Aa

Cải tạo chung cư cũ và tín hiệu “bất ngờ” của Hà Nội: Cả khu tập thể "chống nạng" hoang mang

Thứ Ba, 14/02/2017 - 07:00

Đứng trong ngôi nhà bong tróc, ẩm thấp, ông Trần Ngọc Cường (75 tuổi) cho biết, ông đã sống trong ngôi nhà khổ sở này quá nhiều năm rồi nên luôn mong khu tập thể được cải tạo để cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên nếu tỷ lệ đền bù là 1:1 thì thiệt thòi quá, ông chưa chắc đã đồng ý.

Lời dẫn: Trong hội nghị đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, Hà Nội sẽ có những chính sách hoàn toàn mới.

Cụ thể, đến giữa năm 2017, thành phố sẽ đề xuất Chính phủ một số chính sách đặc thù để chọn nhà đầu tư cải tạo toàn bộ các toà nhà chung cư cũ trên địa bàn. Khi đó, người dân có thể bán đứt cho nhà nước, cho doanh nghiệp căn nhà cũ của mình, hoặc xây mới nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1, chứ không phải tăng thêm diện tích như hiện nay.

Điều này liệu có tháo gỡ được bế tắc trong cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bấy lâu? Để làm rõ hơn vấn đề này, Reatimes thực hiện loạt bài: "Cải tạo chung cư cũ và tín hiệu “bất ngờ” của Hà Nội".

Chiều 13/2, phóng viên Reatimes có mặt tại Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp (Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nằm ngay cạnh mặt đường 32, từ nhiều năm nay, khu tập thể này đã được nhắc đến với cái tên như như “khu tập thể chống nạng giữa Thủ đô”, “khu tập thể gãy xương, chờ sập ở Hà Nội”, thậm chí là “khu tập thể đánh đu với tử thần”...

Mặc dù, đã tìm hiểu trước về những khu tập thể xuống cấp ở Hà Nội nhưng khi có mặt tại đây, phóng viên không khỏi ngạc nhiên về sự tồi tàn của nơi này. Toàn bộ dãy nhà 4 tầng bị bao phủ bởi một lớp rêu phong nhem nhẻm đen với nhiều đoạn tường bong tróc, loang lổ, trơ những thanh sắt hoen gỉ.

Thấy phóng viên đến, một số người dân sống ở tầng 1 và 2 vội xúm lại than khổ. Chị Bùi Thị Vân Hồng, phòng 204 cho biết, khu tập thể này được xây dựng cách đây đã hơn 50 năm cho nên đang mỗi ngày một xập xệ.

“Tường và trần nhà bong tróc, ẩm thấp. Mỗi nhà ở đây chỉ được 18m2 nhưng có gia đình có tới 9 người ở. Vì thế, người dân chúng tôi chỉ mong Nhà nước, thành phố quan tâm sớm cải tạo lại”, chị Hồng nói.

Tham dự cuộc nói chuyện, ông Trần Ngọc Cường (75 tuổi) cho biết, gia đình ông đang có 6 người sống ở chung cư này. Dãy nhà được xây cách đây mấy chục năm nên đang rất xuống cấp. Ngoài tường bong vữa, trần nhiều nhà còn bong tróc và rơi vữa hàng mảng cho nên rất mong Nhà nước quan tâm, sớm cải tạo lại cho người dân.

Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Hà Nội.

Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Hà Nội.

Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện, khi phóng viên đề cập đến việc, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm, khoảng giữa 2017, thành phố sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế, chính sách mới để đẩy mạnh cải tạo nhà chung cư cũ. Khi đó, người dân có thể bán đứt cho Nhà nước hay doanh nghiệp căn nhà cũ của mình hoặc xây mới nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1, chứ không phải tăng thêm diện tích như hiện nay... thì ông Cường bỗng đổi giọng: “Khu tập thể trông ngoài tuy hơi xấu, vôi vữa rụng đi, bong tróc, cũ kỹ thế này thôi nhưng bên trong thì vẫn sạch sẽ, chắc chắn lắm”.

