Aa

Cần chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh giúp doanh nghiệp phục hồi

Thứ Năm, 28/10/2021 - 06:30

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Tình hình càng khó khăn, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm để triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

Đây là ý kiến của mạnh của ông Nguyễn Quang Vinh -Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 27/10 tại Hà Nội. 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ, thống nhất, dễ tiếp cận

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.

Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Việc giãn cách để phòng chống Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, mất hợp đồng. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với các giải pháp về miễn giảm thuế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Nội dung hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng dịch bệnh. Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi với quy trình, thủ tục phải được đơn giản hóa tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Chính sách hợp lý, thực thi nhanh chóng

Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay ngay khi dịch bùng phát, NHNN đã tiến hành yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ. Sau đó là ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01 (đã thay đổi tới lần thứ 3 cho thấy ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn). 

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp… Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.

Diễn đàn
Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh"- Ảnh:VGP.

Riêng thời gian thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đã giảm được 12.600 tỷ đồng, giảm từ tháng 7 đến nay. Cùng với đó là 1.800 tỷ đồng là giảm phí cho các doanh nghiệp.

NHNN cũng thực hiện gói vay ưu đãi 0%, tuy nhiên doanh nghiệp tiếp cận còn thấp. Số doanh nghiệp được cơ cấu nợ còn thấp trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ở chiều ngược lại, tình hình “sức khoẻ” ngân hàng cũng bị suy yếu gián tiếp do doanh nghiệp khó khăn, buộc phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định dư địa của các tổ chức tín dụng hiện còn rất nhỏ vì khi các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giảm phí cho các doanh nghiệp… vòng quay đồng tiền khó khăn hơn. “Nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Do đó, vấn đề là chính sách tài khoá phải vào cuộc mạnh mẽ hơn phối hợp với chính sách tiền tệ ", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh...

Đại diện cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng phải có chính sách đồng bộ, tránh xung đột, triệt tiêu lẫn nhau; bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của chính sách để doanh nghiệp thực hiện.

Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.

Đại diện cơ quan thuế lý giải, các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình, ngoài việc hỗ trợ cần tính đến giữ nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phụng cho hay đã có trên 30 loại phí và lệ phí liên quan đến hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được giảm từ 30 - 70% và điều này đã tác động tích cực đến các doanh nghiệp.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Phụng đề xuất một số giải pháp chính sách cần thực hiện như giải pháp về vĩ mô, liên quan đến hoạt động kinh doanh, chi tiêu công để gia tăng cơ hội tham gia của doanh nghiệp, tăng sức lan toả; chính sách phải đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự thống nhất và khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding cho rằng, điều quan trọng nhất là các điạ phương thống nhất quy định về phòng chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hoá và kiểm soát các lái xe. UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, chuyến bay đã đặt lịch hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.

Bên cạnh đó, cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan như thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Đào Trọng Khoa cũng kiến nghị chính sách hỗ trợ cần quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng từ chi phí, giá cước vận tải biển tăng cao; không nên áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hải Phòng và tới đây là TP.HCM…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top