Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thực hiện bằng được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tùy tình hình từng nơi, từng lúc để ưu tiên chống dịch hoặc ưu tiên sản xuất, hoặc thực hiện đồng thời, đồng bộ cả hai nhiệm vụ này, bảo đảm phù hợp, tối ưu nhất.
Sáng ngày 27/6, sau khi kiểm tra, động viên, đôn đốc công tác phòng chống dịch và sản xuất kinh tại một số cơ sở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, , Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Theo Thủ tướng, với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một địa bàn trọng điểm được Chính phủ quan tâm trong việc phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe cho người dân, bảo đảm hiệu quả.
Báo cáo của tỉnh Bình Dương và các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá cao những kết quả nổi bật của Bình Dương thời gian qua. Tuy nhiên, Bình Dương là địa phương tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và 3 địa phương lân cận, có số lượng lớn công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, rất nhiều người đi lại, giao thương hằng ngày, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Thao cho biết, tỉnh có số lượng rất lớn doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, 29 khu công nghiệp với khoảng 500 nghìn lao động, có nhiều khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp. Nhiều người dân trong đợt dịch thứ tư còn lơ là, chủ quan, không tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về thực hiện 5K, đặc biệt là khai báo không trung thực làm khó truy vết và xác định nguồn lây bệnh.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, tới nay Bình Dương có 221 ca mắc, trong đó có 9 ca trong khu công nghiệp. Những ca bệnh này được phát hiện tập trung chủ yếu ở 8 ổ dịch có nguồn lây từ các ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh với biến chủng Ấn Độ.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương đã nghiêm túc triển khai chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất; siết chặt quản lý đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg và các khu vực phong tỏa như thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và một số phường thuộc thành phố Thủ Dầu Một. Đến nay, hơn 85% các doanh nghiệp thực hiện đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2021, việc thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát, tỉnh đang tập trung các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp. GRDP 6 tháng ước tăng 7,23%, xuất khẩu tăng hơn 47%, sản xuất công nghiệp tăng 8,23%, thu ngân sách tăng 23%. Thu hút vốn FDI đạt 1,4 tỷ USD, tăng 65%. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính năm 2020 thuộc nhóm rất tốt, đứng thứ 4 cả nước.
An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt, nhất là việc chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bình Dương không có hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của cả nước năm 2020; thu nhập bình quân đầu người hơn 7 triệu đồng/ người/ tháng, cao nhất cả nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cơ bản kịp thời và đúng hướng. Tỉnh cần đặc biệt quan tâm, hết sức lưu ý, ưu tiên hàng đầu việc phòng chống dịch tại các khu công nghiệp và cho công nhân.
Đúc rút kinh nghiệm từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch tại các khu công nghiệp cho các tình huống chưa có dịch, khi dịch xuất hiện và lây lan… Do đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh và các doanh nghiệp phải có kịch bản hết sức cụ thể để phòng chống dịch, duy trì, bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, hết sức linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương, từng doanh nghiệp.
Lãnh đạo các bộ phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo các bộ cũng đề nghị tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó có các biện pháp công nghệ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp, các nhà máy; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; duy trì giao thông thông suốt trong điều kiện dịch bệnh, tránh tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, đứt gẫy chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hoá; chuẩn bị sẵn sàng “bốn tại chỗ”; căn cứ thực tiễn địa phương và chỉ đạo của Trung ương để xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phù hợp, hiệu quả…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh rút kinh nghiệm Bắc Ninh, Bắc Giang trong thực hiện mục tiêu kép, chú ý tổ chức quản lý tốt các khu công nghiệp, các khu nhà trọ, giãn cách sản xuất tại các nhà máy. “Bình Dương có đóng góp rất lớn cho cả nước về sản xuất công nghiệp, do đó, trọng tâm lớn nhất là phải bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp, không để đứt gãy sản xuất”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Những điểm sáng cần tiếp tục phát huy
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Tỉnh vẫn kiểm soát được dịch bệnh, đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, thu ngân sách hơn 60%, đời sống nhân dân chưa bị tác động nhiều, chính sách an sinh xã hội được duy trì thực hiên tốt, nhất là không có hộ nghèo. Đây là những điểm sáng của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm, cần tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để phát huy thật tốt.
