Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư (TĐC) cho hơn 19.000 hộ dân. Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà TĐC ở Hà Nội rất lớn. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn hàng trăm căn hộ TĐC chưa có quyết định bố trí, trong đó có những dự án về cơ bản xây dựng xong nhưng vẫn bỏ hoang nhiều năm nay.
Một nghịch lý đang diễn ra, một mặt khẩn trương xây xong dự án mới nhưng các dự án đã xây dựng xong trước đây lại bỏ trống. Đơn cử như tòa TĐC D4 Tạ Quang Bửu khang trang vẫn bị bỏ hoang nhiều năm. Theo đại diện Công ty TNHH bảo vệ Việt Dũng đang trông giữ toà nhà, đây là dự án TĐC với khoảng 144 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm gián đoạn song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được cho là đang chờ dự án đền bù trước mặt đường Đại Cồ Việt mới bố trí người dân về đây được. Bên cạnh đó, nhiều căn hộ đã được bàn giao mà người dân không về ở. Trong khi đó, số người dân ở “ảo” chờ bán lại, hưởng chênh lệch giá chiếm phần đông. Tình trạng này đang gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư lớn của thành phố.
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng, chỉ khi nào chất lượng công trình gắn với trách nhiệm chủ đầu tư, dự án TĐC mới tốt được. Hầu hết các khu nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội nói chung đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng ra sao cũng được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, rồi bàn giao cho đơn vị khác quản lý, gần như không còn trách nhiệm trong việc bảm đảm chất lượng trong suốt quá trình sử dụng.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng lãng phí quỹ nhà TĐC tại một số dự án: