Aa

Cấm xe máy theo giờ trên phố: Có kịp lộ trình?

Thứ Sáu, 22/03/2019 - 04:01

Sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A, 2A đi vào hoạt động, TP. Hà Nội dự kiến sẽ cấm xe máy tại một số tuyến phố theo giờ.

Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” do Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện đã đưa ra các dự kiến một số tuyến phố sẽ cấm xe máy theo giờ. Theo đó, TP. Hà Nội dự kiến thí điểm cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đề án cũng nêu rõ, vào giờ cao điểm, xe máy sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019 - 2020. Sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm tại tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Trước đó, thông tin thành phố Hà Nội lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động đang khiến dư luận quan tâm, nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Liên quan tới việc cấm xe máy theo lộ trình hoàn thiện của tuyến đường sắt, nhiều băn khoăn đặt ra, đó là trong trường hợp tuyến đường sắt đô thị 3A hoặc 2A chưa đi vào thực tế theo đúng lộ trình thì quyết định thí điểm cấm xe máy sẽ được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp khác, khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hoặc chưa có điểm ga dừng đỗ hỗ trợ thì việc cấm xe máy liệu có khả thi?

  “Hiện nay, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều nhà cao tầng, mật độ dân cư, phương tiện đông. Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Trãi mới chỉ có một tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Trong trường hợp cấm tuyến đường này, số lượng người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến đường sắt chỉ chiếm khoảng 30%.

Số còn lại 70% người dân chỉ đi một đoạn trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sau đó phải sử dụng xe buýt để tiếp tục di chuyển đến nơi cần đến. Tương tự, tuyến đường Lê Văn Lương cũng mới chỉ có phương tiện BRT, chưa có tuyến đường sắt.

Nếu như phương tiện giao thông công cộng không được tăng cường thêm, cải thiện thì không đáp ứng được nhu cầu người dân hoặc gây khó khăn thì họ sẽ lại chọn phương tiện xe máy để di chuyển. Nhiều người tránh đường cấm sẽ đi vào ngõ ngách hoặc các tuyến đường song song với trục sẽ gây thêm áp lực giao thông, ùn tắc xảy ra”.

TS. Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top