Aa

Cần chọn dự án cấp bách ở miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Thứ Hai, 08/11/2021 - 16:41

Việc tập trung đầu tư nhằm giúp rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng miền, giữa thành thị và miền núi, giúp tăng cường giữ vững, đảm bảo thế trận quốc phòng - an ninh tại địa bàn chiến lược.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, sáng 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tán thành các báo cáo trình bày tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn Quốc hội, Chính phủ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đồng bào không bị bỏ lại phía sau, đồng thời, cần lựa chọn những dự án cấp bách tại vùng này để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), hiện nay, có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhưng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc tập trung đầu tư này là nhằm giúp rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng miền, giữa thành thị và miền núi, cũng như giúp tăng cường giữ vững, đảm bảo thế trận quốc phòng - an ninh tại địa bàn chiến lược.

Dẫn ra thực tế ở Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất Bộ Chính trị và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra cú hích đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, các bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp và người dân các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chế biến sâu các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, bơ, mắc ca, sầu riêng, hạt điều... làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá như những năm vừa qua.

Đại biểu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, trên tinh thần làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel gần đây, cần xúc tiến chương trình làm việc với Chính phủ Israel để việc nhận chuyển giao công nghệ tưới giọt đại trà quy mô công nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên như một giải pháp tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Nhấn mạnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nêu rõ, khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng phên giậu của Tổ quốc, là an toàn khu, cái nôi của cách mạng Việt Nam “vẫn là một trong những vùng trũng của sự phát triển kinh tế, xã hội.”

Đời sống nhân dân tại vùng này còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 12,8%, cao nhất cả nước, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng rất cao.

Đại biểu quốc hội Đoàn Thị Hảo
Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo phát  biểu (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả vốn vay nước ngoài. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo hiệu quả.

Theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, theo đề nghị của đại biểu, ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa, kết nối mạng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm.

“Phải coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, trong đó ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện tuyến cao tốc quốc lộ 3 kết nối thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng; tuyến quốc lộ 1B kết nối tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên,” đại biểu nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, qua nghiên cứu Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy mức độ quan tâm các chính sách, vai trò và tác động của các chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “còn rất khiêm tốn.”

Đại biểu đoàn Lạng Sơn mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm nhiều hơn, được tham gia nhiều hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế ở nước ta như đã khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng hoặc lồng ghép cụ thể hơn vào các chính sách chung, những đặc thù liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 cũng như trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

“Xem xét bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như: Chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu về tỷ lệ bác sỹ - giường bệnh trên 1 vạn dân. Đồng thời có giải pháp cụ thể cho việc đạt được các chỉ tiêu được bổ sung này,” đại biểu đề nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top