Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của văn minh và hiện đại. Nhu cầu của mọi người ngày càng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tôi nhớ ngày nào quê tôi nhà tranh mái lá mà giờ đây đã thay vào đó là những ngôi nhà lớn, biệt thự to cao. Cũng đúng thôi, chúng ta đang chạy đua từng giờ vì đô thị hóa. Có một điều đáng ghi nhận là đường phố văn minh, xóm thôn đổi mới, mức sống của con người dần cải thiện hơn. Cuộc sống nhộn nhịp làm ít nhiều thay đổi thói quen trong sinh hoạt của con người, và tình làng nghĩa xóm cũng dần thay đổi từ đó...
Xã hội phát triển là điều ai cũng trông đợi vì mọi người được no ấm, mức sống nhà nhà đều cao hơn, ai cũng có của ăn của để, con cái được ăn học đàng hoàng. Nhưng cũng chính nhịp sống nhộn nhịp ấy lại khiến mọi người càng xa nhau. Không biết tự bao giờ mà ông cha ta đã có câu “bà con xa không bằng láng giềng gần”, câu nói cũng đúng và hợp lý thôi, lúc bệnh đau hay nhà có việc thì chạy toan sang nhà hàng xóm nhờ phụ giúp, chứ anh em xa làm sao mà tới kịp được. Nếu như trước đây, tôi nhớ mỗi lần muốn sang nhà hàng xóm chơi chỉ cần bước qua vài bước là vô được tới nhà, thì giờ lại khác. Nhà nào cũng xây hàng rào kín mịt, to cao. Tôi muốn sang thăm cũng rất ngại. Nếu ngày xưa "tối lửa tắt đèn" có nhau thì giờ ai cũng sắm sửa riêng cho mình mọi thứ nên việc mượn cái này cái kia cũng dần không có nữa.
Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi khi nhà hết gạo mẹ thường sai tôi sang nhà bác Năm mượn một ít gạo về nấu cơm, còn bây giờ tôi nghĩ không còn nữa. Ngày xưa, từ sáng tinh mơ, các bà, các mẹ đã í ới rủ nhau đi chợ, ra bến nước giặt quần áo, tiếng cười nói râm ran ấy nay không còn nữa. Hình ảnh mọi người quây quần bên nhau mỗi khi làng xóm có tiệc cũng dần phai đi vì công việc, vì bận việc riêng. Dạo gần đây báo chí rầm rộ đưa tin, có những tin rất đáng buồn, hàng xóm chỉ vì tranh vài m2 đất, quyền lợi nhỏ mà dẫn đến cãi vã, đánh nhau thậm chí quyết sống chết với nhau, người thiệt mạng, kẻ đi tù, con cái mất ba mất mẹ, cả một hệ lụy kéo theo.
Hôm nay đô thị san sát nhau, bức tranh về làng quê Việt Nam dần đổi áo mới, một xã hội hiện đại hứa hẹn nhiều đổi thay, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, theo cách này hay cách khác, điều tôi muốn nói ở đây là tình làng nghĩa xóm, cái câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà ông bà ta đã dạy con cháu qua bao nhiêu thế hệ, giờ đây dần mai một.
Vậy thì với những lớp người sau như chúng tôi và con cháu chúng tôi liệu rằng tình làng nghĩa xóm có còn không? Và rồi cái “tình” ấy sẽ đi về đâu sau này?
Thế giới đã ghi nhận sự đoàn kết - sức mạnh của dân tộc Việt Nam - là không có gì so sánh được, một đất nước nhỏ bé đã đứng lên đấu tranh và giành thắng lợi nhờ vào sức mạnh của dân tộc, xuất phát từ tình yêu làng, yêu quê hương thành yêu đất nước. Không phải tình yêu ấy xuất phát từ tình làng nghĩa xóm hay sao? Chúng ta thấy được rằng tiền bạc và vật chất là một phần của cuộc sống, nó rất cần thiết để duy trì cuộc sống, nhưng nếu mất đi chúng ta có thể có lại, nhưng tình người một khi mất đi chúng ta không lấy lại được bao giờ. Dù cuộc sống có nhộn nhịp và đô thị có mọc lên đến đâu tôi vẫn mong tình người luôn được sưởi ấm bằng trái tim, bằng hành động, bằng cách cư xử đúng đắn của mọi người. Để mọi người có thể sống với cái tình giữa lòng đô thị mới.
Tôi yêu nơi tôi sống, tôi yêu con người nơi đây. Tôi vẫn muốn dù có sống ở đâu và như thế nào thì mọi người sống vì nhau bằng tình thương mến. Tôi thích cà phê sáng mỗi ngày nhưng sẽ thích hơn khi ngồi chung những người bạn hàng xóm của mình. Tôi thích uống trà nhưng sẽ vui hơn khi được ngồi nhâm nhi với mọi người xung quanh nơi tôi sống. Nơi tôi sống phải rộn rã tiếng cười của những con người thân thiện. Cuộc sống vẫn mãi là một dòng xoáy không ngừng và con người thay đổi là điều không tránh khỏi nhưng tôi hy vọng rằng cái tình vẫn chan chứa giữa lòng thành phố này, tình làng nghĩa xóm vẫn sáng rực đâu đây.