Aa

Cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT: "Đã đến lúc phải nhìn một cách toàn diện"

Chủ Nhật, 04/02/2018 - 02:00

Theo GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, từ câu chuyện tranh cãi về việc quy định cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT, đã đến lúc phải nhìn một cách toàn diện về những bất cập của BOT nguyên nhân do đâu, ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đưa ra quy định, lắp đặt biển số P.131 “Cấm đỗ xe” phía trước trạm, cấm các tài xế không được dừng xe quá 5 phút tại trạm thu phí và không đỗ xe cách trạm khoảng 100 - 200m. Chưa đầy 1 tuần quy định có hiệu lực, việc lắp biển đã xong nhưng tranh cãi vẫn còn đó. Nhiều người đặt ra câu hỏi về lâu dài liệu đây có phải là một bất cập nữa trong câu chuyện BOT giao thông?

Cụ thể, theo quy định cục Đường bộ, từ ngày 25/1, các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải (GTVT) các địa phương phải hoàn thành việc lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí. Theo Tổng cục Đường bộ, sau khi biển báo được cắm thì việc xử phạt cũng có hiệu lực, cơ quan chức năng có thể xử lý nếu tài xế vi phạm về thời gian và cự ly dừng đỗ tại trạm thu phí.

Mức phạt căn cứ vào Điều 5, mục 2, chương II của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường ”.

Chia sẻ với Reatimes về câu chuyện này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng việc lắp biển cấm dừng xe quá 5 phút để tránh ùn tắc giao thông là đúng, không hề sai nhưng quan trọng nắp ở đâu và lắp như thế nào, nếu chỉ nắp tại một số trạm cụ thể thì mới có hiệu quả.

TS. Thủy phân tích. một thời gian dài vừa qua khi người dân lên tiếng phản đối một số trạm BOT thu phí quá cao, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xem xét giảm mức thu phí từ 20-30%, hoặc đưa trạm thu phí về nơi thu phí đúng quy định. Tuy nhiên, một số người dân quá khích, dừng xe, chắn đường không cho các xe khác chạy trong thời gian dài. Như vậy hành động này là sai luật, việc các trạm BOT đặt biển cấm là đúng, vì còn tạo tiền đề để các cơ quan chức năng xử lý.

“Theo tôi, Bộ GTVT đã cùng các Bộ khác thống nhất quy chế, thay đổi việc thu phí, có điều chỉnh hợp lý, mà người dân vẫn vi phạm thì dùng pháp luật xử lý chứ không thể dĩ hòa vi quý. Tuy nhiên, có một số trạm BOT như Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT Sóc Trăng đang có những sai sót, mà sai sót vẫn chưa sửa chữa đã tiến hành lắp biển cấm dừng đỗ 5 phút, theo tôi là không nên.

Khi lập lại trật tự giao thông tại các trạm thu phí đều cần có lộ trình và các bước thực hiện. Đặc biệt trong hoàn cảnh người dân vừa nguôi bức xúc thì nên giải quyết các vấn đề đặt trạm thu phí đúng chỗ hay mức thu phí một cách vẹn toàn nhất rồi hãy lắp biển cấm dừng”, TS. Thủy nhấn mạnh.

Cấm rạm BOT yên bình ngày đầu cắm biển “Cấm dừng xe quá 5 phút”

Từ ngày 25/1, các địa phương có trạm BOT phải cắm biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” 

Dù làm gì cũng cần có lộ trình và từng bước thực hiện, việc lặp lại trật tự giao thông tại các trạm thu phí cũng vậy, khi người dân còn bức xúc với việc đặt trạm thu phí không đúng chỗ, mức thu phí không hợp lý, thì nên giải quyết hợp tình hợp lý rồi hãy lắp biển cấm dừng".

Đánh giá về những bất cập trong các dự án BOT giao thông hiện nay, trao đổi với Reatimes, GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong quá trình triển khai thì hầu như các dự án BOT giao thông đều bị đội vốn, sau đó nhà đầu tư lại dựng trạm BOT để thu phí với thời gian kéo dài điều này đã tạo nên sự bức xúc trong dư luận.

Nỗi bức xúc của dân còn đó chưa giải quyết được thì việc lắp biển cấm dừng 5 phút như thêm “dầu vào lửa”. Dù thế nào cũng phải xem xét lại việc lắp biển cấm, nếu được thì hãy thí điểm ở một số trạm xem có thực sự hợp lý hay không và cũng có thể biết được những bất cập trong lúc vận hành để có phương án xử lý tốt nhất khi áp dụng trên cả nước.

GS. Đào cho biết: “Đáng lẽ ra, đoạn đường nào thực sự nhà đầu tư xây dựng mới hoàn toàn thì nhà đầu tư đặt trạm BOT, còn những đoạn chỉ cơi nới làm vỉa hè hoặc làm thêm đường thì phải kiểm tra chặt chẽ để có hình thức thanh quyết toán. Sau đó, nhà đầu tư chỉ được dựng trạm thu tiền với những tuyến đường BOT hoàn toàn mới, cách đường quốc lộ 20m hay 50m. Theo đó, người dân đi sang đường cao tốc BOT thì phải trả tiền nếu muốn đi đường đẹp, nhanh, thoáng mát… Còn hiện nay chính là chuyện “tận thu” bất hợp lý”.

Ngoài ra, GS Đào cũng chỉ ra rằng, trong thời gian vừa qua, công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông chúng ta chưa công khai minh bạch, chủ yếu là chỉ định thầu chứ không tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi. Điều này khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thoả thuận, không mang tính chất minh bạch. Đã đến lúc phải nhìn một cách toàn diện nguyên nhân do đâu, ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao.

Trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), tại phiên họp giám sát chuyên đề về nội dung này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Hiện tại, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top