Sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có một căn biệt thự với kiến trúc Pháp cổ độc đáo với tổng thể diện tích lên tới 800m2. Ngôi nhà có tuổi đời gần 100 tuổi với nét rêu phong cổ kính được xây dựng từ năm 1925 bởi cụ Trương Trọng Vọng - một thương gia giàu có nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, căn biệt thự này vẫn giữ được những đường nét kiến trúc hoa văn nguyên bản, rất sang trọng, thoáng mát mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Trong đó, một số đồ đạc như: Cánh cửa, bàn ghế, sập gụ, tủ… cho đến màu sơn vẫn được các thế hệ con cháu gìn giữ như báu vật vô giá của gia đình.
Tự hào khi giới thiệu lịch sử căn biệt thự cổ, bà Lê Thanh Thủy (65 tuổi, cháu gái của cụ Trương Trọng Vọng) hiện đang là chủ ngôi nhà cho biết: “Căn biệt thự này được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây miệt mài trong 1 năm mới hoàn thiện. Để xây dựng được ngôi nhà, ông ngoại cô đã phải tính toán rất kỹ từ hướng gió, việc chọn các loại gỗ quý, cho đến không gian, chiều cao của mỗi phòng”.
Hầu hết nội thất trong căn biệt thự đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông. Theo lời bà Thủy, tất cả đồ gỗ trong gia đình đều được cụ Vọng tìm kiếm, là loại gỗ lim cổ thụ tốt nhất để nhằm giúp ngôi nhà đông ấm, hè mát.
Căn biệt thự có cấu trúc xây dựng theo lối chữ khẩu cùng với hệ thống giếng trời, sân vườn rất hài hòa. Điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào - Cúc - Trúc - Mai” nhằm mang lại ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, giàu sang và sự ấm no cho gia chủ.
Dù được xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng lối kiến trúc của ngôi nhà dường như vượt mọi thời đại, vừa mang nét cổ kính, độc đáo nhưng vẫn pha lẫn những đường nét hiện đại, mới mẻ.
Với tổng thể diện tích 800m2, ngôi nhà có tất cả 10 phòng, mỗi phòng đều có những chức năng riêng biệt. Tưởng là rời rạc nhưng lại rất khép kín khi tất cả các phòng đều có thể thông qua nhau, kết nối với nhau tạo thành một thể thống nhất. Căn biệt thự có đầy đủ các phòng dành cho các thành viên trong gia đình từ phòng ngủ cho người nhà, phòng dành cho khách, phòng cho người làm, phòng ăn, hay nhà vệ sinh.
Chính nhờ sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi nhà, những đường nét, thiết kế vừa cổ kính vừa hiện đại đã khiến ngôi nhà được chọn làm bối cảnh xuất hiện nhiều trên các bộ phim nổi tiếng như "Hà Nội mùa đông năm 46", "Tuổi thanh xuân", "Hương ngọc lan", "Mùa lá rụng trong vườn"…
Căn biệt thự như một minh chứng cho thời đã qua của dân tộc, chứng kiến nhiều những kỷ niệm, những dấu mốc thăng trầm của gia đình nên với mỗi thành viên thì đây không chỉ là ngôi nhà để sinh hoạt mà còn là một kỷ vật vô giá. Chính vì vậy, bà Thủy cho biết, tất cả các con cháu trong gia đình không có ý định sang nhượng lại ngôi nhà mặc dù đã có rất nhiều người từng ngỏ ý mua lại