Aa

Cần "bắt đúng bệnh" để các doanh nghiệp tư nhân bứt phá từ CPTPP

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 02/05/2019 - 15:36

CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh.

Doanh nghiệp phải chủ động

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết CPTPP sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau WTO.

CPTPP có thể mang tới những cơ hội đầu tư các thị trường mới hay các môi trường quen thuộc. Doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ không chỉ trong thế mạnh truyền thống mà còn cả dịch vụ. Các doanh nghiệp đều đang đứng trước khả năng tăng doanh thu và lợi nhuận.

Đặc biệt, CPTPP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cơ hội thuế quan giảm, tạo lợi thế cho Việt Nam khi cạnh tranh với các nước khác. Cụ thể, 8000 - 9000 sản phẩm dệt may, da dày, sản xuất khác... hưởng lợi từ việc không bị (được giảm) thuế.

Tuy nhiên ông Lộc cũng nhận định: “CPTPP là hiệp định thế hệ mới, cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn. Với CPTPP, ngành sản xuất có vượt qua được các trở ngại quá khứ hay không, câu trả lời có được khi chúng ta nhận diện được những cản trở của doanh nghiệp Việt Nam để hiện thực hoá các nguyện vọng”.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp. Một là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn; hai là vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Lộc, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt...

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: “Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, Hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thức đẩy hiện đại hóa đất nước. Hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý”.

Theo ông Trần Quốc Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường. Trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động sang chủ động kêu gọi hỗ trợ. Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Sản phẩm chưa có đột phá

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đưa câu hỏi làm thế nào để tối ưu hoá lợi ích của xuất nhập khẩu để doanh nghiệp hưởng ưu đãi từ CPTPP, tránh phân biệt đói xử giữa các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lấy ví dụ điển hình ngành thép vào giai đoạn trước 2018, doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được thép nóng, mà phải nhập từ nước ngoài sau đó về gia công và bán. Do đó, doanh nghiệp bị đánh thuế phòng vệ thương mai nhiều. Tuy nhiên, gần đây, một số sản phẩm thép cán nóng đã sản xuất được trong nước, mở ra cơ hội mới cho ngành thép.

Ông Khánh chia sẻ: “Việc Mỹ thay đổi quy tắc xuất xứ, cấm nhập khẩu thép cũng báo hiệu một trào lưu mới, đưa ngành thép đứng trước bài toán khó. Chúng ta muốn xuất khẩu nhưng các nước bắt buộc phải có thượng nguồn lớn. Cụ thể, để xuất khẩu được thép cán nóng, chúng ta phải có điều kiện về môi trường, như thế phải tính đến các yếu tố khác như về địa phương, chính sách...

Nếu không phát triển thép cán nóng thì ngành thép nước nhà không có cơ hội xuất khẩu. Tương tự, chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện, cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại. Thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem phiếu... Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội".

Ở góc nhìn doanh nghiệp, Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH BlueScope Việt Nam cho biết ngành thép hiện được chia là thương - trung - hạ nguồn.

Ông Nhựt cho hay: "Đối với sản phẩm thép, mức thuế thấp, bằng không. Chúng ta có cơ hội xuất khẩu thành công vào CPTPP vì không có thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật. Đặc biệt, thử thách đối với các nước CPTPP không lớn, đa số thép xuất khẩu hơn 50% đến từ Trung Quốc... Tuy nhiên, sản phẩm thép hạ nguồn của Việt Nam chưa có chất lượng, kiểu dáng đột phá”.

Ông Nhựt nhận định sự quan tâm của một số doanh nghiệp chưa đúng mức. Các doanh nghiệp chưa đặt sự quan trọng về hệ thống, chính sách của mình để đạt tiêu chuẩn cao của CPTPP./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top