Trong nhiều ngày qua, dự án đã vận hành đồng thời một số đoàn tàu trên tuyến để chuẩn bị chạy thử toàn hệ thống vào hôm nay.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa), mỗi ga đoàn tàu dừng một phút.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa tàu, tổng chiều dài khoảng 80m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Vỏ tàu làm bằng thép không gỉ theo tiêu chuẩn châu Âu. Mỗi toa dài khoảng 19m, rộng 2,8m, cao 3,8m.
Ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, theo lịch trình, 5 đoàn tàu sẽ chạy cách nhau 10 phút. Các đoàn tàu nối tiếp nhau theo thứ tự, sau khi tàu đến ga Cát Linh sẽ tiến hành đảo chiều thông qua ghi lồng để chạy ngược trở lại ga Yên Nghĩa.
Bên trong nhà ga của dự án được thiết kế với nhiều tiện ích gồm thang máy, thang cuốn, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu, tin tức và hệ thống thông gió, phòng cháy chữa cháy, camera giám sát an ninh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng tổng thầu Trung Quốc có mặt từ sớm để kiểm tra tại ga Văn Quán và thử nghiệm thực tế chất lượng tàu.
Thứ trưởng cho biết quá trình chạy thử toàn tuyến này đặc biệt quan trọng. Việc này sẽ diễn ra từ 3 đến 6 tháng trước khi đưa vào khai thác thương mại để người dân sử dụng.
Theo Ban quản lý dự án, mục tiêu là dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết âm lịch 2019.
Hiện tại hệ thống này vẫn do các chuyên gia, nhân công Trung Quốc vận hành. Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành thử nghiệm. Trong giai đoạn đầu, không có người Việt Nam tham gia, sau này, nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ vào tiếp nhận và vận hành từng bước.