Tuy nhiên, tỉnh còn xuất hiện một số ca nhiễm, chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, khó kiểm soát, dễ lây lan. Tỉnh chưa có phương án cụ thể phòng chống dịch trong các khu công nghiệp. Giải ngân đầu tư công rất thấp, mới đạt 18% kế hoạch cả năm, cần rút kinh nghiệm, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình sắp tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát được dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị từ nay tới cuối năm, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, phải bám sát tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả. Lưu ý không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu để để đứt gãy sẽ rất khó khôi phục.
Mục tiêu cho thời gian sắp tới là phải chống dịch hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để bùng phát dịch trong khu công nghiệp. Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân năm sau tốt hơn năm trước; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân. Kết thúc tốt đẹp năm học và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả, an toàn, đúng quy định.
Không “cầm tay chỉ việc”
Tại hội nghị trực tuyến ngày 26/6 với TP.HCM và 7 địa phương, trong đó có Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã có định hướng, chỉ đạo về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các địa phương triển khai thực hiện thời gian tới. Theo đó, Bình Dương cần hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép, mỗi địa phương căn cứ tình hình, diễn biến dịch tễ trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu, dứt khoát không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, mầm bệnh có thể xâm nhập từ ngoài vào bất cứ lúc nào. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, thực hiện nghiêm chiến lược “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ rộng rãi.
Cùng với đó, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng cho các tình huống có nhiều ca nhiễm hơn. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly, cơ sở điều trị, không để lây nhiễm chéo và lây lan ra bên ngoài. Các cán bộ, y bác sĩ trong khu cách ly, cơ sở điều trị thực hiện nghiêm các quy trình, quy định phòng chống dịch. Với các bệnh nhân, vừa điều trị bệnh lý, vừa chăm sóc tinh thần để người bệnh có tâm lý tốt, kết hợp hài hòa giữa các môn khoa học, y học, xã hội học, tâm lý học để nâng cao hiệu quả điều trị.
Thứ tư, thực hiện phong tỏa, giãn cách trên địa bàn phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, không cực đoan; thực hiện trạng thái bình thường tại những nơi có đủ điều kiện. Thủ tướng lưu ý việc này cần thực hiện bài bản, như mô hình phong tỏa 3 lớp của Đông Anh, Hà Nội. “Cách ly vội vàng thì dễ cho người làm nhưng khó cho người dân. Phong tỏa không kịp thời thì dịch lây lan nhanh, có thể vỡ trận”- Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo địa phương.
Một nhiệm vụ quan trọng với Bình Dương hiện nay là đẩy mạnh xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0, khẩn trương khoanh vùng, cách ly mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Thủ tướng đã đề nghị các doanh nghiệp nâng công suất sản xuất các test nhanh để đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Tỉnh có thể huy động các trường y, các bệnh viện để tập trung nhân lực cho việc xét nghiệm nhanh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trực tuyến nhiều hơn để góp phần giãn cách xã hội.
Căn cứ tình hình cụ thể để nghiên cứu chiến lược cách ly cho phù hợp, có thể cách ly tại nhà với các ca F0 không có triệu chứng nguy hiểm và F1. Bộ Y tế đã ban hành quy định về vấn đề này, tỉnh phải vận dụng phù hợp và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xấu hơn. Thiết lập các chương trình trên truyền thông, truyền hình để các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn người dân phòng chống dịch, nhất là với các ca bệnh cách ly tại nhà.
Xây dựng kế hoạch để cách ly người lao động ngay tại nhà máy nhằm vừa phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Xây dựng các kịch bản tăng trưởng tùy theo diễn biến tình hình thời gian tới. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, rà soát lại, tập trung vốn cho các dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành, dứt khoát cắt giảm các dự án dàn trải, kém hiệu quả.
Bình Dương cũng cần coi bối cảnh hiện nay là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, “biến nguy thành cơ”. Tái cơ cấu đội ngũ lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, năng lực của người lao động.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý, điều hành, đi đôi với kiểm tra, giám sát, huy động sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân. Tăng cường phối hợp, kết nối mạnh hơn với TPHCM và các tỉnh lân cận để chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, tránh cục bộ địa phương. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong phát triển, nhất là trong đầu tư xây dựng các hạ tầng chiến lược như giao thông vận tải.
Giao các bộ ngành xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì trình các cơ quan liên quan xem xét, quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc của mình, giữ vững đoàn kết, vượt qua khó khăn chung của đất nước và của địa phương để tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả lớn hơn nữa.