Coi trọng, quan tâm thích đáng việc chỉnh trang các khu vực dân cư, các ô phố cũ giúp tạo thêm nguồn lực cho phát triển đô thị, kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Bất cập từ những khu dân cư cũ
Các quận lõi nội đô Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao với không gian sống bị đóng kín, chật chội. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Với khu vực ven đô, quá trình đô thị hóa cũng đã biến làng, xóm thành ô phố không được quy hoạch đồng bộ ngay từ ban đầu. Đặc biệt, từ cuối thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều tuyến giao thông chính của Hà Nội, như đường Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà... được mở rộng, các ô phố được hình thành một cách rõ nét. Trong các ô phố này thường có mật độ dân số rất cao, nhà ở hầu hết được xây dựng tự phát, thấp cấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được bố trí đầy đủ và quá tải trầm trọng.
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Viện Nhà ở và công trình công cộng (Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng) nêu thực trạng, các ô phố của Hà Nội hiện có mật độ dân cư trung bình hơn 20.000 người/km2. Mật độ xây dựng nhà ở hầu hết đạt tới 100%. Mặt ngoài các tuyến phố chính được quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng… Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân ở những khu vực này.
Vào cuộc đồng bộ để gỡ khó
Thời gian qua, các đơn vị quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị của Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố. Thành phố cũng đã có nhiều chương trình, đề tài, dự án để cải tạo đô thị. Tuy nhiên, các dự án này phần lớn tập trung vào cải tạo chung cư cũ, cải tạo tuyến đường, tuyến phố... Việc cải tạo đô thị đồng bộ theo các ô phố còn ít được quan tâm.
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Đức cho rằng, hình thức cải tạo đô thị tại các ô phố của Hà Nội vẫn chỉ theo kiểu đơn lẻ. Nhiều hộ dân tự xây mới, xây xen, cải tạo nhà ở chỉ chú trọng nhu cầu cá nhân, ít đóng góp cho việc cải thiện cảnh quan chung. Một số công trình công cộng như trường học, trụ sở được cải tạo, xây mới, tuy nhiên kiến trúc đơn điệu. Một số tuyến phố chính được chỉnh trang như tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Tràng Tiền, Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm)… nhưng chủ yếu chỉ là sửa chữa mặt đứng, vỉa hè, hệ thống biển hiệu, cây xanh, chiếu sáng.
Lý giải nguyên nhân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, tiến độ lập đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố và quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc hiện đang chậm. Bên cạnh đó, những yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị vẫn còn thiếu, dẫn đến công trình xây dựng đơn lẻ không mang tính tổng thể.
“Hiện chưa có nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực hiện, do loại hình dự án này khá phức tạp, tác động lớn đến người dân, nếu không có cơ chế chính sách thì sẽ thường xuyên gặp phải vướng mắc...”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, cải tạo đô thị mang tính cần thiết, cấp bách nhưng cũng là một trong những nội dung khó, cần có sự tham gia của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan nên sớm xem xét, đánh giá toàn diện công tác cải tạo đô thị trên toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng, trên cơ sở đó ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cơ chế chính sách cải tạo ô phố, khu dân cư hiện hữu.
Từ kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế trong quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, ô phố cũ, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần coi trọng nguồn vốn xã hội, huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm làm hài hòa lợi ích trong phát triển; khai thác nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng ở những khu vực phù hợp nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước; đồng thời giám sát chặt chẽ để định hướng sự phát triển hướng tới cộng đồng. Thành phố cũng cần sử dụng các công cụ kiểm soát sự thay đổi, tránh dẫn tới quá tải về hạ tầng và suy giảm chất lượng môi trường, song vẫn bảo đảm tính hấp dẫn và công năng của khu vực này./.