Aa

Cần cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trong lập quy hoạch

Thứ Năm, 03/03/2022 - 06:30

Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định, nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Sáng 2/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xin ý kiến tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch. (Ảnh: Nhật Bắc)

Quy hoạch phải đi trước một bước

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là lần thứ hai Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch.

Hội nghị nhằm tập trung đánh giá về tình hình và kết quả tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch trong thời gian tới; để công tác quy hoạch phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của các khu vực, lĩnh vực quy hoạch; có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa vào quy hoạch.

Bên cạnh đó, tập trung cho ý kiến về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề ra các giải pháp sát với thực tế, khả thi theo tinh thần của Luật Quy hoạch đã quy định.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác lập quy hoạch hiện vẫn chậm so với yêu cầu, toàn quốc mới thực hiện được khoảng 10% quy hoạch cần phải lập theo Luật Quy hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước; quy hoạch phải khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời chỉ ra mâu thuẫn, thách thức để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp quy hoạch phải đi trước một bước để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển (Ảnh: Nhật Bắc)

Tiến độ lập các quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, tích cực hơn

Tại Hội nghị, báo cáo kết quả lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch.

“Tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn, tích cực hơn và bước đầu đã có những kết quả”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, các giải pháp tại Nghị quyết số 119/NQ-CP đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, từ đó đã tạo ra kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhận được một số khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương. Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát từ trước kia chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hiệu quả và một số phát sinh thêm trong quá trình triển khai thực hiện.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đây là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu triển khai, khối lượng công việc lớn trong khi lực lượng tư vấn lập quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực, chuyên môn, ảnh hưởng của dịch Covid-19... thì còn có những nguyên nhân chủ quan.

Ông Dũng chỉ rõ, một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc thẩm quyền được giao. Cùng với đó, các Bộ chưa tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập quy hoạch; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ để tạo sự thống nhất trong việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn.

Ý kiến phát biểu của lãnh đạo các đơn vị đã đạt những kết quả tích cực trong lập quy hoạch như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Giang… cho thấy, vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm như phải có quyết tâm rất cao, xác định quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án, đồng thời huy động nhiều nguồn lực cho công tác quy hoạch, trong đó có nguồn lực từ hợp tác quốc tế…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn, tích cực hơn (Ảnh: Nhật Bắc)

Đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, tránh rời rạc, manh mún

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch. Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo, tất cả mọi người dân trên mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường… trên tinh thần không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…

Quốc hội đã cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Thủ tướng yêu cầu các quy hoạch phải bảm đảm hài hòa, tổng thể, quá trình lập quy hoạch phải cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các cấp quy hoạch, tránh rời rạc, cục bộ, chia cắt, manh mún.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top