Ngày 25/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp nghe Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thuỷ gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thủy gồm các tuyến đường thủy nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thủy nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác.
Tại miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Hà Nội – Nam Định. Cùng đó, sẽ quy hoạch một hành lang vận tải thủy phục vụ vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tuyến kết nối chính.
Tại miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm: TP.HCM – Cà Mau; TP.HCM – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TP.HCM – Kiên Giang.
Các hành lang vận tải được quy hoạch đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 đáp ứng thông qua tổng sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt khoảng 334,2 - 392,2 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 204,4 - 280,3 triệu người/năm. Đến năm 2030 và sau 2030, năng lực vận tải hàng hóa, hành khách của đường thuỷ nội địa sẽ tăng khoảng 1,5 - 2 lần.
Về nguồn lực, dự kiến sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2030 để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thuỷ nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thuỷ nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7.257 cảng/bến. Nhận định giao thông thủy nội địa có vai trò rất lớn trong việc vận chuyển người, hàng hóa với chi phí hợp lý, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu phát triển giao thông thủy nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, giao thông thủy nội địa chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến giao thông thuỷ chậm được nạo vét, tu bổ, thiếu kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là đường bộ, đường sắt.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cảng, bến… chưa được đầu tư tương xứng với năng lực và nhu cầu vận tải. Trên nhiều tuyến chủ lực vẫn bị một số cầu với khẩu độ thông thuyền thấp cản trở giao thông của các phương tiện thủy nội địa.