Các con sông là một thành phần quan trọng trong vòng tuần hoàn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của con người; là môi trường sống của các loài sinh vật, thực vật cùng với đó điều hòa khí hậu, giảm lượng cacbon. Tuy nhiên, từ lâu nay khi nhắc tới sông Tô Lịch người ta chỉ còn nghĩ đến một con sông đã ‘‘chết’’.
Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ, chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Trong lịch sử, Tô Lịch đã từng là một phân lưu của sông Hồng có nhiệm vụ đưa nước từ thượng lưu ở sông Hồng sang sông Nhuệ. Khi đến trung lưu gặp hồ Tây và nơi đây sẽ cung cấp một phần nước cho đoạn sông chảy thẳng đến hạ lưu.
Ngày nay, sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14,6km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Điểm bắt đầu từ phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), điểm cuối đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Trước đây, hai bên bờ sông buôn bán nhộn nhịp nhưng từ khi bị lấp, sông chỉ là nơi thoát nước thải của thành phố. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm.
Dù là con sông đẹp đã gắn liền với chiều dài lịch sử, văn hóa của thủ đô nhưng dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ và sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nặng nề.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Thống kê sơ bộ cho thấy, dọc tuyến sông có hơn 10 cửa xả lớn thu gom nước thải, khoảng 200 cống tròn đường kính 300 - 1.800mm và hàng trăm cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Tô Lịch. Ngoài ra, một hệ thống trên 30 bệnh viện của Hà Nội với lượng nước thải hàm lượng chất bẩn hữu cơ cao, chứa nhiều vi trùng gây bệnh sau khi được thu gom, vận chuyển trong các tuyến cống mương cũng tập trung vào hạ lưu sông Tô Lịch. Vì thế tình trạng ô nhiễm của con sông này luôn được đánh giá là rất nghiêm trọng, các chỉ số đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, thậm chí không thể sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng.
Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tiến hành năm 2013 cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Màu nước chuyển thành màu đen, có váng, cặn và mùi hôi thối; càng về cuối nguồn sẽ càng ô nhiễm trầm trọng hơn. Từ lâu các loài sinh vật sống nơi đây như cá, cua, tôm, ốc đã mất đi môi trường sống lý tưởng, không thể sinh sống do nguồn nước bị nhiễm độc. Đây là cũng là điều kiện thuận lợi để bọ gậy, muỗi cùng các loại vi trùng gây hại tồn tại lâu dài.
Ngoài những yếu tố trên, hành động xả rác bừa bãi của một số người dân cũng khiến sông Tô Lịch trở nên ngày một ô nhiễm hơn. Theo tìm hiểu rác chủ yếu là nilon, xác động vật, bơm kim tiêm thậm chí các đám hiếu bàn tang bàn tiệc người dân cũng tiện tay vứt thẳng xuống sông.
Bà Phan Thị Thúy, Phó Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 7, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết: Khối lượng rác ở sông Tô Lịch là rất lớn. Bình quân buổi sáng khi công nhân của xí nghiệp thoát nước số 1 và số 7 thuộc công ty TNHH thoát nước Hà Nội đi làm nhiệm vụ vớt rác họ phải đối mặt với khoảng 7 tấn rác. Bình quân mỗi một ngày phải huy động từ 30 - 50 xe gom rác.
Cô Nguyễn Ngọc Dung (62 tuổi), sống ở đường Láng, quận Đống Đa chia sẻ: ‘‘Những lúc mùa hè oi bức, sông bốc mùi rất khó chịu, đi trên đường bằng xe máy dù nhanh nhưng vẫn ngửi rõ. Rồi khi mưa bão thì xuất hiện cực nhiều rác tới mức kín mặt nước’’.
Cô Trần Lan (59 tuổi), cư dân sinh sống đường Quan Hoa, Cầu Giấy cho rằng: ‘‘Trước đây hơn 20 năm sông Tô Lịch chưa bị ô nhiễm như thế này, dòng nước khá sạch và không bị đen như bây giờ’’.
Để làm “sống lại” dòng sông Tô Lịch, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án quan trọng. Trong đó nổi bật là UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì vào tháng 10 năm 2016 TP. Hà Nội khởi công xây dựng một hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000m3/ngày đêm, áp dụng công nghệ thi công hiện đại - với công nghệ xử lý nước thải bùn hoạt tính truyền thống cải tiến - loại AO. Đến nay đã thu được được một vài tín hiệu tích cực song nhìn chung vẫn chưa thực sự hiệu quả như những gì dự án đã đề ra.
Trong chủ trương làm sạch 4 con sông ở Hà Nội, thì sông Tô Lịch luôn được ưu tiên hàng đầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Vậy nên, người dân Thủ đô có thể hy vọng nhìn thấy dòng sông này ‘‘hồi sinh’’ trong thời gian tới.
Mới đây, trong buổi giao ban báo chíThành ủy TP. Hà Nội, trả lời câu hỏi về việc một doanh nghiệp đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịchthành giống sông Seine ở Pháp hay sông Thames ở Anh và các thành phố khác ở Châu Âu, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội đã có những chia sẻ.
Ông Nam cho biết: "Tôi có đọc qua đề xuất này của một tập đoàn trong nước cách đây khoảng 2 tháng, đó là ý tưởng của tập đoàn Phương Bắc. Tôi biết tập đoàn này là một đoàn cũng nhỏ, chuyên phá dỡ công trình. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng hay, nhưng ý tưởng nói là tốt nhưng nói phải đi đôi với làm thì tốt hơn. Đối với dự án cải tạo sông Tô Lịch thì có thể nói là dự án rất lớn".
"So với ngày xưa thì bây giờ sông Tô Lịch đẹp và đỡ ô nhiễm hơn nhiều, nhưng rõ ràng bây giờ vấn đề là mình không xử lý môi trường, xử lý vấn đề dân sinh nên mới ô nhiễm. Vấn đề này phải có giải pháp và thời gian" - Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội nhận định.
Đúng như những gì ông Trần Ngọc Nam chia sẻ. Để giải được bài toán cải tạo sông Tô Lịch, có lẽ đã đến lúc nên có một dự án được đầu tư và chuẩn bị kỹ càng; áp dụng công nghệ tiên tiến hơn để có thể khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm của dòng sông này. Nhưng giải pháp đó là gì, liệu có khả thi hay không cũng là một vấn đề quan trọng cần bàn tới.