọng, Cầu Giấy. Dự án chậm triển khai, không đảm bảo tiến độ. Sau nhiều năm chờ đợi, người dân những tưởng sẽ có một nơi ở mới khang trang nhưng đến nay, tại vị trí này vẫn là một khu đất hoang. Khi di dời, người dân chỉ được hỗ trợ chỗ ở 2 năm, còn lại phải tự lo. Vậy đến nay, sau gần chục năm, ai sẽ đền bù số tiền ở trọ cho dân?

Rồi đến nhà B6, C8 Giảng Võ, dân cũng vẫn mòn mỏi chờ nhà bao nhiêu năm nay. Nhìn về toàn cảnh cải tạo chung cư cũ khiến chúng tôi cảm thấy chán nản, không có niềm tin. Chưa kể con, cháu chúng tôi sẽ phải chuyển trường theo nơi ở mới. Không đủ điều kiện cho con học trường tư, chúng tôi phải làm thế nào để vào được trường công, khi đang ở trái tuyến?” – ông Đại chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, đa số người dân đều khẳng định, họ sẽ không chấp nhận tới định cư ở nơi khác, dù diện tích có thể tăng gấp nhiều lần. 

"Giả sử đổi căn nhà ở đây lấy căn nhà rộng gấp 3 lần ở chỗ khác tôi cũng không đi. Bởi mọi thứ không chỉ đổi bằng giá trị tiền tệ mà còn là chất lượng sống. Có gia đình cả 3 đời sinh sống ở đây, nó trở thành nơi lưu giữ những ký ức, giá trị tinh thần. Hàng xóm, láng giềng cũng thân thiết, gắn bó với nhau. Mọi điều kiện trường lớp, chợ búa, đi lại đều thuận tiên.

Theo tôi, nếu có thể, Thành phố nên quy hoạch tổng thể cả khu Thành Công này và xây lại hợp lý để người dân vẫn được ở chính ngôi nhà của mình, diện mạo đô thị cũng đẹp hơn. Cải tạo chung cư cũ là một chính sách nhân văn, vậy hãy thực hiện thế nào để người dân cảm nhận được ý nghĩa của nó. Nếu chính sách, cơ chế và quy trình thực hiện đều minh bạch, rõ ràng thì chẳng người dân nào không đồng tình" - ông Đại bày tỏ quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top