Ông Cường cho biết, trước đây các chung cư cũ khi cải tạo người dân đều được hưởng phần chênh lệch nhất định. Tại những vị trí đẹp có thể hưởng với mức gấp 2, thậm chí là gấp 2,5 lần. Vì vậy, không biết lý do vì sao mà thành phố lại chủ trương đền bù theo tỷ lệ 1:1?

Trước phân tích của phóng viên về việc hiện nay, chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố không đạt tiến độ do chủ đầu tư không mặn mà, có thể đây là biện pháp để thu hút chủ đầu tư tham gia vào công việc này, ông Cường nói:

“Chủ đầu tư cũng là người, chúng tôi cũng là người. Người dân nhiều năm nay, họ đã sống khổ trong những ngôi nhà chật chội, xuống cấp cho nên việc đền bù phải làm sao để cuộc sống người dân tốt hơn. Với tỷ lệ đền bù trên, đến thảo luận với tôi, thiệt quá tôi không làm”.

Theo ông lão 75 tuổi, việc đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ là cần thiết, tuy nhiên, mọi phương án đưa ra phải hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân.

“Cải tạo lại là để cải thiện cuộc sống của người dân, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Nếu cải tạo lại mà cuộc sống của người dân không đảm bảo thì cải tạo làm gì?”, ông Cường nói.

Cùng quan điểm, chị Bùi Thị Hồng Vân cho rằng, nếu tỷ lệ đền bù 1 đổi 1 thì sẽ giải quyết ra sao với những hộ có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 18m2 như những hộ dân ở đây.

“Do nhà đã quá xuống cấp, nếu cải tạo 50% số hộ dân ở đây đã đồng ý. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tỷ lệ 1:1 thì diện tích lưu không người dân cũng phải được hưởng và tính vào ngôi nhà đang ở”, chị Vân nói và chỉ tay về khu sân tập thể rộng khoảng 2,5 mét chạy dọc dãy nhà.

Theo người phụ nữ 40 tuổi này, với diện tích lưu không trên, nếu cho cơi nới, người dân sẽ có thêm diện tích để ở chứ không chỉ có mỗi 18m2 như hiện nay.

“Bán cho Nhà nước thì chúng tôi lấy tiền ở đâu để mua chỗ ở mới. Ở đây, mỗi nhà chỉ được phân có 18m2. Có nhà 9 người, ba thế hệ cùng sinh sống. Nếu bán đi, tiền đó liệu có đủ mua căn hộ nhỏ khác? Còn đổi theo tỷ lệ 1:1 thì chúng tôi chẳng việc gì phải rời nơi cả gia đình đang sinh sống hàng mấy chục năm ở đây cả”, chị Vân nói.

Hàng loạt các chung cư cũ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Hàng loạt các chung cư cũ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kháng Trần

Rời khu tập thể Viện hóa, phóng viên Reatimes tiếp tục khảo sát tại nhiều khu chung cư cũ của Hà Nội, như Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh...

Tại những khu chung cư trên, mặc dù cũng đang phải sống trong những khu tập thể xuống cấp ở mức độ D (mức độ nguy hiểm cao nhất do thành phố đưa ra) nhưng đa số người dân khi được hỏi về chủ trương của người đứng đầu thành phố đều không đồng tình với quan điểm đền bù theo tỷ lệ 1:1.

Anh Nguyễn Văn Duy, cư dân chung cư cũ ở khu Thành Công cho biết, nếu đền bù như vậy thì người dân khó đồng ý giao nhà vì thiệt thòi nhiều so với những tòa đã được cải tạo.

Theo người đàn ông 50 tuổi này, có một số tòa nhà ở mặt đường, vị trí đẹp, mức đền bù gấp 2,5 lần. Cũng có những tòa ở vị trí không đẹp bằng, mức đền bù cũng gấp 1,5 hay 2 lần tùy thỏa thuận. Nếu bỗng dưng thay đổi chính sách như vậy sẽ rất ít người chấp thuận.

“Căn nhà là tài sản sở hữu của cư dân cho nên trong trường hợp người dân không muốn bán, không đồng ý mức đền bù là 1:1 vì thấy rằng không đảm bảo quyền lợi thì sao? Hay trường hợp nhà đông người, muốn mua thêm diện tích thì có được ưu đãi gì không?”, anh Duy nói.

Còn nữa....

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top